Chiêm tinh học hiện đại Sự hư cấu bất thành

The Concepts of Modern Astrology: A Critique - Ivan W. Kelly

 

Phần đầu

6. Vấn đề với chiêm tinh tâm lý hiện đại

Tôi quay trở lại với sự chuyển mình từ chiêm tinh truyền thống sang chiêm tinh tâm lý hiện đại. Trong mô hình chiêm tinh tâm lý, mối quan hệ trọng tâm giữa các thiên thể và con người không phải là những hành vi hay xu hướng ngoại hiện có thể quan sát được mà là đời sống nội tâm không thể quan sát của mỗi người, là thứ mà Perry gọi là “cấu trúc siêu linh ẩn dưới dưới tính cách” (Perry 1995b, tr.123; Perry 1998). Phần lớn trình bày dưới đây được dựa trên tài liệu của nhà chiêm tinh – trị liệu tâm lý Glenn Perry, bởi ông là chiêm tinh gia triển vọng và người phát ngôn đại diện của trường chiêm tinh tâm lý.

Perry (1999, tr.2) đối chiếu chiêm tinh truyền thống thiên hướng về sự kiện với chiêm tinh tâm lý như sau:

Một chiêm tinh tiên đoán nghiêm ngặt… ngụ ý số phận của một người phần nhiều được định sẵn và những gì tốt đẹp sau cùng của một người nằm ở việc tránh khỏi khổ đau và khai thác tột cùng hỷ lạc. Trong khi chiêm tinh tâm lý giúp đỡ một người khám phá ra được rằng họ tạo nên số phận của mình như thế nào, chiêm tinh tiên đoán chỉ miêu tả số phận mà không có liên hệ gì với đời sống nội tại của con người. Từ khía cạnh này, các sự kiện không có ý nghĩa gì hơn ngoài việc nó là “tốt” hoặc “xấu”. Nói rằng có “nghiệp quả” từ tiền kiếp, rằng có khổ đau và chịu đựng (hoặc những gì tránh được nhờ buổi tư vấn báo trước tương lai), không giúp gì cho một người để họ có thể sống tích cực hơn trong hiện tiền. Tôi tin rằng số mệnh đó có thể được can thiệp một cách tích cực thông qua quá trình hàn gắn và thống nhất nội tâm. Ý nghĩa thật sự của sự kiện chính là chúng thiết lập nên những “phản hồi” phản ánh lại vị trí của một cá nhân trên thang bậc lành mạnh và trọn vẹn. Và giá trị thật sự của chúng nằm ở việc chúng thúc đẩy sự phát triển trong chính những khu vực mà cá nhân cần nhất sự thay đổi.

Bên cạnh đó, bảo khách hàng phải làm gì không phải bổn phận của chiêm tinh gia bởi những tổ hợp hành tinh đã cung cấp:

một cơ hội để học hỏi hơn là một dịp để lảng tránh hành động… [và] một trong những ý nghĩa cốt lõi của cơ hội mà nó ban cho – không, phải là đòi hỏi, [là] gia tăng thêm niềm tin của một người vào cái biết tự tánh của họ, tôi tước mất nó đi bằng cách khuyến nghị một chuỗi hành động. Đó thật sự là một tổn hại mà tôi làm cho người đó. Tôi cuỗm mất quyết định của họ, bởi nó sẽ gây phiền phức trong việc tiên đoán kết quả… Thứ quan trọng không phải là điều gì sẽ xảy ra, mà là họ sẽ dàn xếp [với nó] như thế nào… Tôi tin rằng phẩm hạnh của chúng ta với tư cách là một chiêm tinh gia không nằm ở việc bảo mọi người phải làm gì, mà là khuyến khích họ tin vào bản thân và Vũ trụ (Perry 1999, tr.2,3).

Perry (1999) còn nói rằng chiêm tinh nên giúp khách hàng đạt được “sự thấu suốt về tiềm năng của họ [như đã được tiết lộ trong bản đồ sao]” (tr.4) và do đó “hoà hợp tột độ với vũ trụ” (tr.1). Làm cách nào chúng ta biết được khi một người đạt được điều này? Khi nào họ ở trong trạng thái “lành mạnh và trọn vẹn” (tr.2).

Những phương pháp khác có thể tốt hơn

Lời khuyên của Perry không phải là duy nhất bởi chiêm tinh. Phần lớn những cuộc chuyện trò huyền ảo và lời khuyên được đưa ra bởi các chiêm tinh gia tâm lý có thể được tìm thấy ở những lời chỉ bảo của mục sư và tâm lý học phổ thông (có thể kiểm tra tại mọi nhà sách), mà không cần đến bản đồ sao và biểu tượng chiêm tinh. Vấn đề mấu chốt ở đây là lời bình luận của Perry về nội tâm hay những thứ tương tự không đòi hỏi đến tinh tú hay bản đồ sao. Ông giành lợi thế về phía chiêm tinh bằng cách sử dụng những lời giải thích từ lĩnh vực khác. Có vẻ là tồn tại nhiều cách hữu hiệu hơn để đối mặt với sự sống và những vấn đề thường nhật của khách hàng so với những gì chiêm tinh gia có thể dâng tiến.

Farha (2001) chỉ ra rằng hầu hết các chiêm tinh gia không trải qua đào tạo về xử lý khủng hoảng hoặc những lĩnh vực tương tự, và cũng không có tiêu chuẩn chiêm tinh quốc gia nào cung cấp chừng mức về quy cách thực hành như trong các lĩnh vực cố vấn, tâm lý học, công tác xã hội, hoặc những dịch vụ nhân sinh khác. Ngoài ra, việc cung cấp những buổi trò chuyện có tính chất xây dựng cho việc an trú trong hiện tiền, hay việc cung cấp ý nghĩa cùng với những cách thức khuyến khích việc tự vấn bản thân được cho rằng có thể thực hiện tốt hơn bởi những chuyên gia hành nghề trong lĩnh vực cố vấn mang tính triết học (xem Marinoff 1999; Raabe 2001; Le Bon 2001). Mặc dù phần lớn những vấn đề của khách hàng là những vấn đề hiện sinh hoặc tâm linh:

Triết gia thường được rèn luyện tốt hơn về mặt triết học so với những người có cùng kĩ năng và nhiệm vụ. Do đó họ có khả năng giúp khách hành làm sáng tỏ suy nghĩ của mình, tránh khỏi những sai phạm về logic hoặc biện pháp trong việc đưa ra những quyết định về lý lẽ hoặc luân thường, xem trọng sự thấu suốt, chất vấn về ý nghĩa cuộc đời, và khai mở một triết lý nhân sinh vững chắc và lý trí (Raabe 2001, tr.277).

Quan điểm của chiêm tinh về tiềm năng có thể hạn hẹp hơn những gì được chủ trương bởi các nhà tâm lý học và triết gia nhân văn. Trong khi tiềm năng của chúng ta có thể, từ những góc nhìn khác, được hạn định phần nào bởi gen di truyền và cơ hội đến từ nền văn hoá, các chiêm tinh gia thêm vào một hạn định mang tên những tiềm năng “được hứa hẹn” trong bản đồ sao. Chiêm tinh gia Cornelius (1998, tr.10) nhận định quan điểm đó như sau:

Theo trường phái tư tưởng này, nếu bạn sinh ra với một sao Thổ hoạt động mạnh, khả năng lớn là bạn sẽ trải qua những trải nghiệm [hoặc cơ hội] mang nặng tính chất sao Thổ. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, đây là bàn tay của thuyết định mệnh bọc trong nhung, bởi bạn vẫn có số mệnh tất yếu là được sinh ra với tiềm năng của sao Thổ! Cách tiếp cận này không thật sự giải quyết được vấn đề.

Vấn đề của tâm hồn nội tại

Chúng ta hãy đổi hướng sang những biểu tượng mà trong chiêm tinh tâm lý hiện đại công khai vén màn tâm hồn nội tại. Perry nói rằng:

Một bản đồ sao tượng trưng cho sự phức tạp, bản chất tiến triển của ý thức… chiều sâu của tính cách… và mối quan hệ mạnh mẽ giữa các động lực tâm lý. Lấy ví dụ, Mặt trời vuông sao Thổ tượng trưng cho mâu thuẫn giữa nhu cầu thể hiện bản thân và nhu cầu kiểm soát bản thân (Perry 1995b, tr.124).

Cung hoàng đạo tượng trưng chung cho “những nhu cầu cơ bản hoặc những động lực thúc đẩy cố hữu của con người” (Perry 1998, tr.1) trong khi đó vị trí nhà và góc hợp tượng trưng cho “bản đồ ý thức” hoặc “cấu trúc tính cách bẩm sinh” đặc thù của một cá nhân (Perry 1988, tr.2,3). Ghi chú 16 Vấn đề nghiêm trọng của lời lý giải được mặc nhận bởi các chiêm tinh gia cho mối quan hệ giữa những yếu tố vũ trụ với những hệ quả tương đối cụ thể và khả thị lại được làm trầm trọng hơn bởi các phỏng đoán thêm vào của các chiêm tinh gia tâm lý.

Làm sao chúng ta nhận biết được chúng?

Làm sao chúng ta nhận biết được những quá trình tâm lý vô hình ẩn dưới biểu tượng chiêm tinh? Perry bảo với chúng ta rằng những quá trình và cấu trúc liên quan đến nhận thức này được cô đọng từ những diễn giải phức hợp của các biểu tượng chiêm tinh truyền thống. Ví dụ:

nhu cầu của một cung [hoàng đạo] có thể được phỏng đoán từ hành vi rút ra từ tính cách đặc thù của cung đó, cụ thể như Sư Tử là niềm kiêu hãnh, sự sáng tạo và tử tế, chúng chỉ ra nhu cầu phổ quát của con người về sự công nhận cho một cá tính mà họ thể hiện (Perry 1988, tr.2).

