một tính cách có thật
15/05/2018
LIỆU CHÚNG TA CÓ ĐỌC ĐƯỢC TÍNH CÁCH THÔNG QUA BẢN ĐỒ SAO?
Một câu hỏi Có/Không nhưng lại tồn tại nhiều hơn hai đáp án. Mỗi khi bắt gặp câu hỏi này, những kiến thức chắp vá lại trết nhào hết cả vào nhau trong cái đầu mình khốn khổ, hòng nhào nặn được chút gì đó rõ ràng, cụ thể. Dù là một người xuôi theo dòng chảy của chiêm tinh học hiện đại, đã quan sát và ghi nhận sự phóng khoáng của nó, song mình vẫn không đi cùng được với những sự đại khái của nó.
Những sự đại khái. Những cái nôm na. Những lỗi sai núp bóng trữ tình lãng mạn.
Mình thậm chí còn nghĩ rằng, mỗi thông tin đều nên như một viên đá tảng: có sức nặng, đánh giá được, và khiến người nghe ngay lập tức biết được là họ đang tiếp nhận cái gì. Tính cách có thể lần ra thông qua bản đồ sao hay không? Mình đi tìm sự hòa giải với những câu trả lời lơ lửng của chiêm tinh học hiện đại, trong chiêm tinh truyền thống.
chuyện khác nhau quyển từ điển
Thông thường, chúng ta dùng “tính cách” để gọi những nét riêng biệt giữa người với người kia. Nói bản đồ sao chỉ ra tính cách cũng hợp lý, bởi ngay đến một cặp song sinh cũng có hai bản đồ sao khác nhau, nếu ta tính đến cả những điểm ảo xê dịch trong tích tắc. Song bản đồ sao (gốc) được lập tại một thời gian và địa điểm nhất định. Thứ tính cách mà nó thể hiện in hằn năng lượng tại thời gian và địa điểm đó, như một hạt giống đã lẳng lặng được gieo. Tính cách được chỉ ra bởi bản đồ sao nằm gói gọn trong một hạt giống mà tay gieo trồng dứt bỏ mối bận tâm ngay từ khi nó chưa lên mầm. Hạt giống ấy, với những thứ vun dưỡng nó sau đó, như thời gian, gia đình và xã hội, dần lớn thành một cái cây. Cái cây này chính là “tính cách” mà trong thực tế chúng ta ám chỉ đến, dù ta có nhận thức được ý mình là như thế hay không.
Từ tính cách, character, vốn mang nghĩa là một con dấu, một công cụ dùng để in dấu của nó lên kim loại, sáp hay giấy. Tính cách của một người, do đó, cũng là những dấu ấn mà người đó có được từ những tác động ngoại cảnh, hơn là những gì có gốc rễ từ bên trong họ.
ngôn ngữ của chiêm tinh học hiện đại
Nói cách khác, bản đồ sao là hạt giống. Nhưng khi nhờ ai đó đọc giải bản đồ sao, chúng ta đều hy vọng họ sẽ phác thảo cho chúng ta thấy một cái cây.
Khi chúng ta hỏi cái cây của cậu A ra sao, tức tính cách của cậu ta như thế nào, người đọc bản đồ sao không thể trực tiếp báo cáo cho ta được điều này. Họ chỉ ngầm biết rằng cậu A có một hạt táo được gieo, thế nên chắc chắn rằng cậu ta không thể đang có một cây lê, còn việc cái cây ấy trĩu cành hay còm cõi, thì lại là việc không thể nào ngay lập tức đoán biết. Nhắc lại, không loại trừ khả năng đoán biết được, chỉ là không phải ngay lập tức. Một người đọc bản đồ sao cần mẫn có thể kết hợp bản đồ sao gốc (hạt giống), transits/quá cảnh (các tác động ngoại cảnh), progressions (các mốc phát triển của cây), solar return (những vấn đề ngắn hạn),… để vẽ nên một bức tranh lùng nhùng về tình trạng hiện tại của cái cây, hay là người. Tuy nhiên, càng dùng nhiều công cụ, càng có nhiều chi tiết rời rạc được vẽ ra, càng có nhiều khả năng được thêm vào. Bạn có chắc là mình đã sẵn sàng cho câu trả lời của một vị chiêm tinh gia cần mẫn?
