Những bất mãn, những đeo mang, hai chân chạm đất
17/08/2017
SATURN & THE MOON - Joyce Hoen
Để hiểu về góc hợp giữa sao Thổ và Mặt trăng, ta cần phải xem xét hai vấn đề, thứ nhất: chức năng của sao Thổ trong bản đồ sao là gì, và nó liên quan như thế nào đến tổng thể và tính biểu tượng của bản đồ sao, và thứ hai, sau khi chúng ta đã có câu trả lời, thì câu trả lời đó sẽ liên hệ gì đến Mặt trăng, khi sao Thổ tạo góc hợp với Mặt trăng trong bản đồ sao?
Vậy chúng ta hãy bắt đầu với Mặt trăng. Theo quan điểm của tôi, Mặt trăng, không hơn không kém, phản ánh mối quan hệ của chúng ta đến Trái Đất. Thông qua bụng mẹ mà chúng ta bước vào thế giới này, thông qua Mặt trăng mà linh hồn thinh không của chúng ta tìm được sự hiện hữu xác thịt, và thông qua Mặt trăng, chúng ta tham gia vào những bản năng được truyền lại của chủng tộc, vào những thiên tính là một phần của nhân loại. Trong thế giới động vật, chúng ta thấy rằng những loài thú nhỏ hầu như ngay lập tức có thể có được những khả năng nhất định mà chúng ta gọi là “bản năng”, chẳng hạn như một chú chim nhỏ theo bản năng sẽ biết rằng chúng phải học cách bay, rằng bay là khả năng chính yếu của chúng trong thế giới này. Và cũng tương tự với con người – khi chúng ta bước vào thế giới này, một cách bản năng, chúng ta sẽ phản ứng theo những lối nhất định, đầu tiên là phản ứng theo sinh học, sau đó là phản ứng theo cảm xúc, cả hai đều có những cội rễ cộng đồng hặc cá nhân: nền văn hóa cụ thể mà chúng ta sinh vào, những gì chúng ta thẩm thấu, và sau đó là gia đình – nó quy định tất cả những tính cách mà chúng ta nhận vào người mình, hoặc ít nhất là những tính cách mà chúng ta tự động cảm thấy bị thu hút hoặc nghĩ là chúng ta cần đến nó. Để sống trên hành tinh này, chúng ta cần rất nhiều thứ. Chúng ta cần một sự hiện hữu thực thể, chúng ta cần sự nâng niu nuôi dưỡng, chúng ta cần cảm thấy bản thân được mong muốn, chúng ta cần cảm thấy được bảo vệ. Tất cả những điều đó thuộc về Mặt trăng. Theo chủ nghĩa huyền bí, Mặt trăng là “mẹ” của hành tinh Trái Đất này, là cõi mà các linh hồn cư ngụ giữa những lần hóa kiếp, và theo nghĩa đó, Mặt trăng đại diện cho một cõi “tinh linh”. Mặt trăng cũng thường đại diện cho quá khứ, với cách hiểu này, nó biểu trưng cho những tính cách có căn nguyên từ nơi đây, nơi ta có thể rút chúng ra một cách bản năng mà không cần suy nghĩ, với chiều hướng đó, Mặt trăng liên hệ khá nhiều với những nhu cầu của chúng ta để có được sự tồn tại thể chất và tinh thần trên hành tinh này. Chẳng hạn, một người sinh ra với Mặt trăng Bạch Dương có thể nhận thức từ rất sớm trong đời rằng người Mẹ, thực thể đầu tiên phản ánh “Trái đất” này với chúng ta, sẽ chỉ chăm bẵm hoặc chú ý đến họ khi họ bắt đầu khóc thét. Vậy nên một khi người có Mặt trăng Bạch Dương phát hiện ra điều này, họ có thể sẽ bắt đầu la hét mỗi khi họ nghĩ rằng họ cần sự chú ý, và bằng cách đó một khuôn mẫu được tạo ra. Do đó Mặt trăng tạo ra những khuôn mẫu khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu, mang lại sự chăm bẵm mà cần thiết để chúng ta phát triển thành một thực thể được gọi là: một con người tồn tại trên Trái đất này. Tuy nhiên từ “tồn tại” được nói đến ở đây không