Ngay từ lúc bắt đầu, đã khó để thấy được mọi việc tiếp nối như thế nào từ hành vi đặc thù của một cung, khi một yếu tố động lực bên trong liên kết tất cả mọi diễn biến sau đó, ngay cả khi lời giải thích đó được chấp nhận, chúng ta vẫn cần đến một lý lẽ độc lập khác để giải thích cho những động lực cụ thể được mặc nhận bởi Perry. Ông không bao giờ chỉ ra rõ ràng rằng mình đã đi đến những kết luận ấy như thế nào. Không có một chiêm tinh gia độc lập hay nhà tâm lý học nào bàn đến những nghiên cứu định lượng hay định tính, hay kêu gọi xem xét kỹ lưỡng những hành vi ẩn dưới biểu tượng chiêm tinh để quyết định xem chúng ta có thể suy luận được gì từ chúng.

Những vấn đề khác

Bên cạnh đó, nếu chỉ có tổng thể bản đồ sao có giá trị, những suy luận dựa trên từng bộ phận do đó là vô nghĩa. Một vấn đề thêm nữa là không có sự đồng thuận với những đặc trưng hay hành vi liên quan đến mỗi cung cụ thể. Những tập hợp từ khóa và cách thể hiện được ấn định cho mỗi cung, nhà và hành tinh không hề đồng nhất (Dean, Mather & Kelly 1996, tr.82). Trong khi có sự đồng thuận về phần nhiều đặc trưng của cung và hành tinh, sự bất đồng có thể góp phần tạo nên những suy luận khác nhau về các cấu trúc tâm lý ẩn dưới biểu tượng chiêm tinh.

Perry nâng tầm chiêm tinh tâm lý đến vị thế kỳ diệu của Kinh thánh bằng cách cho chúng ta biết mối quan hệ mạnh mẽ giữa những động lực tâm lý được biểu trưng bởi bản đồ sao “trôi chảy và biến hóa, thay đổi theo đặc trưng của hoàn cảnh, tuổi tác, sự chín chắn về cảm xúc, và mức độ hợp nhất của tâm lý” (1995b, p.123; 1994, tr.34). Ngoài ra, “không giống như ranh giới của những vật thể hữu thực, nội dung và quá trình của ý thức bao hàm những ý nghĩa có phạm vi ranh giới mờ nhạt … Những ý nghĩa không hạn định, không bị bó buộc, nhiều liên hệ và gắn liền với văn hóa” (Perry 1995a, tr.34).

Sự mờ nhạt được nêu lên bởi Perry là một trong những lý do khiến việc thiết lập các kết nối chiêm tinh trở nên cực kỳ khó khăn, và cũng do đó khiến chiêm tinh trở nên không thể kiểm nghiệm.

Làm thế nào chiêm tinh tâm lý hiệu quả?

Bất chấp lời kêu gọi của Perry đến ý thức, rõ ràng là không có lý luận nào về một ý thức dựa trên những quá trình hữu thực để có thể đảm đương được vai trò đã đặt ra. Thế là Perry có một sự chọn lựa kép, hiện hữu một linh hồn hay tâm trí, nhưng không phải là một linh hồn hay tâm trí hữu hình, hữu thực. Trong khi đó chiêm tinh tâm lý được miêu tả như là một học thuyết “đặc biệt phức tạp về khuôn mẫu của ý thức” (Perry 1995a, tr.32; 1994, tr.33), việc hai mặt đối nhau này của ý thức thật sự hoạt động như thế nào không bao giờ được truy vấn. Thay vào đó, chúng ta chỉ được cung cấp cho những mẩu thông tin như: ý thức là một “hệ thống vô thực” (1995a, tr.32) và là “một trải nghiệm chủ quan của nhận thức mà không có chất liệu nào tương liên” (1995a, tr.34).

Không nơi nào có thể tìm thấy được cố gắng của Perry trong việc cụ thể hóa bản chất nội tại của khái niệm tâm trí vô hình của ông ấy. Trong khi ý niệm về “linh hồn” là một trong những luận điểm quan trọng của chiêm tinh học, chúng ta bị bỏ lại với những hình ảnh mơ hồ về một thứ vô thực không có tính chất vật lý, một bóng ma nội tại cư xử theo lối ma quái tương đồng, khi nói đến cấu trúc hệ thần kinh và cách cư xử của con người. Không rõ ràng chút nào với sự giả định của một linh hồn/tâm trí vô hình có thể góp phần làm sáng tỏ và truyền đạt sự thấu suốt về những khái niệm chủ chốt như hành vi có mục đích, định lượng giá trị, sự tự quyết, mục đích và sáng tạo, và hơn thế nữa bởi những khuôn mẫu đương đại phù hợp với chủ nghĩa duy vật (như những gì được đưa ra bởi Crick 1994; Flanagan 1992; Penrose 1994; Searle 1992; Dennett 1996) Ghi chú 17

Làm thế nào tâm trí của chúng ta hình thành được nó?

Perry không cung cấp cho chúng ta lời gợi ý xa xôi nào về vai trò trung gian của tâm trí vô hình giữa vũ trụ và cấu trúc tâm lý. Phần lớn chúng ta nhận được là những lời viện dẫn mơ hồ tới những quan niệm như thuyết đồng phương tương tính – thứ thay thế một điều bí ẩn bằng một điều bí ẩn khác, và những vấn đề dẫn dắt cuộc tranh luận đi lệch hướng như các mâu thuẫn trong chiêm tinh, tất cả chúng đều thất bại trong việc làm sáng tỏ lý do tại sao tâm trí có được trong nó dấu vết in hằn của vũ trụ. Cuộc chuyện trò về linh hồn và những thực thể vô hình khiến bức tranh về chiêm tinh xấu đi trông thấy mà không hề mang lại thêm một sự thấu hiểu nào. Vì chiêm tinh tâm lý không sở hữu cho mình một học thuyết nào về bản chất của quá trình tâm lý, thứ được phỏng đoán là hình ảnh phản chiếu của các cụm hành tinh, nó chủ yếu dựa trên những định đề của các học thuyết tâm động học khác nhau. Chính xác hơn, Perry liên hệ bản đồ sao đến “quá trình ý thức và vô thức, phạm vi của mâu thuẫn và kiềm nén, con đường dẫn đến thăng hoa, sự thuyên chuyển động lực, phóng chiếu và những thứ tương tự” (Perry 1995b, tr.123; đồng thời xem, Perry 1988; Arroyo 1993; Greene 1996).

Dựa trên những tư tưởng lỗi thời

Ngay cả khi chúng ta dám chắc rằng các chiêm tinh gia tâm lý đã hoàn thiện hơn những ước lượng thô sơ của các chiêm tinh gia truyền thống (những người không thể tự đưa ra những giải thích thỏa đáng cho suy luận tương quan của họ), trường hợp nói trên vẫn khó chấp nhận. Lý do rất đơn giản. Việc tạo ra các lý thuyết ở thế kỉ XX đã chịu ảnh hưởng từ vô vàn các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, bao gồm các cuộc khảo sát về cơ chế hoạt động của não bộ, chủ nghĩa nhân văn và thuyết hiện sinh trong tâm lý, tâm lý học nhận thức, trí thông minh nhân tạo, chủ nghĩa vật lý và chủ nghĩa chức năng trong triết học, vân vân. Các học thuyết về tâm trí thời cổ đại, trung cổ và thời Phục Hưng được các chiêm tinh gia trong quá khứ sử dụng có khác biệt so với các hình mẫu hiện đại (xem Pasnau 1997, Wright and Potter 2000).

Hơn thế nữa, các cấu trúc tâm lý nói trên dựa vào các học thuyết về phân tâm học và tâm lý học nhân văn mà từ những năm 50 đã chịu rất nhiều những chỉ trích nặng nề. Ghi chú 18 Các quá trình và khái niệm về phân tâm học, thứ đã được bóng gió ám chỉ bởi rất nhiều chiêm tinh gia tâm lý, được miêu tả như là thứ không cần kiểm chứng bởi chúng phù hợp với bất cứ hành vi thuận theo tự nhiên nào của con người. Bên cạnh đó, tính chặt chẽ của học thuyết này vẫn đang là một ẩn số, cùng với những tranh luận về tính hiệu quả trong trị liệu của nó (cụ thể xem Crews 1998; Grunbaum 1993; Spence 1994; Esterson 1993; Kerr 1993; Macmillan 1991; Webster 1995; Mc Ginn 1999; Coiffi 1998). Nếu cấu trúc tâm lý được biểu tượng bởi các hành tinh và mối tương quan của chúng là khó hiểu, phần còn lại của học thuyết cũng không thể trụ vững. Ghi chú 19

Về ảnh hưởng văn hóa?

Có phải bản chất của con người trên thế giới này đều như nhau không? Có thật là tất cả chúng ta đều có chung một vài khuôn mẫu cơ bản như các chiêm tinh gia tâm lý nhận định? Giả định rằng sẽ có những tương đồng về mặt thể chất và tâm lý xuyên suốt các nền văn hóa, nhưng liệu cách nhận thức và quá trình tư duy có giống nhau? Một số nghiên cứu gần đây cho rằng người phương Đông sẽ có quá trình tư duy cơ bản khác người phương Tây. Người phương Đông chú trọng nhiều hơn đến hoàn cảnh và các mối quan hệ, và có khuynh hướng dựa vào các kiến thức đến từ kinh nghiệm nhiều hơn người phương Tây. Ở phương Tây, con người thường tách các đối tượng ra khỏi hoàn cảnh, và quan tâm nhiều hơn đến tính nhất quán trong lý luận.