Và đó là câu trả lời mà chiêm tinh học hiện đại mang đến. Dòng chảy của chiêm tinh học hiện đại, một mặt, vay mượn cho mình sự màu mỡ từ những lĩnh vực mà nó đi qua, như truyền thuyết, ngôn ngữ, tâm lý, số học; mặt khác, nỗ lực vươn ra khắp mọi nơi bằng cách nới lỏng phạm vi ý nghĩa của các thành phần trong bản đồ sao, khiến chúng trở nên linh hoạt và mềm mỏng hơn. Trừ những ai có tham vọng diễn giải cuộc sống, ý hướng này của chiêm tinh học thật khiến ta khó tiếp cận được với những gì đặc thù hay cụ thể. Đặc thù, như bản chất của chiêm tinh học, hay cụ thể, như tính cách của con người. Làm sao để miêu tả, hay thậm chí là mường tượng ra tính cách, khi tính cách được can dự, điều chỉnh bởi mọi thành phần trong bản đồ sao.
khi chưa nhìn thế giới quá lâu
Khía cạnh mờ mịt này của chiêm tinh học hiện đại không phải là một khiếm khuyết. Chỉ có thể nói rằng: câu hỏi kia, không phải là một câu hỏi hợp thời với nó. Để trả lời một cách rành mạch và dứt khoát, ta buộc phải quay về cái thời mà các chiêm tinh gia chưa quá đắm mình vào những suy tư phức tạp.
Khác với chiêm tinh học hiện đại va vào đâu cũng là một phần của tính cách, chiêm tinh học trung cổ (chiêm tinh truyền thống) xem tính cách là những mảng cụ thể luôn yên vị trong những quy ước rạch ròi. Khi bàn đến tính cách, từ điển của chiêm tinh truyền thống dành ra cho nó hai khái niệm: tính khí, temperament, và đặc tính của Linh hồn, qualities of the Soul.
cái cụ thể mà chỉ chiêm tinh học truyền thống mới đưa ta đến gần
Cá nhân mình rất thích từ này, tính khí, dù nó không phải là một khái niệm chiêm tinh thuần túy. Nếu nói tính cách là những đặc điểm thay đổi theo thời gian và chịu tác động từ ngoại cảnh, thì tính khí là những đặc điểm không chịu sự tác động trong ngoài nào, nó sẽ không thay đổi bởi bạn có một người mẹ nghiêm khắc hay bởi bạn đã già đời hơn và muốn một cú chuyển mình. Nó chỉ là như thế, từ khi bạn sinh ra.
Tính khí được chia làm bốn loại: Lạc quan, Nóng nảy, Lãnh đạm và U sầu. Trong chiêm tinh, bốn loại tính khí có nhiều điểm tương đồng, thậm chí là được đánh đồng, với bốn nguyên tố, theo thứ tự lần lượt là: khí, lửa, nước và đất. Thế nhưng mọi chuyện phức tạp hơn như vậy. Một chút. Việc bạn có nhiều hành tinh ở cung khí không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc bạn có tính khí Lạc quan. Bốn tính khí thường được miêu tả trùng lặp với bốn nguyên tố khi ngày hôm ấy bỗng dưng người ta cảm thấy lười biếng với các tính từ. Thế nhưng nếu có thời gian tìm hiểu sâu hơn một chút, bạn sẽ thấy chúng xứng đáng ở một vị thế khác biệt.
Có rất nhiều đóng góp cho việc miêu tả các biểu hiện của bốn loại tính khí, ở đây mình sẽ chọn ra cả từ chiêm tinh và tâm lý.
chân dung tính khí
Chiêm tinh, và còn là chiêm tinh truyền thống, thì hẳn phải có William Lilly. Lilly đã mô tả bốn loại tính khí trong Christian Astrology như sau:
Nhắc lại, tính khí Lạc quan là những người vui vẻ, phóng khoáng, chân thành, đáng tin, chuyên hòa giải, cởi mở, khiêm nhường và có lòng sùng tín.
Nóng nảy là những người đầy oán giận, ưa gây gổ, hay nuôi thù, mang nhiều khát vọng, thường thúc bách, độc đoán, rắn rỏi, hấp tấp, chuyên dây vào những rắc rối không cần thiết, dấy lên bạo động, cũng rất tinh vi, và dễ thay đổi quan điểm của mình.