có nghĩa là sự tồn tại đầy thức tỉnh, tươi sáng, sống động và cởi mở với cuộc đời, từ “tồn tại” này được dùng để ám chỉ rằng những nhu cầu cảm xúc và sinh học của chúng đã được đáp ứng. Trên thực tế, những khuôn mẫu bắt nguồn từ nhu cầu của chúng ta, bằng cách này hoặc cách khác, thường khiến chúng ta rơi vào vòng lặp mòn mỏi hơn là thực sự “sống”. Nhưng trong mọi bản đồ sao, Mặt trăng thể hiện cách chúng ta trụ đỡ bản thân mình, cách chúng ta duy trì hoạt động trong cuộc sống, vậy nên đó cũng là “sống” nếu hiểu theo nghĩa sống là nhu cầu được đáp ứng, sống là khai thác năng lượng của Linh hồn để hình thành nên tính cách. Mặt trăng đại diện cho tính cách (personality) của chúng ta, cùng nhu cầu sinh học và cảm xúc của tính cách đó trên cõi đời này, trong phạm vi xã hội và gia đình mà chúng ta sinh ra. Thật thú vị khi nhận ra rằng cách chúng ta liên hệ đến bản thân, người mẹ, gia đình và xã hội, trên thực tế chính là cách chúng ta liên hệ đến trọn vẹn cả Trái đất này, đó là lý do tại sao tôi cảm thấy Mặt trăng phản ánh mối quan hệ của mỗi chúng ta với cả hành tinh này.
Lấy ví dụ, Mặt trăng Thiên Yết có thể nhìn thế giới với một thái độ rất dè chừng, như thể mọi thứ trên thế gian này đều muốn gạt họ sang một bên, đều muốn dịch chuyển họ đến một “phía bên kia”, trái ngược với Mặt trăng Kim Ngưu, những người luôn có cảm giác rất khoan khoái và an toàn với “phía bên này” của cuộc sống, trên hành tinh này, tận hưởng mọi tác phẩm của tự nhiên như nó vốn thế, và thực sự không cảm thấy thoải mái chút nào khi vượt ra ngoài phạm vi đó.
Tóm lại, Mặt trăng đại diện cho nhu cầu của chúng ta, những nhu cầu rất đỗi cá nhân, để có thể sống được trên Trái đất này. Tình yêu được thể hiện ở mức độ này thường là một tình yêu khởi phát từ việc chúng ta cảm thấy nhu cầu của bản thân mình được đáp ứng.
Người sinh ra với góc hợp giữa Mặt trăng và sao Mộc sẽ cảm thấy khá dễ chịu với cuộc sống này, nhu cầu của họ được đáp ứng một cách dễ dàng (khi so sánh với các vị trí khác) (ở đây không bàn về những nhu cầu sâu sắc hơn của linh hồn); người có góc hợp Mặt trăng/sao Mộc thường toát lên sự tự tin, đối lập với người có góc hợp Mặt trăng/sao Thổ thường quá ý thức về bản thân mình, và do đó không có sự quả quyết. Sao Mộc và sao Thổ thật sự đối lập với nhau, và chức năng của chúng trong bản đồ sao liên quan đến xã hội xung quanh chúng ta. Khi sao Mộc hoạt động, nó gửi đến cho chúng ta một thông điệp về thành công ngoại hiện: “Vâng, bạn được chào đón ở đây”, sao Thổ thì ngược lại: “Không, chưa đủ đâu, hãy làm lại và ghé đến vào lần sau!” Nếu vậy, khi kết hợp hoạt động của sao Thổ với Mặt trăng, tất cả những phần tính cách trong chúng ta sẽ cùng cảm thấy rằng mình đang nhận được một thông điệp từ thế giới bên ngoài, bảo rằng: “Không, nhu cầu của bạn không thể được đáp ứng ngay bây giờ, hãy thử lại vào lần sau, giờ thì không có thời gian cho chuyện đó đâu.” Điều này sẽ tạo ra một cảm giác tự ti, rằng chúng ta không xứng đáng để có được sự thỏa mãn, và từ đó, tham vọng được khởi nguồn. Tham vọng trở nên xứng đáng với một điều gì đó, để cuối cùng có thể thỏa mãn nhu cầu của chính mình, để không còn cảm thấy một cơn đói khát nào nữa.