Nếu những khác biệt về mặt văn hóa này tồn tại, như một số triết gia và các nhà tâm lý học nhận định (ví dụ Nisbett, Peng, Choi & Norenzayan 2001; Stich 2001), một vấn đề nảy sinh rằng làm thế nào để những hành tinh giống nhau có thể phản ánh những kiểu mẫu lập luận khác nhau, diễn biến tâm lý khác nhau hoặc những bản chất khác nhau của con người. Quan điểm của nhiều chiêm tinh gia tâm lý dường như cho rằng bất cứ một tư duy dị biệt nào, hoặc bất cứ khác biệt nào về tâm lý giữa các nền văn hóa đều có thể giảm xuống thành các cơ chế tâm động học phổ biến trong cộng đồng của họ. Ghi chú 20

Chuyện gì cũng có thể xảy ra

Cũng phải lưu ý đến luận điệu của các chiêm tinh gia tâm lý rằng những động lực tâm trí nội tại có thể được thể hiện theo nhiều cách khác nhau. Ở đây họ bác bỏ cũng như đơn giản hóa một cách thái quá nhận định của các chiêm tinh gia truyền thống, khi các tiền nhân cho rằng sự kiện trên bầu trời đều đặc thù gắn kết với những kết quả cụ thể tương ứng. Để ví dụ cho điều phức tạp này, chiêm tinh gia người Anh Charles Harvey (1995) cho rằng:

Liên kết giống nhau [của hành tinh] có thể được diễn giải theo rất nhiều cách. Ví dụ, sao Thiên Vương tạo góc hợp căng thẳng với trung điểm của Mặt trời và Mặt trăng có thể cho ra một Napoleon hay một Hitler, nhưng cũng có thể cho ra một Magaret Thatcher, một Spike Mulligan, một Martin Luther hay một chiêm tinh gia đặc biệt [chu đáo, siêu phàm] như Tiến sĩ Zip Dobyns chẳng hạn (tr.52).

Tương tự, Perry cho rằng chiêm tinh tâm lý không dự đoán các hành vi cụ thể hay kết cục của một cuộc đời nào, mà đúng hơn, nó “dự đoán những trải nghiệm bản chất của ý thức – những trải nghiệm có thể được phản ánh qua nhiều biểu hiện khác nhau” (Perry 1995a, tr.34; 1994, tr.34). Ông khẳng định rằng “Ý nghĩa của các bộ phận có thể cố định, [nhưng] các đặc tính nổi bật mà chúng tạo ra khi kết hợp lại với nhau được sinh ra không phải [bởi vì] con người là những thực thể luôn thay đổi và tiến hóa, quá phức tạp để có thể miêu tả và dán nhãn bằng những từ khóa đơn giản” (Perry 1993, tr.7).

Nói cách khác, theo Perry và Harvey, bản đồ sao thể hiện chính xác các quá trình chủ quan ẩn dưới của chúng ta, nhưng với sự biểu lộ ngoại hiện của chúng, các chiêm tinh gia chỉ có thể đoán chừng một khoảng tiềm năng các sự việc có thể xảy ra mà thôi. Trạng thái tinh thần nội tại của chủ thể được tỏ rõ trên bản đồ sao, nhưng từ đó trở về sau thì thế nào cũng được. Như Perry nói, “Chúng ta đều có khả năng hành xử theo bất cứ cung cách nào mà con người có thể làm, và thông thường chúng ta luôn như vậy” (1995a, tr36).

Phép màu của niềm tin

Ta có thể thấy rằng các chiêm tinh gia tâm lý đang phải làm việc với một hệ thống đầy thách thức. Nó liên quan đến các cụm hành tinh không thể kiểm nghiệm riêng rẽ được trên bầu trời, và khi liên kết với nhau thì nó có tính đa dạng lớn hơn bất cứ điều gì một con người có thể đối mặt. Tuy nhiên, các cụm hành tinh này được cho là có mối tương quan với một cấu trúc tâm lý vô hình, phần lớn là vô thức, gây tranh cãi về mặt triết học và khoa học, cấu trúc này được cho là ẩn dưới tính cách, và dẫn đến những hệ quả vạn biến mơ hồ đến mức các chiêm tinh gia chỉ có thể phỏng chừng.

Phép màu của niềm tin còn phức tạp hơn rất nhiều bởi sự thiếu nhất trí về căn bản trong chính các trường học chiêm tinh tâm lý: “có thể chẳng có một phương pháp tâm lý đồng bộ nào để tiếp cận chiêm tinh” (Perry 2000). Ghi chú 21 Các khách hàng từng gặp gỡ nhiều chiêm tinh gia tâm lý khác nhau có thể được cung cấp những cân nhắc về tiềm năng khác nhau hoặc những mô tả về cơ hội phát triển và thay đổi khác nhau. Ghi chú 22 Hơn nữa, người đọc không nên bỏ qua cảm giác chiêm tinh tâm lý không bị phê bình hay chỉ trích bởi các chiêm tinh gia khác. Những lời phê bình đáng suy ngẫm từ cộng đồng chiêm tinh về rất nhiều khái niệm khó hiểu của các chiêm tinh gia tâm lý có thể tìm ở Harding (1992) và Elwell (1999).

7. Vấn về thế giới quan trong chiêm tinh

Chiêm tinh học truyền thống coi trọng việc dự đoán các sự kiện cùng mối liên kết của những hệ quả tương quan cụ thể, quan sát được với các yếu tố chiêm tinh, đôi khi với quan điểm cho rằng các hành tinh chính là những truyền phát trung gian của uy lực tự nhiên. Vì thế, các khách hàng của chiêm tinh gia nổi tiếng vào thế kỷ XVII, William Lilly, luôn mong muốn những lời tiên tri và cách thức đưa ra quyết định, không phải lời khuyên tâm lý hay tôn giáo. Xu hướng truyền thống như thế không hề mâu thuẫn với các cuộc điều tra thực nghiệm. Một vấn đề chính của phương pháp này, như Perry thừa nhận, chính là phần lớn các nghiên cứu đưa ra đều không ủng hộ những nhận định như trên (Perry 1995a).

Hơn thế nữa, không có hứa hẹn nào cho rằng những mối liên kết tự nhiên thỏa đáng sẽ được khám phá ra để giải thích cho mối liên hệ giữa chiêm tinh với hoạt động của con người (Perry 1995a, tr.26-33, Culver & Ivana 1988: Crowe 1990; Negre 1998). Ví dụ như, trước đây, không có một lý giải tự nhiên nào được trù định để giải thích tại sao Mặt trời kết hợp với sao Mộc lại đại diện cho niềm tin lạc quan và phát triển, tại sao Bọ Cạp lại tượng trưng cho bí mật, hay tại sao nhà 2 lại đại diện cho của cải mà không phải cái nào khác, hoặc làm thế nào những hành tinh mang tính giả thiết và những cụm hành tinh không có thật lại được chứa đựng trong bản đồ sao.

Perry nói rõ, rằng ngay cả khi các nghiên cứu về mối tương quan giữa chiêm tinh và các kết quả cụ thế có thể quan sát được đã thất bại, điều này cũng chẳng hề hấn gì với các chiêm tinh gia tâm lý, bởi mối quan tâm của lĩnh vực này là “cuộc sống tinh thần” của một cá nhân, thứ không thể kiểm nghiệm được bằng các phương pháp hiện đại, thực tế và khoa học. Bên cạnh đó, ông tuyên bố, các chiêm tinh gia đã có những minh chứng dựa trên kinh nghiệm độc lập (lâm sàng) cho thấy chiêm tinh thực sự có hiệu quả Ghi chú 23 (Perry 1995a, tr.14, 26).

Bài có thể cùng chủ đề:  Chiêm tinh học hiện đại: Sự hư cấu bất thành (1/3)

Thế giới quan chiêm tinh là gì?

Trong khi chiêm tinh học dường như không đáng tin dưới con mắt của các học thuyết khoa học tự nhiên hiện đại, chúng ta được bảo rằng nếu ta chấp nhận một chuỗi những giả thiết trừu tượng khác nhau (ví dụ như một khung tham chiếu trừu tượng hơn), chiêm tinh học sẽ trở nên đáng tin cậy hơn. Ghi chú 24 Theo nhiều chiêm tinh gia, thế giới quan này rất khác so với thế giới quan khoa học. Vì thế, Vaughan (2000) cho rằng, “quan điểm của khoa học là một lăng kính để quan sát thế giới, và chiêm tinh học là một lăng kính khác” (điều này cũng không ngăn cản bà tuyên bố về những minh chứng khoa học cho chiêm tinh).

Tương tự, Harding (2000, tr.17) cho biết, mặc dù ông không đưa ra bất cứ chi tiết cụ thế nào, “Có thể xác nhận rằng thế giới quan khoa học hoàn toàn khác biệt so với thế giới quan chiêm tinh, và khoa học đơn giản không thể nào ăn khớp với chiêm tinh được” (Tuyên bố này tồn tại cùng lúc với cuộc đổ xô đi tìm mối quan hệ giữa chiêm tinh với các học thuyết khoa học mới nhất trong cộng đồng chiêm tinh – xem Ghi chú 18).

Nhưng thế giới quan chiêm tinh này là gì? Đó có phải là thế giới quan của Aristole được nắm giữ bởi các chiêm tinh gia cổ đại không? Hay là quan điểm Plato mới được khởi xướng bởi các chiêm tinh gia giống Plotinus? Hoặc đó là thế giới quan trong Bóng mờ Vũ trụ (Cosmic Loom) của Dennis Elwell, nơi hiện thực của chúng ta tập hợp những thứ như sương, băng, nước, độ ẩm và hơi nước, tất cả liên quan đến H2O, trong khi thế giới của chiêm tinh tập hợp những thứ như tính lạnh, tuổi già, cốt xương, kim loại chì, bất mãn và trách nhiệm, tất cả liên quan sao Thổ. (Elwell không nói làm thế nào để ông biết tập hợp sao Thổ của ông là đúng đắn) Sự đa dạng hiển nhiên như thế này cùng nhau len lỏi trong cái bóng mờ của vũ trụ, và đó là lý do tại sao tựa đề kia ra đời.

Hoặc có phải thế giới quan chiêm tinh có mối liên hệ với một hệ thống cấp bậc của “các mặt của sự sống và tồn tại” được khắc họa bởi Negre (1998)? Hoặc, theo Cornelius (1994, 1998), các chiêm tinh gia có nên quay lại với tư tưởng về điềm báo hoặc linh hồn của Lưỡng Hà cổ đại hay không? Hay chính các chiêm tinh gia tâm lý đã cho rằng chiêm tinh học chỉ là một sự phóng chiếu của những khuôn mẫu vô thức đang đi đúng hướng? Rõ ràng có rất nhiều thế giới quan chiêm tinh học, và tôi sẽ quay lại điểm này sau.