U sầu là những người chậm chạp trong giải quyết vấn đề, gian dối, giữ kín đường đi nước bước, thận trọng, nghiêm trang, tham lam, đa nghi, phiền muộn, nhiều sợ hãi, ương ngạnh, hiếm khi quên đi thương tổn, vô tình, dã tâm, không có ngưỡng vọng đối với ai ngoài chính mình.
Lãnh đạm là những người khiếp nhược, nhất vợ nhì trời, dễ lung lay, không giữ được bí mật, luôn làm mọi sự với một vẻ trì độn và biếng nhác.
Cùng thời với Lilly, Nicholas Culpeper, người viết quyển sách y học tiếng Anh đầu tiên, cũng có những quan sát thú vị về bốn tính khí:
Lạc quan: luôn vui cười, tươi tắn, rộng rãi, nhân ái, đầy lòng trắc ẩn, lịch sự, bạo dạng, đáng tin. Một điều nhỏ nhặt cũng có thể làm họ rơi nước mắt, nhưng ngay khi xong cuộc thì họ chẳng đọng lại một nỗi buồn nào.
Nóng nảy: bẩm sinh đã lanh lợi, bạo dạng, chớ hề bẽn lẽn, bạo liệt, vồn vã, hiếu chiến, gian dối, giỏi thuyết phục, can đảm, gan dạ, ngủ không nhiều, thay vào đó ưa pha trò, chế nhạo và bốc phét.
U sầu: tham lam, thương thân, nhút nhát, sợ hãi những góc tối của chính mình, nhiều lo lắng, cẩn thận, đơn độc, chậm chạp, không phải người hòa đồng, thích thú với việc ở một mình, ngoan cố, tham vọng, có lòng đố kỵ, đầy suy tư, cứng nhắc với quan điểm của mình, đa nghi, thiếu tin tưởng, hằn học/ác ý, nhạy cảm/dễ mất lòng, luộm thuộm. Họ lưu giữ lâu những cơn giận của mình, và không hứng thú với những mục tiêu nhỏ nhặt.
Lãnh đạm: đờ đẫn, nặng nề và biếng nhác, như một học giả giỏi giang trong quá trình tiếp thu bài học, nhưng một khi đã nắm được nó – thì cùng lúc đó anh ta đã nhanh chóng quên béng nó. Mơ màng, uể oải, nhút nhát, những sinh vật chóng quên, tốc độ như một con sên, họ làm việc (một chuyện hiếm khi) như thể sẽ đi hết 15 dặm trong vòng 14 ngày. Họ cũng rất bẽn lẽn và điềm đạm.
Để không phát cáu về việc chiêm tinh học truyền thống quả chẳng đánh giá cao gì con người, sau đây là những miêu tả nhẹ nhàng từ tâm lý học. Roy Wilkinson. Trong quyển sách về nuôi dạy con trẻ, The Temperament in Education:
Năng lực quan sát
Lạc quan: Chăm chăm vào mọi thứ và sau đó quên hết mọi thứ.
Nóng nảy: Chăm chú vào thứ mình thích nhưng sau đó cũng quên mất.
U sầu: Ít quan sát nhưng ghi nhớ những gì đã thấy được.
Lãnh đạm: Quan sát và ghi nhớ chính xác hoàn toàn nếu trong trạng thái tỉnh táo vừa đủ.
Trí nhớ
Lạc quan: Như một cái rây.
Nóng nảy: Kém.
U sầu: Nhớ tốt những gì liên quan đến bản thân.
Lãnh đạm: Nhớ tốt những gì liên quan đến thế giới xung quanh.
Mối bận tâm
Lạc quan: Cái hiện tại ngay lúc này.
Nóng nảy: Thế giới, bản thân và tương lai.
U sầu: Bản thân và quá khứ.
Lãnh đạm: Cái hiện tại mà chúng không dính líu đến.
Ngã trên sân chơi
Lạc quan: “Ơ vừa bị ngã rồi sao?”. Khóc trong chốc lát rồi quên mất.
Nóng nảy: Tìm những lý do không liên quan đến mình. Đổ lỗi cho ai đó. Tự hào vì vết thương.
U sầu: Cam chịu nỗi thống khổ quá sức chịu đựng. Cảm giác như thế giới sắp tàn. Rõ là nó cố tình được gây ra để làm tổn thương mình.
Lãnh đạm: Người theo chủ nghĩa khắc kỷ. Đứng dậy và tiếp tục không quan tâm đến thế giới.