Giờ thì, tại sao một hành tinh như thế lại có thể tồn tại trong vũ trụ này? Tại sao con người ta lại túng quẫn, dù là nghĩa đen hoặc nghĩa bóng? Tại sao chúng ta phải chịu đựng sự đơn độc quá đỗi thường xuyên và những nhu cầu cơ bản không thể được lấp đầy?
Hãy tưởng tượng một người sắp rời khỏi hành tinh này, rời khỏi sự hiện hữu thể xác này, để tiến tới một cõi tinh linh và hơn thế nữa, tới một hiện thân khác, một kiếp sống khác. Ngay lúc rời khỏi kiếp sống này, người đó sẽ phải hoàn chỉnh cho mình một hiện thân cụ thể, và hãy tưởng tượng bản đồ sao của họ có Thiên Vương trùng Hải Vương ở nhà 4. Đó có thể là một kiếp sống lưu vong, lang bạc, một kiếp sống mà người đó cố gắng phá vỡ những rào cản và giới hạn, và có thể người này rời khỏi đây vào thời khắc sao Thổ quá cảnh trùng với cặp hành tinh Thiên Vương-Hải Vương. Hãy tưởng tượng rằng quá khứ sẽ trở lại, và có thể, khi trạng thái ý thức chầm chậm dịch chuyển đến ngưỡng của linh hồn, người này bỗng thức tỉnh rằng mình đã lãng quên và bỏ mặc gia đình như thế nào. Đúng hay sai, linh hồn có thể “nghĩ”: “Mình không có thời gian để sửa chữa những điều này, mình phải rời đi ngay đây giờ, nhưng thật sự, mình không nên làm như này và không nên làm như kia”. Người ấy tự chất vấn chính mình và cuộc đời của họ dưới góc nhìn của một linh hồn, và ngay lập tức nhu cầu cho một kiếp sống mới được sinh ra với sự chất vấn đó. Luân hồi diễn ra bởi những mong muốn chưa tròn cùng những sứ mệnh dang dở, sứ mệnh có thể thật có thể ảo, nhưng là những sứ mệnh chúng ta nghĩ mình có thể làm tốt hơn. Chúng ta bất mãn với điều gì đó xảy ra trong cuộc đời của mình và muốn bù đắp nó. Bởi vì linh hồn biết rằng nó không thể tiếp tục, nó không thể được tự do, cho đến khi nó không bị cật vấn bởi lương tâm của chính mình. (Đây là sự vận động mà chúng ta trải qua trong “những đêm tối của Linh hồn” – sự chất vấn bản thân này và tất cả những năng lượng sản sinh ra từ đó không chỉ xảy ra trong đoạn chuyển tiếp từ kiếp này đến kiếp khác, mà chúng cũng xảy ra trong đoạn chuyển tiếp từ chặng này đến chặng khác của cuộc đời, trên thực tế, chính là bất kỳ đâu mà con người có bước chuyển).
Dù chuyện có ra sao đi chăng nữa, trong kiếp sống sau của ví dụ trên, người này có thể sinh ra với Mặt trăng trùng với sao Thổ ở nhà 4, thay vì là Hải Vương trùng tụ Thiên Vương. Điều sẽ xảy ra chính là họ không hòa giải được bản thân với tất cả những gì liên quan đến chăm sóc/nuôi dưỡng ở hành tinh này, huống chi nhận thức được rằng những chất vấn bản thân trong phút chót của kiếp trước giờ đây đã trở thành hoàn cảnh sống trong kiếp này của họ.