Bên cạnh đó, các cách diễn đạt như “các cách khác nhau để quan sát thế giới” và “hoàn toàn khác biệt” đưa đến điều gì? Có phải chiêm tinh học cung cấp một mô tả khác về nguồn gốc của con người hay không, và nó có liên kết với chính khuôn mẫu của nó về nguồn gốc và sự vận hành của vũ trụ hơn là các khuôn mẫu khoa học đương thời hay không? Bản thân các cuộc khảo sát của các chiêm tinh gia phương Tây không chỉ ra họ tán thành một thế giới quan cụ thể nào. Dường như họ không khác gì những giới khác trong xã hội (cụ thể, xem Elliot 1993).

Các khung tham chiếu không hiệu quả

Không may là, bản thân việc tìm kiếm một thế giới quan hoặc khung tham chiếu kiểu mẫu phù hợp với chiêm tinh hơn các hình mẫu khoa học hiện đại lại không mấy củng cố cho tiền đề căn bản trong chiêm tinh “trên sao, dưới vậy”, huống chi đến những hệ thống cụ thể trong chiêm tinh. Việc tìm kiếm một khung tham chiếu phù hợp với chiêm tinh cũng không chứng tỏ được gì nhiều bởi chiêm tinh học vẫn phải bị kiểm nghiệm trong khuôn mẫu đó. Tại sao chiêm tinh phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc chỉ vì một khung tham chiếu mới nào đó ăn khớp với nó? Để làm một phép so sánh, chúng ta hãy xem qua thế giới quan trong thuyết duy vật và thuyết vạn vật, ở đó họ ủng hộ vô vàn những học thuyết đang ganh đua với nhau cùng vô vàn những giả định khác nhau như thuyết Tiến hóa của Lamarck và sự Tiến hóa chung trong sinh học, và những học thuyết như Não tướng học, Thuyết hành vi, Thuyết chức năng, Thuyết kết nối, Sinh học xã hội, ngành Phân tâm của Freud, và thuyết Phát triển nhận thức của Piaget trong tâm lý học. Mỗi một phương pháp đều bao hàm trong đó một thế giới quan theo quy luật tự nhiên nhưng điều này không ngăn cản những đánh giá phê bình mở rộng của họ bên trong khuôn mẫu đó và, trong nhiều trường hợp, là sự phủ nhận.

Mơ hồ chồng lên nhầm lẫn

Perry (1991a) cho biết, một thế giới quan cần có để giải thích cho chiêm tinh đòi hỏi đến “một địa hạt linh thiêng hợp nhất, sắp xếp trật tự và thổi hồn cho vũ trụ” (tr.19), hoặc là thứ mà West hay gọi, “một hệ thống huyền học” (1991, tr.223) và là thứ Cornelius (1994, tr.19) gọi là “một vài yếu tố khác” (với ý nghĩa, khác với sự ảo tưởng hoặc tri giác ngoại cảm). Quan điểm được Perry đề xuất đã giới thiệu lại những ý niệm cổ như nhân quả cứu cánh, sức mạnh huyền bí của sự hấp dẫn, và quan trọng hơn cả, ý niệm cho rằng linh hồn và vũ trụ là tương đồng và đối xứng nhau thông qua một tác-động-ở-tầm-xa theo nghĩa biểu tượng (1995a, tr.15-16), mà không cần một cuộc thảo luận hay tranh biện nào để đánh giá các ý nghĩ này.

Hơn thế nữa, Perry giải thích, điều này liên quan đến việc quay lại với những đức tin chung trong các nền văn hóa tiền khoa học, mà nơi đó, một “thế giới tâm hồn/ý thức” tồn tại trong tất cả bộ phận của vũ trụ. Vũ trụ, theo những gì có thể tưởng tượng được, liên quan đến một hệ thống cấp bậc với những bộ phận được nối liền với nhau bởi “những cộng hưởng giao cảm”. Chiêm tinh học đóng một vai trò quan trọng trong các thế giới quan đó bởi nó cho chúng ta một ngôn ngữ biểu tượng “để thấu hiểu những ý nghĩa và những sự tương xứng đa dạng trong hiện tượng tự nhiên” (Perry 1995a, tr.15; và 1993, tr.2).

Trong cái nhìn siêu việt của Perry, “Vũ trụ có nhiều dự định cho chúng ta” và “tồn tại một khối óc làm cơ sở để sắp xếp vô tận thứ xảy ra trong vũ trụ”. Thứ “khối óc tổ chức” hay “nhận thức vĩ đại luôn hỗ trợ cho chúng ta trong việc giải phóng những tiềm năng nội tại của của mỗi người – nuôi dưỡng chúng ta, như nó đã từng, để chúng ta có thể trở nên nhận thức trọn vẹn hơn về bản dạng của chính mình” (1999, tr.1,3). Ghi chú 25 Việc Perry biết điều này như thế nào là một điều bí mật, dường như không chắc chắn rằng ông đã đích thân tiếp cận trực tiếp vào khối óc thiêng liêng đó. Nhiều người có thể thậm chí đồng ý với khái niệm chung của Perry về một “khối óc cơ sở” nhưng lại phủ nhận việc chiêm tinh học cho chúng ta cái nhìn thấu suốt vào những dự định của nó với nhân loại (xem Bourque 1997; Ankerberg và Weldon 1989). Ghi chú 26

Nhầm lẫn cộng thêm sự thoái thác

Chẳng hạn như khái niệm “bản chất thật sự của chúng ta”, đây là một khái niệm mà các triết gia theo chủ nghĩa kinh nghiệm, triết gia theo chủ nghĩa hậu hiện đại và các Phật tử sẽ phải bàn cãi. Các tín đồ đạo Phật cho rằng cốt lõi thực chất của một bản thể chỉ là sự hão huyền, trong khi các triết gia theo chủ nghĩa hậu hiện đại sẽ cho rằng “bản chất thật sự của chúng ta” chỉ là một ảo tưởng của các triết gia hiện đại. Vậy nên giảng giải của những lý luận chiêm tinh cũng phải giải thích được những vấn đề cơ bản này. Nhưng thay vào đó, chúng ta được mang đến những thoái thác như “Chiêm tinh học dường như thuộc về trật tự khác trong việc hiểu biết vạn vật, thứ trật tự gần như không thể hiểu được trong thế giới hiện đại” (Cornelius, Hyde & Webster 1995, tr.167). Trong khi chẳng có gì giống với một cuộc thảo luận đầy đủ hơn dù-chỉ-một-chút về bản chất của những sức mạnh hay cộng hưởng này được đưa ra, chúng ta vẫn được bảo rằng, dù chúng có là gì đi nữa, chúng “làm nên mọi tạo vật khả hữu , và thật vật, mọi đời sống hữu cơ, có ý thức” (West 1991, tr.221).

Sự đa dạng của thế giới quan là một điều đáng ngại

Chúng ta đã thấy làm thế nào mà chiêm tinh học tồn tại nhiều thế giới quan. Nhưng những vấn đề nảy sinh bởi sự đa dạng này nghiêm trọng hơn ta tưởng, đơn giản vì khái niệm của các thế giới quan liên quan đến những truyền thống triết học. Campion (1996, tr.134) chỉ ra rằng “các trường triết học thu hút nhiều chiêm tinh gia, đặc biệt là những người theo chủ nghĩa Platon, Phật giáo và Đạo giáo có thể cùng lúc khuyến khích chủ nghĩa hoài nghi và do đó, khuyến khích sự thù địch với chiêm tinh”. Ví dụ, Wilber (1999), từ góc nhìn siêu thể và tâm linh, đã mạnh mẽ chỉ trích chiêm tinh. Hơn thế nữa, Perry và những người lờ đi hoặc giảm nhẹ sự đa dạng to lớn này, đã tìm thấy trong các nền văn hóa xa xưa sự liên quan đến các thế giới quan tiền khoa học và những chiêm tinh thuật mâu thuẫn nhau được phát triển bên trong đó. Các thuật chiêm tinh khác nhau trên thế giới mà chúng ta biết đến là sự tổng hòa của rất nhiều hệ thống tôn giáo và vũ trụ luận khác nhau.

Những xã hội tồn tại thứ mà chúng ta công nhận là một hình thái của chiêm tinh có quan hệ với các thế giới quan và các thuật chiêm tinh khác biệt nhau từ căn bản và đối lập nhau trong nhiều quy tắc cơ sở, bao gồm, các khái niệm liên quan đến bản chất của hiện thực tối hậu và cái siêu việt, dù cho cái siêu việt có thể được biết đến hay không thể được diễn tả và biết đến, các cấu trúc cấp bậc cơ bản bên trong những sự thực siêu nghiệm được nghiễm nhiên cho là đúng, các phương thức của những hoạt động thiêng liêng (và dù cho bản chất của thần thánh là cá thể hay phi cá thể), bản chất của cái tự ngã, định mệnh của con người, và vân vân.

Hơn nữa, các thuật chiêm tinh phương Đông có quan hệ mật thiết với các hệ thống thần học hơn là phương Tây. Đồng thời, ở phương Đông tồn tại một mối quan tâm lớn hơn với sự loại bỏ những tác động chiêm tinh tiêu cực theo cái cách mà các chiêm tinh gia phương Tây cho là không thể. Ví dụ, ở Ấn Độ, nhiều người ghé thăm các chiêm tinh gia với hy vọng làm giảm đi những tai họa của số mệnh do tử vi sắp đặt; “Vào ngày chủ nhật, rất nhiều người sùng bái đến đền thờ cầu mong [nữ thần] Kali loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực của hai hành tinh, La Hầu [Rahu] và Kế Đô [Ketu]” (Malville & Swaminathan 1998, tr.9). Do đó, những tuyên bố chung cho rằng các chiêm tinh gia tin tưởng một “hiện thực tâm linh và siêu việt” hơn là nghiêng về một quan điểm cho rằng vũ trụ là từ tự nhiên mà ra, đã che giấu đi vô số những triết lý mâu thuẫn với nhau. Ghi chú 27 Vậy đâu là thế giới quan tiền khoa học hoặc thế giới quan chiêm tinh cổ đại mà các chiêm tinh gia như Perry khuyên nhủ chúng ta quay trở lại? Ghi chú 28

Những đối lập giữa phương Đông và phương Tây

Tương tự, các thuật chiêm tinh được nhắc đến thường khác nhau từ những khía cạnh cốt lõi. Ví dụ, các vì sao quanh cực, vì sao tại điểm cực và sự chia cắt phần tư trên bầu trời được sử dụng trong chiêm tinh Trung hoa khác biệt với cách sử dụng ở chiêm tinh phương Tây. Vòng tròn 12 linh vật trong chiêm tinh Trung hoa cũng có ít sự tương đồng với vòng tròn Hoàng đạo phương Tây. Vào thời Trung hoa cổ đại, sao Hỏa tượng trưng cho niềm vui còn sao Mộc đại diện cho cơn tức giận, điều này đối lập với chiêm tinh phương Tây (Douglas 1999). Trong chiêm tinh phương Tây, cung mọc đóng vai trò quan trọng nhưng với phương Đông thì không, và vân vân (Culver & Ianna 1988, tr.25; Dean, Mather & Kelly 1996, tr.56-57). Trong thần thoại Viking, chòm sao Kim Ngưu tượng trưng cho khuôn miệng đang ngoạm mở rộng của con chó sói Fenrir giận dữ – một sự diễn giải về tâm lý khác biệt khi so sánh với mẫu người Kim Ngưu điềm tĩnh và chậm chạp trong chiêm tinh hiện đại.