Đọc thì vui đấy, nhưng tốt nhất nên nhớ rằng hiếm khi có ai rơi hẳn vào một loại tính khí, và sự pha trộn tính khí cũng không có ngoại lệ nào: ta có thể gặp một người có tính khí Nóng nảy và Lãnh đạm trội ngang nhau.
cấu thành của tính khí
Như đã nói trên, chuyện bạn có nhiều hành tinh rơi vào nguyên tố Lửa không đồng nghĩa với việc bạn có tính khí Nóng nảy. Tính khí được xác định bằng cách cân đo đong đếm nhiều thứ hơn là nguyên tố. Mỗi thời đại, mỗi chiêm tinh gia lại có những cách đong đếm khác nhau. Song công thức này nhìn chung có những thành phần bất di bất dịch sau:
- AC, xét theo nguyên tố (2 điểm)
- Chủ tinh AC, xét theo đặc tính (1 điểm)
- Almuten của AC, xét theo đặc tính (1 điểm)
- Mặt trăng, xét theo nguyên tố (2 điểm)
- Chủ tinh Mặt trăng, xét theo cung (1 điểm)
- Pha của Mặt trăng (1 điểm)
- Mùa sinh (2 điểm)
Đây cũng là công thức của Dorian Gieseler Greenbaum, chiêm tinh gia và nhà nghiên cứu về Hy Lạp và La Mã cổ, tác giả tựa sách Tính khí: Chìa khóa bị Lãng quên của Chiêm tinh học. Vì đây là cách tính toán sơ đẳng nhất, nó không kể đến một vài yếu tố hay ho nhưng phức tạp để gần gũi hơn với những người mới bắt đầu chiêm tinh học. Dù sao thì chiêm tinh vẫn là một môn cần trực cảm khá nhiều, và không có thước đo đúng sai hay độ chính xác. Thế nên khi biết rằng mình đã bỏ qua nhiều thứ, bạn cứ cùng lúc vừa ngờ vực, vừa an tâm.
1. Nguyên tố của AC
AC thuộc nguyên tố nào thì cộng thêm 2 điểm cho tính khí tương đồng với nguyên tố đó.
2. Đặc tính của chủ tinh AC
Trong chiêm tinh học truyền thống thì không có mặt ba hành tinh vòng ngoài, thế nên chủ tinh của Thiên Yết là sao Hỏa, của Bảo Bình là sao Thổ và của Song Ngư là sao Mộc. Thế nhưng trước khi đem chủ tinh ra xét, có thêm một chút lắt léo ở đây, về việc hành tinh đó mọc trước (oriental) hay sau (occidental) Mặt trời.

Ảnh: starzology.com
Để xác định một hành tinh mọc trước hay sau Mặt trời,
hãy chia bản đồ sao ra làm hai nửa mà nửa dưới có Mặt trời nằm sát trên như này. Lúc này, những hành tinh nằm ở nửa trên chính là nhóm hành tinh mọc trước Mặt trời, tương tự, những hành tinh nằm ở nửa dưới sẽ là nhóm hành tinh mọc sau Mặt trời.
Đặc tính của các hành tinh được quy ước như sau:
Sao Mộc, sao Kim (mọc trước Mặt trời), sao Thủy (mọc trước Mặt trời): Lạc quan.
Mặt trời, sao Hỏa: Nóng nảy.
Sao Thổ, sao Thủy (mọc sau Mặt trời): U sầu.
Mặt trăng, sao Kim (mọc sau Mặt trời): Lãnh đạm.
3. Đặc tính Almuten của AC
Almuten có nghĩa là “kẻ chiến thắng”. Nếu AC là 10 độ Bảo Bình, thì Almuten của AC chính là hành tinh có thế tốt nhất ở 10 độ Bảo Bình. Thế tốt xấu trong chiêm tinh học truyền thống là một câu chuyện dài hơi, vậy nên mình sẽ không bình luận đến trong bài viết này. Để tính Almuten một cách đơn giản nhất mà chẳng cần hiểu gì, chỉ cần:
- Mở bản đồ sao được lập ở trang astro.com. Sau đó vào trang http://af.cpptea.com/astrofox.php?dat=5
- Nhập thông tin để lấy bản đồ sao. Phần Kinh độ, Vĩ độ của nơi sinh nên bê từ trang của astro.com qua hoặc tra google. House system: Placidian; Terms table: Lilly; Terms table for almuten figures: Lilly. Chả vì lý do gì cả, chọn vì nó là option đầu tiên.