Trên thực tế, trong bất kỳ bản đồ sao hay kiếp sống nào, sao Thổ liên quan đến “những bất mãn từ các uy quyền ngoại hiện”, và từ căn nguyên này nảy sinh ra “tham vọng”. Tham vọng rằng sau cuối, chúng ta sẽ tìm được sự thỏa mãn/hài lòng để lấp đầy cảm giác tự ti nội tại. Vậy nên từ lúc đầu đời, chúng ta đã cảm thấy mình có nhiều việc cần phải làm liên quan đến “chăm sóc”, “nuôi dưỡng”, “cảm xúc”. Nhu cầu cần kíp này bắt nguồn từ sâu bên trong. Gốc rễ của nó chính là cái bất mãn trong lòng vào phút chót của kiếp sống trước, nhưng chúng ta thường xem những bất mãn này là thứ đến từ ngoại cảnh, từ tình thế gia đình, như thể thay vì tha thứ, chúng ta muốn trừng phạt bản thân mình.
Cứ mỗi khi bị khước từ, chúng ta lại tổn thương. Nó tổn thương nhiều hơn những gì người khác có thể thấy về sự việc đó, nó tổn thương nhiều hơn là những câu chữ đối phương thực sự nói ra, việc nó tổn thương quá đỗi sâu sắc và đôi khi hơn cả những gì chúng ta có thể ý thức được, là vì nó chạm đến một thứ gì đó trong ta, thứ gì đó ở đây chính là nỗi bất mãn của chúng ta về chính bản thân mình. Với sao Thổ, chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy sự hài lòng từ bất kỳ ai khác ngoài bản thân chúng ta, đơn giản vì một góc trong ta không bao giờ tin vào những gì mọi người nói. Mặt trăng là một phần rất ủy mị trong nội tâm của mỗi con người, nó có thể tự thấy bản thân luôn bị bơ vơ bỏ mặc, xin nhấn mạnh là luôn luôn, và thấy tội lỗi vì điều đó. Tất cả những trạng huống xảy ra trong kiếp sống này đều khởi sinh từ một cảm giác sai quấy (thực ra, cảm giác tội lỗi này phát sinh từ sự cam kết mà chúng ta dặn với lòng mình vào phút chót của kiếp sống trước), vậy nên người có góc hợp giữa Mặt trăng và sao Thổ luôn bị rơi vào những hoàn cảnh buộc họ phải có trách nhiệm với người khác (bảo bọc người khác, hoặc thậm chí, bảo bọc và “làm mẹ” cả mẹ của mình), cảm giác rằng họ không xứng đáng với bất kỳ sự ghi nhận hoặc yêu thương nào, trừ khi nó được đánh đổi bằng trách nhiệm của họ, rằng đó là thứ họ phải gánh vác. Họ có thể nhận được rất nhiều thông điệp yêu thương, hoặc nhận được rất nhiều sự ruồng bỏ, dù họ có cố gắng như thế nào. Nhưng trong cả hai trường hợp, mọi thứ đều không quan trọng, bởi cảm giác ưng đủ vẫn sẽ không có được. Lý do đơn giản là vì đó không phải chức năng của sao Thổ trong bản đồ sao. Sao Thổ không bao giờ hoạt động như một sự chấp thuận từ những gì có sức nặng bên ngoài, hoạt động của sao Thổ chỉ khiến chúng ta quay vào bên trong, để tiếng nói có trọng lượng thực sự cất lên từ trong tâm khảm, và để chúng ta học cách chấp nhận bản thân mình. Tuy nhiên, cuối cùng thì điều này còn khó khăn hơn.
Quá đỗi khó khăn để 1) nói với bản thân rằng, có thể chúng ta đã thực sự sai, bởi cái tôi trong chúng ta thoạt tiên không tin vào điều này (đó không phải là chức năng của cái tôi), và 2) chấp nhận bản thân một cách trọn vẹn, sâu sắc, bởi khi ấy chúng ta phải đối mặt với cái tôi, và chuyển hóa nó bằng cách này hay cách khác…
Ngay cả khi chúng ta tin rằng mình chỉ là tổng hợp của các tính cách, đặc biệt khi trong đa số trường hợp quyền hạn của chúng ta đến từ địa vị ngoài xã hội, đặc biệt khi trong đa số trường hợp chúng ta không biết rằng chúng ta là một linh hồn sở hữu một tính cách trần gian mà chỉ nghĩ tính cách ấy là chính bản thân ta – khi ấy rất khó để chấp nhận bản thân, để tán đồng với bản thân, để hiểu được rằng có thể, ở ngưỡng của cái tôi, chúng ta là những sinh vật bất an và ủy mị. Nhưng thế thì đã sao chứ? Đó không phải là bản chất căn nguyên của chúng ta, chúng ta là Linh hồn, là Tinh linh, nhận thức được điều này sẽ giúp chúng ta có cái nhìn tốt hơn về tính chất của cái tôi (Mặt trăng/sao Thổ) và hiểu được rằng sự bất mãn, sau tất cả, không thực sự là một điều tồi tệ lắm. Sau cùng thì ai lại muốn có cảm giác viên mãn với những tính cách chỉ là thói quen để tồn tại một cách giả tạm? Ai lại không muốn được nhìn nhận với con người thực của họ?