Ở Ấn Độ còn tồn tại nhiều hệ thống chiêm tinh vừa mâu thuẫn với nhau, với mâu thuẫn với cách tiếp cận của phương Tây [Xem Premanand, Bhatty & Risbud (1993) để biết được tổng quan và nhận định về chiêm tinh Ấn Độ]. “Chiêm tinh phương Tây tồn tại một xu hướng chung khi coi Long Thủ là điềm lành còn Long Vĩ là điềm gở. Trong chiêm tinh Ấn Độ, nhìn chung cả hai đều được xem là điềm gở” (Dean & Mather 1977, tr.259). Trong hệ thống chiêm tinh Ấn, tên gọi của các hành tinh không chỉ độc lập so với góc nhìn chiêm tinh phương Tây, mà còn không liên quan đến bất cứ đặc điểm vật lý nào của các hành tinh đó hoặc khoảng cách của chúng với Trái Đất. Mỗi hành tinh đều được gán cho một vai trò với một giai đoạn ảnh hưởng nhất định trong số phận của con người. Các giai đoạn này dao động từ sáu đến hai mươi năm.

Mỗi hành tinh kiểm soát vận mệnh của một cá nhân theo một trật tự được phân định bởi một hệ thống và một thời hạn nhất định. Chuỗi hành tinh này là giống nhau với tất cả mọi người miễn là bạn tuân theo hệ thống Vinshotiari có chu kì 120 năm. Mặt khác, nếu một chiêm tinh gia sử dụng hệ thống Ashtottari dasha, bốn hành tinh cuối sẽ xuất hiện theo trật tự đảo ngược và có khác biệt thời gian 108 năm. Trong cuộc đời của mỗi người, một hành tinh sẽ không thể kiểm soát vận mệnh của bạn nhiều hơn một lần, trừ khi bạn thọ hơn 120 tuổi (hoặc 108 tuổi) (xem Risbud 1998 để xem bài nhận định về các hệ thống này). Hai hệ thống này không thể cùng lúc chính xác, nhưng điều này dường như chẳng ảnh hưởng gì đến sự chấp thuận của các chiêm tinh gia cũng như khách hàng.

Những khác biệt với văn hóa Mỹ

Khi chúng ta chuyển sang Mỹ, những khác biệt căn bản trong thế giới quan, cùng với những khác biệt trong chiêm tinh, bắt đầu nảy sinh. Người Atzecs chỉ quan tâm tới Mặt Trời, Mặt Trăng và sao Kim (Botherstone 1988). Thông qua cấu trúc cấp bậc và chiêm tinh học tương ứng, vũ trụ học của người Maya khá khác biệt so với những tư tưởng về thuyết Địa tâm hay Nhật tâm của các nền văn hóa khác. Để bắt đầu, chiêm tinh Maya đã phân định một vai trò vô cùng then chốt cho sao Kim. Thêm vào đó, trái ngược với chiêm tinh phương Tây, người Maya coi trọng vị trí tương quan giữa sao Kim và đường chân trời hơn là chuyển động của hành tinh này. Họ còn liên hệ với hình dạng buổi sáng và buổi tối của sao Kim với chu kì của Mặt Trăng, và điều này không hề hiện diện trong các hệ thống chiêm tinh khác.

Tóm lại, chiêm tinh trong đời sống của người Maya gần với chiêm tinh Ấn Độ và chiêm tinh truyền thống phương Tây hơn là phiên bản của Perry; nơi đó, họ tập trung chủ yếu vào tiên tri và dự báo (Aveni 1992; Danien & Sharer 1992).

Ngụ ý của sự bất đồng

Giữa các nền văn hóa thậm chí còn tồn tại những liên hệ khác nhau về màu sắc của các hành tinh. Một số nền văn hóa gán sao Kim cho màu trắng hoặc vàng; sao Thổ có màu trắng, vàng, đỏ, nâu và đen; sao Mộc có màu trắng hoặc xanh lơ; sao Thủy mang màu xanh lá hoặc xanh dương, và Mặt Trăng có màu xanh lá, xanh dương hoặc bạc (Douglas 1999). Trong chiêm tinh phương Tây, sao Kim gắn liền với “mọi điều đẹp đẽ, những thứ luôn hấp dẫn đôi mắt của bạn – bao gồm bảo tàng, rạp kịch, quán rượu – và nhà thổ nữa!” (họ Wohl 1951, tr.146).

Những vấn đề nghiêm trọng nảy sinh từ những tư tưởng khác nhau này giống y hệt những vấn đề nảy sinh từ sự đa dạng tôn giáo trên toàn cầu (xem Hick 1997 để biết tổng quan về nhận định này). Chúng ta không thể nào coi như các khái niệm khác nhau này đều hướng đến một thực tại căn bản (giống như các ngón tay khác nhau đều hướng đến một Mặt Trăng vậy). Các thuật chiêm tinh khác nhau trên thế giới (kể cả quá khứ và hiện tại), được liên kết với rất nhiều tư tưởng khác nhau về thực tại căn bản và tính phức tạp của nó không thể bị gạt sang một bên bằng những cuộc trò chuyện chung chung kiểu như “Chiêm tinh học hợp nhất chúng ta lại làm một trong một vũ trụ sống. Trong một vũ trụ có nhận thức, con người và các hành tinh đan xen với nhau trong một mạng nối hình thành giống nhau” hoặc “có một sự thiêng liêng ở khắp mọi nơi dẫn lối tới sự sáng suốt” trong vũ trụ (Perry 1991, tr.8; và 1999). Rõ ràng không thể nào tất cả các quan điểm mâu thuẫn nhau về thánh thần và sự siêu việt đều đúng, càng không thể thế với các quan điểm khác nhau về bản chất con người và số mệnh, hay các thuật chiêm tinh học có liên quan đến chúng. Ghi chú 29

Điều tra giả mạo

Một điều quan trọng cần nhớ đó là, sự đa dạng có thể khá hữu ích. Chúng ta không nên chỉ bám sát vào một cách tiếp cận duy nhất, mà hãy tìm hiểu thêm những cách nhận thức khác và đẩy mạnh việc tra vấn chúng. Tuy nhiên, thái độ này không phổ biến lắm trong chiêm tinh. Sự tra vấn chân chính phải gắn liền với một khát khao được học hỏi và một quyết tâm theo đuổi chân lý đến cùng dù chân lý đó dẫn lối tới đâu. Ngược lại, một cuộc điều tra về các đầu sách chiêm tinh, các trang web, các tờ báo và tạp chí đã hé lộ về thứ gọi là “giả điều tra”, nơi đó các chiêm tinh gia trải qua các bước của một cuộc khảo sát để đi đến những kết luận đã được sắp đặt trước (Kelly 1998; xem Haack 1998 để biết về khái niệm “giả điều tra”).

Việc các chiêm tinh gia quan tâm đến điều tra giả mạo hơn các cuộc điều tra chân chính đã đem đến những tai họa, đơn giản vì họ cho rằng chiêm tinh học là một ngoại lệ không thể giải thích được dưới góc độ của thế giới quan siêu nghiệm. Nhưng giả định như thế không có cơ sở bởi chiêm tinh học có thể dễ dàng được giải thích dưới góc độ của nhận thức và tri giác, hay bằng những sự thực hàng ngày dưới sự phán đoán của con người, thế nên trong bối cảnh chiêm tinh những sự thực đó trông như những “ảnh hưởng” chiêm tinh, điều đó dẫn đến cả các chiêm tinh gia lẫn khách hàng đều lầm tưởng rằng có điều gì đó bí ẩn đang diễn ra (Dean, Kelly & Mather 1999).

Hơn thế nữa, chỉ dựa vào nền tảng của một mình những kết quả trên, ta có thể dự đoán rằng chiêm tinh học hiện đại sẽ được đặc trưng hóa bởi (1) sự bất đồng với hầu hết mọi thứ, (2) sự nhất trí rằng nó sẽ hiệu quả và (3) thất bại trong nghiên cứu khi các kết quả được đón trước. Đây chính xác là điều đang được quan sát thấy (và ngược lại chính là điều không được quan sát thấy trong các ngành khoa học).

8. Các vấn đề trong biểu tượng chiêm tinh

Từng có tranh cãi rằng những tương đồng được nhận định bởi các chiêm tinh gia không dựa trên việc quan sát, theo như nhiều chiêm tinh gia đã tuyên bố. Mà đúng hơn, những liên kết này được dựa trên nền tảng của liên tưởng ngôn từ, liên tưởng thần thoại, sự đa dạng về ý nghĩa văn hóa biểu tượng của các khái niệm đã tạo ra vô số những niềm tin thừa thãi và mâu thuẫn với nhau về thần học và bí ẩn, và phép chơi chữ theo phong cách riêng của một vài cá nhân chiêm tinh gia.

Các nhân tố khác chính là ảnh hưởng của quyền uy và truyền thống. Quyền uy là bởi một thầy cả trong chiêm tinh đã nói như thế, còn truyền thống là bởi nó đã được thực hành theo hướng này từ hàng trăm ngàn năm nay. Kết quả cuối cùng là trạng thái hỗn loạn tiêu biểu của chiêm tinh mà không có bất cứ một phương pháp nào phân tách những khái niệm có giá trị khỏi những khái niệm không có hoặc ít giá trị hơn. Trong phần này chúng ta sẽ khám phá các khái niệm biểu tượng nói trên.