- Nhấp chọn Go! và kiểm tra phần Basic Data xem AC có giống như kết quả của astro.com không.
- Kéo xuống Characteristics. Mục Almuten Figuris. Không, không phải hành tinh cạnh bên. Nhìn sang bảng bên phải, hàng Asc và bạn sẽ thấy 4 đến 5 hành tinh được liệt kê. Đó là các hành tinh có thế tốt ở điểm AC, Domicile là mạnh nhất và yếu dần đến Face. Tạm xếp điểm là 5-4-3-2-1. Hành tinh nào nhiều điểm nhất chính là Almuten của AC.
- Xét đặc tính của hành tinh ấy theo quy ước trên.
4. Nguyên tố của Mặt trăng
Quan trọng, thế nên cộng thêm 2 điểm.
5. Chủ tinh Mặt trăng, xét theo cung
Như thuộc cung lửa thì sẽ thiên về tính Nóng nảy.
6. Pha của Mặt trăng
Từ vị trí của Mặt trời, hãy chia bản đồ sao ra làm bốn góc tư bằng nhau. Đánh thứ tự theo chiều của cung hoàng đạo, tức ngược chiều kim đồng hồ.
- Mặt trăng rơi vào phần tư thứ nhất (từ lúc không nhìn thấy trăng đến lần bán nguyệt đầu tháng) sẽ thêm tính Lạc quan vào bản đồ sao của bạn,
- rơi vào phần tư thứ hai (từ bán nguyệt đầu tháng đến khi trăng tròn): tính Nóng Nảy,
- thứ ba (từ lúc trăng tròn đến bán nguyệt cuối tháng): tính U sầu,
- phần tư cuối cùng (từ lúc trăng bán nguyệt cuối tháng đến lúc không nhìn thấy trăng nữa): tính Lãnh đạm.
7. Mùa sinh
- Sinh vào mùa Xuân, tức Mặt trời Bạch Dương, Kim Ngưu, Song Tử thì thêm tính Lạc quan.
- Sinh vào mùa Hạ, tức Mặt trời Cự Giải, Sư Tử, Xử Nữ thì thêm tính Nóng nảy.
- Sinh vào mùa Thu, tức Mặt trời Thiên Bình, Thiên Yết, Nhân Mã thì thêm tính U sầu.
- Sinh vào mùa Đông, tức Mặt trời Nhân Mã, Bảo Bình, Song Ngư thì thêm tính Lãnh đạm.
Đây là một trong những yếu tố chủ chốt để quyết định nên tính khí. Quả là lạ khi Mặt trời cung Bạch Dương lại thiên về tính Lạc quan chứ không phải là Nóng nảy. Chiêm tinh học hiện đại có xu hướng dựa theo cung hoàng đạo, nhưng trong trường hợp này thì chính mùa mới là thứ đang được đưa ra cân nhắc. Cách chia trên cũng khá dễ hiểu vì nó là ngày bắt đầu các mùa trong thiên văn học, thế nhưng đấy chỉ là một sự trùng hợp với tiết khí của các nước phương Đông. Nếu sinh ra ở Úc thì mọi chuyện lại khác.
Cộng hết lại với nhau, công thức sẽ chỉ ra bạn thuộc nhóm tính khí nào.
Đừng quá ngạc nhiên nếu bạn cảm thấy không liên hệ gì nhiều đến kết quả cho lắm. Hãy để kết quả ấy sang một bên,
thi thoảng nhớ đến nó
khi bạn được giao cho một công việc (bạn hoàn thành công việc ấy như thế nào? thái độ của bạn với áp lực ra sao?),
khi bạn nhìn thấy một cái váy đẹp trong cửa hàng (bạn chú ý điều gì đầu tiên? dù thích nó, bạn có nhớ được chất liệu, độ dài của nó sau đó?),
khi bạn đối diện với một chai rượu (bạn tập trung vào màu đỏ của chất lỏng bên trong? hay chợt biết rằng đây sẽ là lựa chọn thích hợp cho món quà tặng mà bạn đang tìm kiếm?),
xem xem liệu mình đã hiểu hết con người mình.
—
Ảnh: Willys de Castro, Cartaz Poema (Deep Down), 1959