Để không sa vào mê lộ hơn nữa, sao Thổ tượng trưng cho hoạt động tất yếu – quay ngược vào bên trong để tìm kiếm sự hài lòng, hay nói cách khác – bước chuyển vào bên trong chính mình sẽ được tạo ra bởi hành tinh này.
Tôi đã từng làm một hội thảo với 10 người tham gia đều có góc hợp giữa Mặt trăng và sao Thổ trong bản đồ sao của họ, và nói thật thì tôi đã khá sốc khi thấy rằng người có góc hợp giữa Mặt trăng và sao Thổ có thể sống kiên cường trong suốt cuộc đời với những hoàn cảnh/kiểu mẫu bắt nguồn từ nhu cầu chấp nhận bản thân cơ bản này. Một người phụ nữ trong nhóm có Mặt trăng Song Ngư nhà 6 đối đỉnh với sao Thổ nhà 12. Bà là một giáo viên và đã 55 tuổi khi tham dự buổi hội thảo này. Người mẹ của bà sống chung với bệnh tật trong suốt cả đời bà, khiến bà trở thành “người mẹ” của chính mẹ mình, với những nhu cầu cảm xúc của “đứa trẻ nội tâm” không được đáp ứng trọn vẹn. Bà đề cập rằng ở độ tuổi 55, bà vẫn phải chăm bẵm cho mẹ của mình (một cảm giác trách nhiệm đi cùng với góc hợp giữa Mặt trăng và sao Thổ).
Và tôi đã quyết định lập một kịch bản chiêm tinh và yêu cầu bà đóng vai trò của chính mình, như một giáo viên, với người mẹ ốm yếu trên chiếc xe lăn, không thể cử động nhiều. Và một phân cảnh trong kịch bản mà tôi muốn chỉ ra là bà ấy sẽ có một kiểu trách nhiệm khác, vì bà ấy sẽ không thể chăm sóc cho mẹ của mình, nên phân cảnh ấy sẽ là một phân cảnh dày đặc những buổi họp ở trường, khiến bà hoàn toàn không có thời gian chăm sóc mẹ. (Nhân tiện, tôi dĩ nhiên không ủng hộ việc chúng ta không chăm sóc những người trong hoàn cảnh khốn khó, ngược lại, tôi muốn tập trung vào những động lực thúc đẩy khiến chúng ta chăm sóc người khác, để thấy được điều gì đang thực sự diễn ra).
Dù sao đi nữa, thật đáng kinh ngạc khi phát hiện ra rằng người giáo viên này cũng đang rơi vào tình huống như trên, phải dự rất nhiều cuộc họp mỗi ngày, nhưng bà ấy nói, mẹ của bà sẽ chỉ đơn giản gọi cho bà trong cuộc họp và nhất mực rằng bà phải ghé đến vào ngày mai, và, người giáo viên này sẽ làm như vậy.
Rất có thể người giáo viên có góc hợp Mặt trăng/Sao Thổ này chưa bao giờ nhận được sự bằng lòng từ người mẹ, bà chỉ cảm thấy bản thân mình cần thiết và được mong mỏi khi gánh lấy trách nhiệm trên vai, và do đó một kiểu mẫu/trạng huống dễ dàng được thiết lập (mà bà ấy khó lòng có thể thoát ra được) tạo ra một tính cách (Mặt trăng) sẽ luôn chăm bẵm cho người khác, không phải vì tình yêu thương dành cho người đó, mà thực sự là vì cảm giác nhỏ bé, hoặc nếu không là vì tội lỗi. Với sao Thổ nhà 3, sự việc này có thể hướng đến một người anh chị em, với sao Thổ nhà 6, có thể tại nơi làm việc. Mặt trăng tạo góc hợp với sao Thổ ở nhà 8 cũng thường tạo ra những mẫu người luôn túc trực lo lắng cho người khác, như thể nếu không như thế thì họ sẽ cảm thấy bản thân không có quyền để tồn tại.
Kết luận ở đây chính là (và tôi mong rằng ý tứ của mình không quá trừu tượng) chúng ta đã bất mãn với bản thân mình trong một kiếp sống trước. Nếu chúng ta có thể hiểu được rằng cái tôi của chúng ta cùng song hành với linh hồn và tự thân cái tôi ngay từ đầu đã không phải là những thực thể có quyền hành gì trong việc bằng lòng hay bất an, nếu chúng ta có thể trải lòng như thế với chính bản thân và bỏ đi nhu cầu được công nhận từ người khác, chỉ làm những gì chúng ta cảm thấy cần thiết từ đáy lòng, và sau đó là hòa hợp với Linh hồn – với Tình yêu, chúng ta sẽ không cảm thấy phải mang vác quá nhiều. Đây chính là con đường của người có góc hợp giữa Mặt trăng và sao Thổ, con đường của người có Mặt trăng là môn đệ của Linh hồn trong thế giới này (sao Thổ).
Nếu tôi chăm sóc một người nào đó vì cảm giác tội lỗi, và tiếp tục việc ấy cho đến khi tôi 100 tuổi (những đặc tính của sao Thổ thường cần nhiều “thời gian”) tôi sẽ không nhận ra rằng linh hồn của người đó sẽ cảm thấy được an ủi, và cả linh hồn của tôi nữa, nếu như tôi có thể phá bỏ kiểu mẫu nô lệ tiêu cực này.
Hiển nhiên sẽ có nhiều cách khác để trải nghiệm góc hợp giữa Mặt trăng và sao Thổ, và có nhiều thứ để viết về cách nuôi dạy trẻ em với góc hợp này – những đứa trẻ còn phụ thuộc vào sức nặng bên ngoài, nhưng vấn đề chỉ đơn giản là: sao Thổ vào một lúc nào đó trong đời nên quay ngược khỏi những nhu cầu tìm kiếm sự chấp nhận bên ngoài, hướng vào cái biết bên trong, cái tiếng nói và lương tâm nội tại, và, trong trường hợp với góc hợp giữa Mặt trăng và sao Thổ, điều này còn có nghĩa là thôi cư xử từ một nhu cầu sẽ co cụm và giới hạn nhận thức của chúng ta, việc này có như thế nào đi chăng nữa cũng sẽ không bao giờ đạt đến sự viên mãn – và cũng không cư xử từ cảm giác tội lỗi. Chúng ta hôm qua đều có tội. Thì sao nào. Hôm nay là một ngày mới, hãy cư xử với bên ngoài từ trong tâm, thay vì phản ứng lại với thế giới ngoại cảnh, chúng ta có thể chăm sóc với tình yêu, với một sự quan tâm thật sự. Trong mọi trường hợp, đều là Thời gian đã khiến mọi thứ đi vào lề lối, một vòng lặp mà chúng ta quá tội lỗi để có thể phá vỡ bởi nỗi sợ hãi bị người khác khước từ, chúng ta thật ra đều đang mời gọi sự khước từ của Linh hồn, ngày qua ngày, tháng qua tháng.
__
Joyce Hoen tốt nghiệp tại Khoa Nghiên cứu Chiêm tinh (Faculty of Astrological Studies) năm 1986, hiện đang sống tại Hà Lan và là một chiêm tinh gia toàn thời gian với việc tư vấn và dạy học trực tuyến.
__
Dịch từ “Saturn & the Moon”, đăng tải lần đầu tiên trên ấn bản của Hội Nghiên cứu Chiêm tinh Quốc tế, Kosmos International, 1997 với sự đồng ý của tác giả.
Ảnh đại diện: yusuf nadir
Ảnh bài viết: sara garsía
1 Comment