Những tương xứng diệu kì

Trong khi những nền tảng thiên văn và toán học của các ngành vũ trụ học và chiêm tinh học được phát triển bởi các nền văn hóa Lưỡng Hà, Trung Hoa, Maya và Ấn Độ là khá phức tạp, thì ý nghĩa hoặc đặc tính được gán cho các liên kết và chuyển động của các hành tinh phụ thuộc vào những đức tin của các xã hội cụ thể với vấn đề đang bàn đến. Điều này giải thích tại sao những đặc điểm vật lý của các thực thể trên bầu trời (kích thước, khoảng cách, vv.) được cho là không có liên quan với những tác động và ý nghĩa của chúng, hoặc thậm chí với việc chúng có tồn tại thật sự hay không (ví dụ: Vulcan – Thần Lửa) bởi điều quan trọng chính là biểu tượng và thần thoại gắn liền với tên gọi của các thực thể đó. Các tác động, ảnh hưởng và tương quan giữa các hành tinh được dựa trên “những tương xứng diệu kì” dựa vào những tương đồng và phép loại suy bên ngoài.

Ví dụ, chiêm tinh gia-nhà vật lý người Anh thời Trung cổ William bị hấp dẫn bởi một nguyên tắc kì diệu của việc “những thứ tương đồng sẽ tác động đến nhau”, như cách các chiêm tinh gia mọi thời đại bị hấp dẫn. Vì vậy, ông cho rằng, “Mặt Trời và sao Hỏa tác động tới mật đỏ (vì cả ba đều có tính nóng và Mặt Trăng, sao Kim đều tác động tới dịch nhờn (bởi vì chúng đều có tính lạnh)” và “Nếu một sao Hỏa nóng và khô gây nên sự rối loạn mạch máu, thì khi sao Hỏa tiến vào một khu vực gây nên sự rối loạn vùng ngực, bệnh nhân đó sẽ thổ huyết (French 1996, tr.478). Ghi chú 30

Chiêm tinh gia Davison (1963) nói, “không có Mặt Trời sẽ không có sự sống. Đây là động lực phía sau toàn bộ hệ Mặt Trời. Nó đại diện cho Ý Chí, Sức sống, Lãnh đạo và Sáng tạo” (tr.29) và “các vành đai sao Thổ tượng trưng cho những giới hạn bị áp đặt bởi những hành động của hành tinh này, nó đóng vai trò như một phương pháp rèn luyện khắc nghiệt cho đến khi chúng ta học được cách làm chủ bản thân mình” (tr.32). Trong thần thoại, sao Thủy được coi là “sứ giả của các vị thần”, do đó, bằng phép loại suy đơn giản, “sao Thủy cai quản hệ thống trong cơ thể có cơ chế như những sứ giả hoặc cầu nối để giao tiếp, [chẳng hạn như] hệ thống thần kinh trung ương, hệ nội tiết, hệ bài tiết” (Gailing 2000).

Phương pháp không có hệ thống

Điều thú vị ở ví dụ thứ hai là trong khi sao Thủy là sứ giả của các vị thần trong thần thoại, nói rằng có những hệ thống đảm đương việc giao tiếp chỉ là phép nói ẩn dụ. Ba hệ thống nói trên “giao tiếp” với những bộ phận khác trong cơ thể theo những cách khá khác biệt, vậy tại sao không tính luôn cả hệ tuần hoàn và hệ bạch huyết? Các chiêm tinh gia mở rộng phép ẩn dụ này đến chừng mực nào? Chẳng có một phương pháp căn bản có hệ thống nào ở đây cả.

Bài có thể cùng chủ đề:  Chiêm tinh học hiện đại: Sự hư cấu bất thành (1/3)

Bất cứ khi nào một thực thể mới trên bầu trời được khám phá, việc hình thành những kết nối giữa nó với Trái Đất không dựa trên kết quả của các cuộc điều tra được công bố, với sự thảo luận mở rộng công khai để thiết lập lên mối quan hệ của thực thế đó với sự đời trần thế. Thay vào đó, nếu tên gọi của nó có thể được xác định (ví dụ như tra từ điển thần thoại) và liên quan một cách hợp lý đến một thần thoại đã có trước (không khó), thì kết quả sẽ là những bài viết dài dằng dặc trên các tờ báo chiêm tinh bởi các tác giả hứng chịu làn sóng thần thoại, nơi đó người đọc có thể cảm động chảy nước mắt hoặc bị tổn thương bởi vẻ đẹp và sự sâu sắc của những kết nối.

Những ví dụ của sao Diêm Vương và Chiron

Khi sao Diêm Vương được phát hiện vào năm 1930 và Chiron được phát hiện vào năm 1977 (Chiron là một tiểu hành tinh hoặc mặt trăng nằm giữa quỹ đạo của sao Thổ và sao Thiên Vương), các chiêm tinh gia không công khai những nghiên cứu thiết lập nên mối quan hệ của nó với con người và sự việc thời đại. Như Davison (1963) chỉ ra, “Hành tinh được đặt theo tên của vị Chúa chốn Âm ty này đại diện cho Thế Giới Ngầm của nhận thức con người, nơi có những yếu tố trong bản chất của ông ta vẫn chưa được thực hiện hoặc bù đắp” (tr.33). Mọi chuyện có thể khác hơn không?

Thật khó tưởng tượng rằng một lúc nào đó các chiêm tinh gia lại thông báo với chúng ta hành tinh có tên “Diêm Vương” này gắn liền với tình yêu cuộc sống và đồng loại, sự tinh tế và niềm vui (giống sao Kim!). Tương tự, Hand (1981) nhấn mạnh: “Nhiều người tin rằng (Chiron) gắn liền với những bài học về sự mở rộng nhận thức và với sự khởi đầu để tiến tới nhận thức cao hơn” (tr.94). Trong trường hợp của Chiron, cũng như sao Diêm Vương, những mối liên hệ nói trên là thứ mà ta có thể mong đợi các chiêm tinh gia gán cho chúng, nếu chúng được xét trên một phạm vi rộng hơn trong thần thoại (Culver & Ianna 1988).

Các tiểu hành tinh

Tương tự, như chiêm tinh gia Press (1993) nhận định về các tiểu hành tinh, “một thần thoại cụ thể, dù là Hy Lạp, La Mã, Ai Cập,…đều liên quan đến một tiểu hành tinh trong bản đồ sao” (tr.178). Sau khi xác định được thần thoại của tiểu hành tinh đó, chiêm tinh gia sẽ nhìn vị trí của nó (ví dụ như cung, nhà, góc hợp) trong các bản đồ sao khác nhau để xem xem có gì trong tính cách hay trong các tình huống lịch sử trùng khớp với cách hiểu của vị trí này hay không. Chẳng hạn, “Tiểu hành tinh Icarus tượng trưng cho sự bay quá gần tới Mặt Trời. Vị trí (cung, nhà, số học) và các góc hợp chính xác của Icarus sẽ cho thấy nơi một người sẽ mạo hiểm” (tr.197). Bất cứ khi nào có thể, các chiêm tinh gia sẽ thêm những ý nghĩa biểu tượng thực tế vào ý nghĩa biểu tượng thần thoại. Chẳng hạn:

Quỹ đạo của Icarus nằm giữa Mặt Trời và sao Mộc. Giới hạn này bao quanh Icarus bằng sự soi sáng của Mặt Trời và sự mở rộng của sao Mộc. Quỹ đạo của Icarus còn nằm trong hoặc cắt các quỹ đạo của sao Thủy, sao Kim, Trái Đất và sao Hỏa. Việc nằm trong các quỹ đạo đó đã đem đến cho Icarus tính hiếu động của sao Thủy, tính cuốn hút của sao Kim, tính trần tục của Trái Đất và tính tự khẳng định mình của sao Hỏa” (Press 1993, tr.196). Ghi chú 31

Điều gì xảy ra với các tên gọi hiện đại?

Điều gì xảy ra nếu các thực thể thiên văn được đặt tên theo các nhân vật vào ngày nay? Startup cho (1981) cho rằng:

Một học thuyết chiêm tinh hiện đại được ưa chuộng giữ vững lập trường rằng các hành tinh mới được khám phá hiển nhiên phải được gán cho những cái tên thích hợp [để từ đó chúng ta có thể liên hệ với chính xác các mối quan hệ trong thế giới thực tại], dù cho những tên gọi đó được phong bởi các nhà thiên văn học ngày nay. Đây thường được xem là một ví dụ khác cho hiện tượng đồng phương tương tính.

Các tiểu hành tinh không có tên gọi truyền thống có một tầm quan trọng khá đặc biệt, một lần nữa chỉ dựa trên những suy xét mang tính biểu tượng. Tại đây, chúng ta sẽ tiến vào địa bàn của “những tiểu hành tinh có tên gọi cá nhân”. Press (1993, tr.212) kết luận rằng (sau những nghiên cứu vô trật tự), nếu một tiểu hành tinh mang tên bạn, hoặc gần với thế, thì vị trí của nó trong bản đồ sao của bạn sẽ mô tả mối quan hệ của bạn với chính bạn (bất cứ ý nghĩa gì). Nếu một tiểu hành tinh mang tên của một người khác (ví dụ tiểu hành tinh #3085 có tên là Donna), thì vị trí của nó trong bản đồ sao của bạn sẽ mô tả mối quan hệ giữa bạn và người đó. Điều này sẽ ngụ ý rằng mối quan hệ giữa bạn với mọi “Donna” trên thế giới sẽ có nhiều điểm tương đồng.

Sự liên quan văn hóa

Sự liên quan đến văn hóa dẫn đến việc các chiêm tinh gia ở một vùng nào đó đã gán những liên kết biểu tượng cho các hiện tượng thiên văn được quan sát theo cách hoàn toàn khác với các chiêm tinh gia khác trên thế giới, và họ cho rằng họ là những người đầu tiên nghiên cứu về những mối tương quan kiểu này. Chẳng hạn, ở một vài ngôi đền Hindu tại Ấn Độ, người ta tin rằng Mặt Trời bị bệnh phong. Những vệt đen ở Mặt Trời vì thế cũng đóng một vai trò nào đó trong ý nghĩa biểu tượng này (Malville & Swaminathan 1998).

Chiêm tinh hóa sáng tạo

Hầu hết các chiêm tinh gia ngày nay coi chiêm tinh học như một hệ thống bao gồm tất cả mọi thứ và có sức lan toả trong cuộc sống. Với họ, hết thảy mọi điều diễn ra trên trái đất này, bao gồm nhiên liệu và mức giá của nó, thái độ hung hăng của người lái xe, tìm bạn đời, những cơ may trong điền kinh tại Olympics, hành vi chính trị của các ứng cử viên đối thủ, một người trượt ngã trên băng vào mùa đông, hay việc một người có gặp tai nạn giao thông hay không, vv. đều liên quan đến các hành tinh (xem bài viết của các chiêm tinh gia trên trang chiêm tinh Stariq 2000). Những liên kết biểu tượng được các chiêm tinh gia mô tả, ví dụ như “sao Hải Vương có liên hệ với nhiên liệu hóa thạch”, và “sao Thiên Vương và sao Hải Vương đem internet đến cho chúng ta”, được dựa trên những liên kết về mặt ngôn từ, những phép loại suy mở rộng, và những mở rộng riêng trong biểu tượng thần thoại.

Hơn thế nữa, giá trị của những liên kết mang tính biểu tượng như thế này không được xác định thông qua các cuộc điều tra thực tế, hay tính nhất quán với các học thuyết khoa học được công bố, mà đúng hơn là nhờ uy tín của các chiêm tinh gia, nhờ tính sáng tạo của các chiêm tinh gia trong việc mở rộng các biểu tượng để có thể bao hàm những mối quan tâm của độc giả, và nhờ khả năng của các chiêm tinh gia trong việc kể những câu chuyện hấp dẫn. Vì thế, các chiêm tinh gia khác nhau sẽ đi đến các diễn giải biểu tượng khác nhau về vị trí của các hành tinh cũng như các sự kiện thời sự, và mỗi diễn giải sẽ được củng cố bằng giá trị của những liên kết mà họ chấp nhận. Nếu tình cờ một chiêm tinh gia tìm thấy một nghiên cứu thực tế có khả năng ủng hộ những tuyên bố của mình, chúng sẽ được chào mời là “đã được xác minh về mặt khoa học”, nhưng việc thiếu hụt những nghiên cứu xác minh thực tế chẳng ảnh hưởng gì đến giá trị nhận được của những mối liên kết biểu tượng đã được quả quyết (xem bất cứ số nào của The Mountain Astrologer, tờ Astrological Journal, hoặc trang chiêm tinh Stariq 2000).

9. Các vấn đề của tính không thể kiểm chứng

Những phần được đề cập trước về tính biểu tượng đã chỉ ra rằng tại sao các chiêm tinh gia có thể tuyên bố việc kiểm nghiệm chiêm tinh học là điều gần như bất khả, trong khi họ cũng đồng thời tuyên bố rằng những trải nghiệm hàng ngày của họ (hay nói cách khác là kiểm nghiệm) đã xác thực tất cả. Mặc dù vẫn tồn tại những truyền thống chiêm tinh đặc biệt, tính linh hoạt của biểu tượng cho phép hầu hết mọi kết quả đều có thể xem như là sự xác nhận. Do đó, một vấn đề then chốt trong việc kiểm nghiệm các tuyên bố chiêm tinh là chẳng có kết quả rõ ràng nào được xem là khó hiểu đối với thuyết chiêm tinh.

Thực tế, thái độ này của các chiêm tinh gia cho thấy trong chiêm tinh, dường như chỉ tồn tại một “thuyết” toàn diện được gọi là trên sao, dưới vậy, hoặc một tuyên bố rằng có những tương quan (phải nói thêm là không được chỉ định rõ) giữa vị trí của các thực thể trên bầu trời và các sự kiện dưới trần thế. Các chiêm tinh gọi sao Thiên Vương là hành tinh của li hôn (xem Wolfstar 2000), nhưng bản thân sao Thiên Vương hay bất cứ góc hợp hoặc sự di chuyển nào của nó đều không đóng vai trò gì trong bất cứ cuộc li hôn cụ thể nào, hay thậm chí là trong hầu hết các cuộc li hôn. Thực tế, hầu hết các góc hợp hoặc sự di chuyển của bất kì hành tinh nào, với một ý nghĩa mở rộng chút ít, đều có thể được lý giải là đóng một vai trò nào đó trong bản đồ sao của các cặp đôi li hôn, và khiến mọi thứ “đều có thể giải thích được” dưới góc độ chiêm tinh. Nếu ta tìm thấy sao Kim vuông góc với sao Thổ trong phần lớn những bản đồ sao của những người đã li hôn, điều ấy sẽ mang một ý nghĩa chiêm tinh.

Tương tự với Mặt Trời vuông góc sao Hỏa, thứ đại diện cho sức mạnh ý chí, sự tự khẳng định, vv. Một biểu hiện của nó trong cuộc sống hàng ngày đó là, nhiều cuộc cãi vả, xung đột, hay ý chí của một người đang lấn át người còn lại, vân vân, vì thế, “Không ngạc nhiên khi họ li hôn.” Ghi chú 32

Chuyện gì cũng có thể xảy ra

Giả sử bây giờ, một chiêm tinh gia lý giải cái chết đột ngột của một khách hàng với sao Thiên Vương di chuyển đến nóc Nhà 5, sai số một độ. Điều này có vẻ kì quặc bởi Nhà 5 vốn đại diện cho con trẻ và niềm vui. Nhưng chiêm tinh gia đó có thể chỉ ra rằng, theo nghĩa đen, đỉnh Nhà 5 vuông góc với đỉnh Nhà 8, Nhà của Cái Chết. Một độc giả sẽ không tìm thấy những “nguyên nhân” kiểu này trong mọi tài liệu chiêm tinh. Tuy nhiên, một vài chiêm tinh gia dễ dàng bị thuyết phục rằng đây là kiểu lý giải hợp lý. Thực tế, những mánh khóe chiêm tinh như trong trường hợp trên diễn ra rất nhiều trên các trang chiêm tinh mạng như Stariq. Tương tự, theo nghiên cứu của các chiêm tinh gia và những người có cảm tình, chuyện gì cũng có thể xảy ra một khi tồn tại vài tương quan giữa biểu tượng chiêm tinh và các sự kiện trần thế. Và, dĩ nhiên, khả năng vài tương quan đó đang được khám khá cao hơn rất nhiều so với việc định trước tương quan nào sẽ được khám phá. Ghi chú 33

Một ví dụ về việc không thể kiểm chứng

Hãy xem xét một nghiên cứu được Denness (2000) công bố gần đây. Nghiên cứu này tìm ra một khuynh hướng rằng, ở hai vùng tại nước Anh, những kẻ trộm xe hơi và nạn nhân của chúng thường có cung Mặt trời giống nhau. Không một học thuyết chiêm tinh nào được đặc biệt kiểm chứng ở đây, chỉ là vấn đề của sự có hay không một mối liên kết giữa một chuỗi dữ liệu này (trong trường hợp này là cung hoàng đạo của các chủ xe) với một chuỗi dữ liệu khác (cung hoàng đạo của những tên trộm).

Nếu mối quan hệ được hé lộ có nhiều sự khác biệt, chẳng hạn như nạn nhân và trộm xe không có cùng cung hoàng đạo, hoặc cung hoàng đạo đối đỉnh nhau, hoặc một nhóm có cung hoàng đạo ở vị trí lẻ và nhóm kia ở vị trí chẵn, hoặc một nhóm có cung hoàng đạo thuộc nhóm âm và nhóm kia thuộc nhóm dương, nghiên cứu trên vẫn được mô tả như là “một cuộc tranh cãi rằng cung hoàng đạo có ảnh hưởng đến những lựa chọn nghề nghiệp” (tr.47). Mặt khác, nếu nghiên cứu này không tìm ra được mối liên hệ nào giữa cung hoàng đạo của những người liên quan, điều này vẫn không hề gì với các chiêm tinh gia. Những phát hiện tiêu cực sẽ bị chỉ trích bởi các chiêm tinh gia bởi chúng chỉ khảo sát trên những yếu tố đơn lẻ và quên đi những ảnh hưởng cơ bản của các yếu tố khác trong các bản đồ sao, hoặc nó có thể được tranh cãi rằng cung Mặt Trời quá non sơ để tập hợp những ảnh hưởng tinh vi như thế, rằng các góc hợp và chuyển động của các hành tinh sẽ cho ta nhiều thông tin hơn. Một cách trớ trêu hơn, điều này có thể bị chỉ trích với lý do nó không nghiên cứu trên những nhận định sách vở đã được công nhận. Ghi chú 34

Ngay cả những nhận định cụ thể cũng không thể kiểm chứng

Việc kiểm chứng những nhận định cụ thể cũng không hiệu quả, bởi các chiêm tinh gia có một chuỗi những biện hộ tùy biến phủ nhận mọi nghiên cứu không xác nhận một khẳng định bất kỳ nào của họ. Một vài trong số đó là: một nhân tố đang bị bỏ sót trong bản đồ sao, nó được thực hiện ở nhầm đất nước, các vì sao chỉ ra khuynh hướng chứ không bắt buộc, ý nghĩa của các nhân tố có thể thay đổi đối với những người liên quan, vân vân (xem Kelly 1998). Tất cả điều này đều củng cố kết luận rằng chiêm tinh không phải là một môn học xứng đáng với danh tiếng của nó. Những phát hiện tích cực có thể sẽ không bao giờ kết hợp chặt chẽ được với nhau bởi chẳng có cách nào để bám sát các nghiên cứu và kiểm chứng được những giả thuyết đã chắt lọc mà có thể phát triển được lĩnh vực này. Không có một thuyết chiêm tinh nào được nghiên cứu ngoại trừ tư tưởng mơ hồ trên sao, dưới vậy, và sẽ luôn có những giả thuyết tùy biến cho mọi phát hiện tiêu cực.

10. Các vấn đề từ ảnh hưởng diệu kỳ

Những ảnh hưởng diệu kỳ hay ảnh hưởng không thể gọi tên được viện đến bất cứ khi nào chiêm tinh rơi vào thế khó khăn. Phần đầu bài viết đã mô tả về vấn đề của việc bao gồm tất cả các tiểu hành tinh trong bản đồ sao/vòng tròn hoàng đạo. Hand (1981) chỉ ra rằng chiêm tinh gia Eleanor Bach “giải quyết” vấn đề này bằng cách chỉ sử dụng bốn tiểu hành tinh được phát hiện đầu tiên. Hand (1981) bào chữa cho sự lựa chọn tùy ý này bằng cách nêu ra rằng:

Một cách biện hộ cho việc sử dụng bốn tiểu hành tinh được phát hiện sớm nhất (thay vì bốn tiểu hành tinh lớn nhất) chính là nói rằng tác động của các thực thể trên bầu trời bằng cách nào đó có liên quan tới nhận thức của con người hơn là các đặc điểm vật lý. Là các hành tinh được phát hiện sớm nhất, hiển nhiên chúng có ảnh hưởng lớn hơn hàng ngàn tiểu hành tinh được phát hiện sau đó (tr.93).

Phát hiểu trên đưa chúng ta vào mơ hồ và không hiểu các cụm từ “bằng cách nào đó có liên quan” và “ảnh hưởng lớn hơn” có ý nghĩa gì ở đây. Thế những người chưa bao giờ nghe đến bốn tiểu hành tinh đầu tiên thì sao? (Vấn đề tương tự với việc sử dụng sao Thiên Vương, sao Hải Vương và sao Diêm Vương! Trước khi sao Thiên Vương được khám phá vào cuối những năm 1700, chúng ta có sao Thổ là hành tinh vòng ngoài). Phải chăng điều này có nghĩa rằng không thể sử dụng các tiểu hành tinh trong bản đồ sao của họ, hay nhận thức học thuật về sự tồn tại của chúng trải đều cho tất cả chúng ta? Hiển nhiên một tập hợp những quy tắc riêng khác có thể được các chiêm tinh gia phát minh để “giải quyết” vấn đề này. Chẳng hạn, Goodman (1971) cho rằng các tiểu hành tinh mới đã có ảnh hưởng ngay từ khoảnh khắc đầu tiên chúng được khám phá ra bởi các nhà thiên văn học. Những suy xét như thế có lợi thế rất lớn khi không cần đến một cuộc tranh luận nào và không phải rơi vào thế không có gì để phát biểu. Một số trở ngại nghiêm trọng của việc lý giải bằng phép tương đồng diệu kỳ được Dean, Loptson và Kelly (1996) mô tả như sau:

Đầu tiên, những tương đồng diệu kỳ là lý lẽ từ phép loại suy, nghĩa là khi một vật thể X có đặc tính A và B, vật thể Y có đặc tính A, suy ra vật thể Y có đặc tính B. John Smith cao, vì thế John Brown cũng cao… Kết luận này quá sinh động và nhanh chóng, và vì thế (như trong chiêm tinh) nó có sức cám dỗ một cách đúng đắn, nhưng cơ hội của chúng ta về tính chính xác của nó thì không tuyệt như vậy… Không còn những bà mụ mở cửa ra để an ủi một người lao động khó nhọc. Không còn những tư tưởng giả kim xuất hiện trong những giờ học hóa. Thực tế, phép tương đồng diệu kỳ thất bại ngoạn mục đến mức trong nền giáo dục phương Tây ngày nay, học thuyết này chỉ tồn tại như một ví dụ của lối tư duy ảo tưởng. Thứ hai là, ta không thể chỉ ra hai sự vật bất kì nào không có những tương đồng nhất định, dù chúng có khác nhau đến đâu. Một con quạ sẽ giống cái bàn viết ở chỗ cả hai đều bắt đầu bằng âm “r” [raven, writing desk – âm “w” câm], cả hai đều tạo bóng, cả hai đều chứa ống lông. Một hạt cát sẽ giống tòa nhà Empire State ở chỗ cả hai đều có chung màu sắc, cả hai đều có silica, và cả hai đều có một số lượng lớn các nguyên tử.

Vấn đề là, làm thế nào ta phân biệt được những tương đồng diệu kỳ với những tương đồng khác? Sách vở không nói cho ta điều này. Thứ ba, chúng ta không có một phương pháp trực tiếp nào để chọn lựa những tương đồng diệu kỳ đối lập. Mèo đen tượng trưng cho may mắn với người Ai Cập cổ đại, nhưng lại xui xẻo với người châu Âu Trung cổ. Mặt Trăng mang tính nam với người Babylon, nhưng lại mang tính nữ với người Hy Lạp… Sao Hỏa mang đến sự xui xẻo vì màu đỏ của nó nghĩa là máu (của chiến tranh) hay mang đến may mắn vì màu đỏ của nó nghĩa là máu (của sự sống)? Ai có thể tin vào tương đồng diệu kỳ đó trong khi nó quá dễ dàng bị một tương đồng khác phủ nhận? (tr.28-29).

Những nhận định khác về lối tư duy diệu kì có thể được tìm thấy thông qua quan điểm triết học của Thagard (1980) và Vickers (1988), và quan điểm tâm lý của Zusne và Jones (1989).

11. Lời kết

Những lý do được các chiêm tinh gia đưa nhằm bào chữa cho nhận định của họ về những tương quan giữa các thực thể trên trời với hành vi/hoạt động của con người (chiêm tinh học truyền thống), hoặc với các cấu trúc nội giới của ý thức (chiêm tinh tâm lý hiện đại), là cực kì mơ hồ và không thỏa đáng. Thứ chiêm tinh học được thực hành bởi hầu hết các chiêm tinh gia ngày nay, trong những biến thể nhiều mặt và mâu thuẫn của nó, không phải là một nguồn thông tin đáng tin cậy về chính chúng ta.

Những vấn đề về tư tưởng này không khiến cho các chiêm tinh gia xem xét lại nền tảng tư tưởng của chiêm tinh học, hoặc mở rộng nó theo cách mà họ có thể học hỏi từ những thất bại, giống như thói quen thường thấy trong các khuôn khổ chính thống (Mayo 1996). Đúng hơn, họ vẫn đang giải quyết vấn đề bằng cách sử dụng những phép ẩn dụ chẳng đi đến đâu và áp dụng những giả thuyết tùy biến không thể kiệm nghiệm độc lập. Những xác nhận may rủi luôn được nhìn nhận như là nguồn chống đỡ, và những thất bại thường thấy luôn được cố gắng triệu tiêu bởi sự phức tạp trong chiêm tinh, vì thế, nó dẫn đến sự thờ ơ chung của các chiêm tinh gia đối với những bằng chứng tiêu cực (Mayo 1996, tr.280-282; Kelly 1998).

Việc thất bại trong những lý giải khoa học tự nhiên cho chiêm tinh, và sự mù quáng bất chấp cho những thành công trong lý giải về mặt tâm lý, như những thiên hướng nhận thức, khiến cho các chiêm tinh gia phải chấp nhận những thế giới quan trừu tượng. Nhưng thay vì cung cấp những lý lẽ sáng suốt cho các thế giới quan trên, họ viện đến tâm linh mờ ảo hoặc sự xoắn xuýt của những điều huyền bí và những tham chiếu mơ hồ đến vật lý hiện đại, cuối cùng chỉ để cho thấy họ bắt kịp xu hướng và hợp thời. Những sự xoắn xuýt này (ví dụ như “sinh khí”, “đồng cảm”, “nhận thức thuần khiết”, “những quan hệ cộng hưởng của tần số rung”, “giải phẫu tâm lý”) không có giá trị lý giải hữu dụng nào. Chúng ta bị bỏ lại với một chuỗi những tư tưởng khác nhau được tách ra khỏi ngữ cảnh của rất nhiều thế giới quan cổ đại và thường không tương thích với nhau, mà không có bất kì một lý thuyết siêu hình nào nào đan xen với nhau chặt chẽ. Sự khác biệt từ những lý giải chặt chẽ và được kiểm chứng rõ ràng được ngành tâm lý học đưa ra (chính thứ đã dự đoán cho những tình huống chiêm tinh) không thể nào rõ rệt hơn.

Việc diễn giải bản đồ sao được dựa trên một sự pha lẫn hỗn độn của các biểu tượng tự nhiên, các liên tưởng từ ngữ, phép loại suy, thần thoại, truyền thống, và những cống hiến riêng của các cá nhân chiêm tinh gia. Ở đây ít có sự thỏa thuận nào về việc những nhân tố nào nên hoặc không được tính trong một bản đồ sao, hoặc chúng được kết hợp với nhau như thế nào, tầm quan trọng của chúng được xác định ra sao, và làm thế nào những khẳng định mâu thuẫn được giải quyết. Rõ ràng là chiêm tinh học không có những nguồn lực để giải quyết chính những dị thường của nó. Nó không có gì để cống hiến cho các môn học khác ngoại trừ những lý lẽ lầm lạc và phép ngụy biện. Chiêm tinh học là một phần trong quá khứ của chúng ta và có một giá trị lịch sử không thể phủ nhận được, nhưng các chiêm tinh gia lại không đưa ra một lý do thỏa đáng giải thích tại sao nó nên có mặt trong tương lai của chúng ta.

Lời cám ơn

Tôi muốn tỏ lòng biết ơn tới những cống hiến quan trọng của Geoffrey Dean và Suibert Ertel cho bản thảo này. Bằng hàng ngàn các cách khác nhau, họ đã dày công biến bài viết này trở nên chính xác và dễ đọc hơn bao giờ hết. Đồng thời, tôi muốn gửi lời cảm ơn tới những bình luận của: Rudolf Smit, J.W.Niehuys, Mogens Winther, Athony Aveni (về chiêm tinh Maya), Dale Beyerstein, Peter Loptson, và M.S.Risbud.

__

Dịch từ  The Concepts of Modern Astrology: A Critique với sự đồng ý của tác giả.

Ảnh: Daily Generated Art.

 

Write a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *