Chiêm tinh học & Giải phẫu sự Hoài nghi
06/07/2017
Astrology and the Anatomy of Doubt - Garry Phillipson
Phần Một: Giới thiệu về sự Hoài nghi
Phần Hai: Hoài nghi trong dòng Lịch sử
Phần Ba: Hoài nghi trong Bối cảnh của Chiêm tinh
Xem xét lại Thực hành
Để bắt đầu đặt những nghi ngờ vào trong bối cảnh chiêm tinh, hãy bắt đầu với một tiên đề từ Bonatus, viết vào thế kỉ 13: “Chiêm tinh học sẽ là đối tượng của sai lầm … khi Người xem đến chỉ để thử anh ta, hoặc để dùng một ngón lừa, như nhiều người đã làm, ‘Chúng ta hãy đi đến một chiêm tinh gia, hỏi anh ta thứ này, để xem anh ta có biết được sự thật hay không.’ [và tương tự] … khi Người xem không nói ra vấn đề của họ với ý định nghiêm túc hoặc chắc chắn…”⁴⁹
Điều ấy nói lên hai thứ: (1) Không nên mong đợi chiêm tinh học sẽ hoạt động như nhau ở mọi hoàn cảnh; (2) trong những trường hợp đặc biệt; chiêm tinh học được phỏng trước là không hoạt động trong những điều kiện “thử nghiệm”.
Ý tưởng cho rằng chúng ta sẽ tìm ra sự thật bằng cách thử chiêm tinh chính là trọng tâm tới những phương cách khoa học. Tuy nhiên, nếu những gì Bonatus khẳng định là sự thật, thì có thể việc kiểm nghiệm chiêm tinh học là bất khả về bản chất của nó. Nhưng thứ gì mà lại có thể như thế? Thế thì chiêm tinh học được xem là thứ gì đây?
Nếu bạn hỏi một nhà chiêm tinh để đánh giá điều gì đó, ông ấy hoặc bà ấy sẽ bắt đầu bằng việc xét đến hành tinh chủ quản. Chiêm tinh gia và môn học của họ được cai quản bởi sao Thủy⁵⁰ – một hành tinh mà bản chất của nó là mâu thuẫn và khó có thể xác định được rằng nó là thứ này hay là thứ kia. Như William Lilly đã nói: “Chúng ta không thể gọi sao Thủy mang tính nam hay tính nữ, bởi nó không thuộc tính nào như bất kì các hành tinh khác; vì khi tạo góc hợp với hành tinh tính nam, nó sẽ mang tính nam… với hành tinh tốt nó sẽ tốt, với hành tinh xấu nó sẽ xấu.”⁵¹ Vậy thì hành tinh cai quản của chiêm tinh học và chiêm tinh gia không cho thấy rằng môn học này phải rõ ràng và hiển nhiên với tất cả mọi người; mà đúng hơn, tự nó đã khó nắm bắt bởi bản chất của nó. (Nhân tiện, nếu chúng ta bám theo quan điểm cho rằng sao Thiên Vương là hành tinh chủ quản của chiêm tinh, chúng ta vẫn có một hành tinh hay thay đổi và khó đoán từ trong bản chất.)
Nếu môn học này khó nắm bắt theo cách vừa được mô tả, đó là lý do rất mực thước vì sao phạm vi và độ chính xác của chiêm tinh học không thể được hé lộ bởi kiểm nghiệm và nghiên cứu. Nhưng điều này vẫn để lại một nghi vấn: Nếu chiêm tinh học là thứ khó nắm bắt như vậy, làm sao nó có thể được nhiều chiêm tinh gia xoay xở để sử dụng? Điều gì kiểm soát được tính biến đổi ấy? Điều này đưa chúng ta trở về quy trình của chiêm tinh học.
Xem xét lại Quy trình
Các chiêm tinh gia làm gì để thấy được những dấu hiệu ý nghĩa trong môn học nhanh nhảu này? Làm thế nào mà việc các chiêm tinh gia khác nhau sử dụng những phương pháp khác nhau, thậm chí là mẫu thuẫn nhau lại có thể dung hòa với việc họ đều đưa ra một kết quả chính xác cuối cùng? Theo như tôi thấy, chỉ có hai cách cơ bản đề giải quyết vấn đề này. Một là khẳng định rằng chỉ tồn tại một phương pháp chiêm tinh tối hậu. Đây là cách tiếp cận của John Gadbury khi ông ta phàn nàn rằng “chúng ta chưa khoa học hoàn hảo đến mức ấy” và bắt đầu thu thập những dữ liệu đặc biệt chính xác để làm việc, với hy vọng một lần đi đến được thứ phương pháp chiêm tinh hoàn hảo cuối cùng cho mãi mãi.⁵² Vấn đề của niềm tin này chính là không có dấu hiệu nào củng cố nó. Mặc dù chiêm tinh học đã có trong khoảng thiên niên kỉ, chiêm tinh học ngày này hoạt động với một phạm vi phương pháp rộng lớn hơn hết thảy.
Quan điểm thay thế khác – thứ mà tôi tin là phù hợp hơn với biểu tượng của sao Thủy – chính là, một cách nào đó, các phương pháp chiêm tinh khác nhau có thể hoạt động tốt như nhau. Như sao Thủy có thể (ví dụ) đảm nhận tốt vai trò của sao Kim hoặc sao Mộc khi nó tạo góc hợp với chúng, vậy nên chiêm tinh, như một chú tắc kè hoa, có thể gánh vác bộ dạng của (ví dụ) các phương pháp Tây phương hay Ấn Độ.
Nếu không có một tập hợp phương pháp cuối cùng, gánh nặng sẽ đè lên vai của các chiêm tinh gia. Đuổi theo dòng suy nghĩ này, Cardan đã viết: “Anh ta, người quá kiêu ngạo về bản thân, sẽ có khuynh hướng phạm phải sai sót trong phán xét của mình; tuy nhiên mặt khác, nếu anh ta quá tự ti về bản thân mình, anh ta không phù hợp với môn Khoa học này.”⁵³ Thế thì, thông điệp của Cardan là, để có được phán đoán chính xác – để thủ đắc chiêm tinh học – chiêm tinh gia cần phải có thái độ đúng đắn. Ở đây đòi hỏi một thứ khác hơn là sự thành thục phương pháp trong chiêm tinh. Lilly đã bày tỏ “thứ khác” này khi ông phát biểu: “… càng mộ đạo và gần hơn với Chúa, càng thuần khiết hơn những phán đoán ngươi đưa.”⁵⁴
Công bằng mà nói, tôi nghĩ ý kiến cho rằng chiêm tinh gia cần phải thoát khỏi sự tự tôn (thậm chí cần phải được “thánh hóa”) đã dịch chuyển vào sau hậu cảnh trong khoảng hai hay ba thế kỉ gần đây. Với sự ra đời của mô hình khoa học, tiếp nối là giả định cho rằng chiêm tinh học, tương tự, cũng phải là một môn khoa học – một bộ định luật phi cá nhân có thể áp dụng bất kì lúc nào, nơi đâu, bởi bất kì ai, với một hiệu quả như nhau.
Bất kì góc nhìn nào nhấn mạnh động lực từ chiêm tinh gia hay khách hàng như là nhân tố quan trọng chủ chốt trong thành công hay thất bại của một buổi đọc bản đồ sao khá là mâu thuẫn với ý tưởng cho rằng chiêm tinh học là một môn học thông thường. Và tôi tin rằng, đây là một trong những khía cạnh của chiêm tinh học mà chúng ta có thể tái xác nhận và tái kết nối, nếu chúng ta đẩy việc phân tích những hài nghi tới kết luận cận-logic của nó. Quan điểm này đòi hỏi các chiêm tinh gia phải đặt mình vào một trạng thái tâm trí được mô tả như là trạng thái thiền định, hoặc thành tâm, trước khi đọc một bản đồ sao. Do đó, một cá nhân tiêu biểu của chiêm tinh học truyền thống trong xã hội hiện đại ngày nay, John Frawley, nói với học viên của mình rằng bài học quan trọng nhất cho tất cả chiêm tinh gia là nhận thức được một năng lượng lớn hơn, và kiềm chế lại sự tự hào riêng của cá nhân, trước khi đưa ra phán đoán: “Rất dễ dàng để việc đọc bản đồ sao biến thành việc đọc chiêm tinh gia… Các bạn cần phải để quan điểm và nhận định cá nhân sang một bên… Điều quan trọng phải nhớ là các bạn không biết – chính chiêm tinh mới biết.”⁵⁵
Khi các chiêm tinh gia phản ứng như thể sự hoài nghi chính là kẻ thù, theo một nghĩa nào đó thì họ đúng. Một chiêm tinh gia cần phải trở nên tự tin – nhưng tự tin phải lối. Như Cardan nói, “Anh ta, người quá kiêu ngạo về bản thân, sẽ có khuynh hướng phạm phải sai sót trong phán xét của mình…”⁵⁶ Thế nên, sự tự tin này không được chuyển hóa thành niềm tự hào ích kỉ hay sự giáo điều mù quáng.
Một cách để xác định sự cân bằng cần thiết ở đây được tìm thấy trong triết lý Phật giáo Nguyên thủy, khi sự tra vấn và sự tự tin được xem là hai tính chất cần thiết phải được phát triển cùng với nhau, để tính chất này có thể ổn định tính chất kia.⁵⁷ Sự cân bằng này phải được đạt đến để có thể làm tốt bất cứ thứ gì – dù đó là thiền, lái xe, hay phân tích bản đồ sao.
Ví dụ – nếu khi tôi nhìn vào một bản đồ sao, tôi quá ý thức về các sự lựa chọn, tất cả những phương pháp khác nhau mà tôi có thể sử dụng và tất cả những kiểu mẫu mâu thuẫn nhau mà tôi có thể nhìn thấy, thì hành động diễn giải sẽ bị bưng bít bởi sự tra vấn. Mọi diễn giải đều sẽ bao gồm rất nhiều điều kiện và hoàn cảnh mà cuối cùng kết quả sẽ tương đương chính xác với việc không nói gì. Mặt khác, nếu tôi quá tự tin, tôi sẽ vội vã đi tới kết luận và dựng nên toàn bộ diễn giản chỉ trên cơ sở của một vài khía cạnh thu hút tôi, mà không kiểm tra một cách hệ thống để xem phần còn lại của bản đồ sao nói lên điều gì.
Đây là một điểm nối khác trong bài viết này, nơi nó có thể tách ra thành một thảo luận dài hơn, thứ không thể được đề cập ở đây. Tôi hy vọng rằng nó sẽ gợi lên ở vài độc giả động lực theo đuổi một cuộc thảo luận về những yếu tố phải được kết hợp trong một chiêm tinh gia để xuất hiện những diễn giải thành công; sự hiểu biết về khía cạnh này trong công việc của các chiêm tinh gia, chắc chắn, đã bị quên lãng trong lịch sử gần đây của chiêm tinh học.
Xem xét lại Nguyên lý
Cuộc thảo luận này chứa hệ quả gì đến nguyên lý của chiêm tinh?
Thứ nhất, chúng ta có thể giả định rằng những nhà phê bình thủ cựu của chiêm tinh học sẽ không vui vẻ với lối suy nghĩ này, đặc biệt vì nó khá thành công trong việc dịch chuyển chiêm tinh khỏi địa hạt của kiểm nghiệm khoa học. Nếu như nó đã là một phép thử, thì chiêm tinh sẽ không hoạt động; mọi thất bại trong chiêm tinh có thể được bác bỏ bởi sự thiếu vắng niềm tin từ phía chiêm tinh gia hoặc khách hàng. Thực tế – các nhà phê bình có thể phản đối – chiêm tinh đã được biến thành một đối tượng của tín ngưỡng hơn là một đối tượng của bằng chứng; mô hình được đưa ra không chỉ là phi-khoa học, mà còn chắc chắn thuộc tín ngưỡng.
Tôi muốn thêm vào vài điều kiện chủ chốt trong phát biểu này, nhưng dường như đối với tôi nó chứa sự thật trong đó. Dưới mô hình chiêm tinh đang được thảo luận, nhận định của Thánh Anselm liên quan đến hiểu biết về Thiên Chúa được áp dụng: “Tôi buộc bản thân mình để có thể hiểu được.”⁵⁸ Nhà chiêm tinh sử dụng niềm tin, và niềm tin này là một yếu tố góp phần vào việc có được thông tin chính xác từ một bản đồ sao. Chiêm tinh gia tìm kiếm niềm tin của họ, sự cam kết của họ, để được biện hộ bởi kết quả. Những người hoài nghi sử dụng chủ nghĩa hoài nghi và nhận thấy những phán đoán chiêm tinh là vô nghĩa; sự hoài nghi của họ cũng được biện hộ bởi kết quả.
Quan điểm này hoàn toàn có thể phòng thủ được trong khung tham chiếu chiêm tinh học – chỉ vì phần lớn nó không thể phòng thủ được từ quan điểm khoa học. Nếu như chúng ta đang sống trong một vũ trụ trơ lì, không phản ứng, thì đó là một quyết định đúng đắn khi đòi hỏi rằng chúng ta có khả năng kiểm nghiệm quy luật của nó một cách khách quan. Đây là mô hình của khoa học cổ điển: Thế giới là một thi thể, miễn bác sĩ tuân theo quy trình, thì việc bác dĩ có tâm trạng như thế nào khi thực hiện việc khám nghiệm tử thi là không quan trọng.
Tuy nhiên, đây không phải mô hình của chiêm tinh học. Trong quan điểm nhìn sự vật này, chúng ta đang sống trong một thế giới mà về cơ bản, có sự tương quan và đầy ý nghĩa – phản ứng nhanh nhạy, thậm chí sống động. Và khi đối ứng với một thực thể sống, những tính chất như sự cam kết, tin tưởng và tôn trọng có tầm quan trọng chủ chốt.
Chúng ta đúc kết được gì từ sự tương đồng giữa hiểu biết chiêm tinh và ý niệm tôn giáo? Trước đó, tôi đã xác định chiêm tinh học như là một nghiên cứu về ý nghĩa. Bối cảnh sau đó là, những thứ vẻ ngoài không hề liên quan “có ý nghĩa” gì đó; ví dụ, sao Thổ trong bản đồ sao vấn thời có thể có ý nghĩa rằng “đây là vị trí hiện tại của chùm chìa khóa mà bạn bị mất.” Với mức độ tương tác giữa vi mô và vĩ mộ, có một bước nhỏ và (chắc chắn là) vô hình tới “ý nghĩa” trong vũ trụ ở nghĩa rộng. Nếu những ví dụ cá nhân cho thấy cuộc đời của tôi đã được định hình trên những vì sao, thì khá là dẫn đến việc vũ trụ tự thân nó, cách này hoặc cách khác, đầy ý nghĩa; mọi thứ tồn tại như chúng là, vì một lý do.
Nếu tồn tại một ý nghĩa cho việc thế giới này ra sao, thì dường như hợp lý khi giả định rằng tồn tại một lý do cho việc chiêm tinh học luôn bị cản trở bởi sự nghi ngờ – tại sao nó luôn là đối tượng mơ hồ và không được chứng minh? Để nói theo lời lẽ của một Đấng sáng tạo cổ xưa (vì như thế sẽ khiến nó dễ hiểu hơn): Nếu Người đã tạo ra một vũ trụ trong đó có chiêm tinh, và thứ chiêm tinh này thật sự cung cấp chìa khóa và gợi ý đến sự vận hành của vũ trụ, thì chúng ta chắc chắn sẽ giả định rằng Người có khả năng khiến mọi người chấp nhận chiêm tinh, nếu như nó thuận với mục tiêu của Người. Nếu chiêm tinh học khó khăn hoặc bất khả để chứng minh, việc này có thể sẽ có một lý do. Những người hoài nghi, dĩ nhiên, sẽ phản biện rằng vì đó là một lý do tiêu cực: Chiêm tinh học không thể được chứng minh bởi nó không hiệu quả. Tôi đang muốn nói rằng có thể có một lý do tích cực – rằng có lẽ việc chiêm tinh học không thể được chứng minh, thực ra, lại là lựa chọn duy nhất có ý nghĩa.
Như chúng ta đã thấy, bản chất của chiêm tinh có liên quan đến sự tương liên (kết nối qua lại). Vì vậy, sẽ phù hợp nếu chúng ta nhận thấy sự tương liên là một phần quan trọng của những gì chúng ta nhìn thấy khi chúng ta lùi bước và thử đánh giá chiêm tinh từ bên ngoài. Giả sử chúng ta có thể chứng minh, một cách khách quan, rằng chiêm tinh có giá trị. Trong những trường hợp đó – nếu như nó hoạt động không dựa theo thái độ của chúng ta đối với nó – tự thân chiêm tinh sẽ không hiển thị sự tương liên.
Khi ấy chúng ta biết chiêm tinh học nói mọi thứ đều có tác động lên những thứ khác, rằng mọi thứ không cách này thì cách khác có sự phụ thuộc qua lại. Tuy nhiên vẫn khả thi cho bất cứ ai sử dụng chiêm tinh, mà không để tâm trí cá nhân của họ ảnh hưởng đến sự vận hành của nó – cho thấy rằng, chí ít là ở đây, sự phụ thuộc qua lại không thể áp dụng. Điều này khá là mâu thuẫn với tôi. Chắc chắn chúng ta đều mong đợi quá trình đọc bản đồ sao sẽ tóm tắt nguyên lý của sự tương liên, thứ mà toàn bộ môn học này dựa vào. Khi bạn thực sự nhìn vào nó – tôi cho rằng – ý nghĩ về một chiêm tinh học có thể vận hành ở mức tối ưu, không phụ thuộc vào trạng thái tinh thần của chiêm tinh gia, là một cụm mâu thuẫn – có thể so sánh nó với ý nghĩ rằng nước thì không biểu thị cho sự ẩm ướt.
Do đó, điều này phù hợp với bản chất của chiêm tinh khi nó không thể được đánh giá một cách thuyết phục theo cách nói khách quan, khoa học. Nhưng hãy tưởng tượng điều ngược lại – rằng chiêm tinh học có thể được bác bỏ một cách thuyết phục trong khung tham chiếu của khoa học. Một lần nữa, điều này lại không phù hợp với tính lưỡng nghĩa của sao Thủy. Vậy, nếu chúng ta đồng ý rằng tính chất của sao Thủy cũng đồng thời là tính chất của chiêm tinh, thì theo sau đó một cách logic, những nghiên cứu khoa học đến chiêm tinh, tùy từng thời điểm, sẽ lóe lên một ý niệm mơ hồ nào đó, ám chỉ đến một tác động chiêm tinh không thể gạt bỏ ra khỏi cuộc sống – những nghiên cứu công trình của Gauquelin⁵⁹ và có thể là nghiên cứu về những người sinh cùng thời gian của Roberts và Greengrass.⁶⁰
Hãy Cho X = X, hoặc Không
Như tôi đã nói từ đầu, mục đích của bài viết này là đưa ra một nghiên cứu về hoài nghi bằng cách nói của chiêm tinh học, không kèm theo sự cố gắng “chứng minh” chiêm tinh học với mọi người. Quả thật, sự công kích trong các cuộc tranh luận khiến việc chứng minh là về bản chất là bất khả thi. Tuy vây, có thể sẽ có chút hữu ích khi xét đến một phản biện thường được nêu lên bởi phái hoài nghi.
Nếu sự kì vọng của chúng ta ảnh hưởng đến cách sự việc diễn ra (các nhà phê bình có thể phản đối), thì những thí nghiệm khoa học cũng sẽ diễn ra theo cách khác, dựa theo sự kì vọng của người tiến hành thí nghiệm. Và rồi chúng ta sẽ ở đâu?
Thật ra, chúng ta sẽ ở trong chính thế giới này. Một lập luận cho điều này có thể được tìm thấy ở một chuỗi các bài kiểm tra được tiến hành bởi Marilyn Schlitz và Richard Wiseman. Các bài kiểm tra có nội dung về “phát hiện ánh nhìn từ xa” – xác định xem có hay không việc một người biết rằng họ đang bị nhìn chằm chằm. Trong nỗ lực cố gắng giải quyết các kết quả trái ngược nhau từ những lần kiểm tra trước đó, Schlitz và Wiseman tiến hành hai chuỗi kiểm tra, trong cùng một vị trí, với số biến đổi nhiều nhất có thể rút ra được.⁶¹ Tuy nhiên, các bài kiểm tra này chỉ đơn thuần sao chép lại những phát hiện khác nhau mà họ đã thu được trong những lần trước. Schlitz tin rằng “phát hiện ánh nhìn từ xa” là một hiện tượng có thật; Wiseman thì không. Và, như những bài kiểm tra trước của họ, Schlitz thu được kết quả cho câu trả lời là có; Wiseman thu được kết quả cho câu trả lời là không. Loại chênh lệch này, khi những người thí nghiệm thường gặt được kết quả mà họ mong muốn, là một hiện tượng đã được biết đến trong khoa học với tên gọi là “hiệu ứng thí nghiệm.”
Trong những nỗ lực cố gắng áp dụng khoa học thống kê vào chiêm tinh học gần đây xuất hiện một hiệu ứng tương tự, và các chiêm tinh gia có thể thấy điều này tương thích một cách ẩn dụ. Đầu những năm 1950, Carl Jung tiến hành một nghiên cứu thống kê về việc so bản đồ sao giữa các cặp vợ chồng. Dựa trên tìm hiểu về Ptolemy, ông tạm kết luận rằng có ba góc hợp có thể xuất hiện với tần suất cao hơn bình thường: Mặt trời trùng Mặt trăng, Mặt trăng trùng Mặt trăng, và Điểm mọc trùng Mặt trăng. Phân tích dữ liệu trong ba đợt (như khi nó được nhập vào), Jung nhận thấy một mức độ quan trọng trong mỗi đợt – nhưng mỗi đợt trong ba đợt lại cho thấy một sự kết hợp hành tinh khác nhau mà ông đang tìm kiếm. Khi cả ba nhóm sáp nhập với nhau, sự xuất hiện của những dấu hiệu quan trọng trong mỗi nhóm lại biến mất.⁶²
Thật thú vị khi quan sát những ngờ vực mà Jung bắt đầu ấp ủ khi ông ta tiến hành được nửa chặng đường trong thí nghiệm và thu được kết quả mà ông ta đã nghi ngờ: “Một suy nghĩ thình lình lóe lên trong anh ta: Có phải sao Thủy … đã đánh lừa anh ấy?”⁶³
Khi Jung viết về thí nghiệm này trong Synchronicity: An Acausal Connecting Principle, ông đã liên tục vẽ nên một sự tương đồng giữa những tìm thấy của mình và của J.B.Rhine trong các bài kiểm tra thần kinh học: “…chuỗi bài thí nghiệm đầu tiên thường tạo ra những kết quả tốt nhất, nhưng sau đó nhanh chóng sụt giảm. Nhưng khi có thể khởi lên một mối quan tâm mới trong một thí nghiệm thật sự khá nhàm chán, kết quả sẽ được cải thiện lần nữa. Từ điều này cho thấy yếu tố cảm xúc đóng một vai trò quan trọng.”⁶⁴
Điều này phù hợp với ý tưởng rằng niềm tin, hoặc cam kết, là thứ cần có của chiêm tinh gia và khách hàng. Niềm tin vào chiêm tinh học sẽ tạo nên một trạng thái cảm xúc phấn khởi, hứng thú, trạng thái này lại từ đó giúp tạo nên điều kiện cần có cho một buổi đọc bản đồ sao chính xác, hữu ích. Rõ ràng, niềm tin này không phải là yếu tố duy nhất có liên quan, nhưng một bài phân tích về tất cả những yếu tố cần kết hợp với nhau để cho ra một buổi đọc bản đồ sao thành công chắc chắn vượt quá phạm vi của bài viết này. Vấn đề ở đây đơn giản là sự hiện diện của niềm tin, và tiếp theo đó là mức độ quan tâm, có thể là một yếu tố liên quan.
Thế Thì Đây Là Thế Giới Của Ai?
Một số độc giả có thể đang ngày càng phấn khởi. Các chiêm tinh gia phản biện sẽ muốn nhìn thấy chỉ trích của người hoài nghi về chiêm tinh học cuối cùng bị lật đổ; trong khi những người hoài nghi (nếu có ai đọc tạp chí này) sẽ đang chờ đợi chiêm tinh bị thất sủng. Tuy nhiên, quan điểm thực sự nổi lên từ cuộc thảo luận này chính là cả hai quan điểm – cũng mâu thuẫn như vẻ ngoài của chúng – đều có giá trị. Chiêm tinh học hiệu quả trong thế giới của chiêm tinh gia. Tuy nhiên, trong thế giới của các nhà khoa học, nó hầu như không hiệu quả. Sao lại như thế?
Đây là một câu chuyện từ Ấn Độ. Một nhóm các nhà học giả đang tranh cãi về thế giới: Nó hữu hạn hay vô hạn? Linh hồn có phải là thứ tách biệt khỏi thân xác? Một người thông thái, sau khi nghe xong điều này, đã so sánh nhóm học giả với một nhóm người mù. Những người này, đã mù từ lúc mới sinh ra đời, theo lệnh vua để khám phá xem một con voi hình dạng như thế nào. Thế là họ tập hợp xung quanh con voi. Một người nắm lấy chân voi, một người chạm phải thân voi, một người ngà, một người tai, và cứ thế. Nhà vua hỏi họ: “Sao, con voi trông như cái gì?” Mỗi người đều bắt đầu miêu tả phần con voi mà họ chạm được vào: “Nó như một thân cây” “Không, nó như cái lưỡi cày,” vân vân. Những người mù bắt đầu mâu thuẫn với nhau và càng ngày càng gay gắt – “Không, con voi không hề giống như thế!” – và cuối cùng tranh cãi bùng nổ.⁶⁵ Tất cả bởi vì mỗi người đều tin rằng những gì họ chạm được là tất cả những gì họ cần biết.
Câu chuyện ngụ ngôn này minh họa một chút về trường hợp mà, tôi tin rằng, thường xảy ra khi những chiêm tinh gia và các nhà hoài nghi có học thức cố gắng giải quyết sự khác biệt giữa họ. Bắt đầu từ các điểm tham chiếu khác nhau, họ đi đến những mâu thuẫn không thể giải quyết được giữa trải nghiệm của họ và thông tin của đối phương trình bày; từ đó, là một quãng đường ngắn để đi đến nghi ngờ, cáo buộc, kết thúc cuộc thảo luận, và bắt đầu cuộc tranh cãi.
Cả hai bên đều thường bắt đầu từ vị trí mà tai nghe không bằng mắt thấy, rằng không thể chối cãi bằng chứng mà họ đã tích lũy được từ chiêm tinh hay khoa học. Nhưng trong một thế giới mà vạn vật đều liên kết với nhau, thì ở một chừng mực nào đó, tai nghe không bằng mắt thấy hẳn là chính xác: Khung tham chiếu và kì vọng mà từ đó chúng ta nhìn thế giới đóng một vai trò trong việc tạo dựng nên thế giới chúng ta nhìn thấy. Vì vậy, có thể giá trị tồn tại trong cả hai góc nhìn của chiêm tinh gia và phía hoài nghi – dù nhìn từ phía ngoài chúng mâu thuẫn với nhau. Chỉ là tới nay chúng ta đang nắm giữ những phần khác nhau của con voi.
Về phía cá nhân, tôi không nghĩ rằng điều này có nghĩa là chiêm tinh gia nên dừng cố gắng chứng minh chiêm tinh học trong khung tham chiếu của khoa học. Bên cạnh rất nhiều cuộc tranh cãi vô ích, một vài thứ hữu ích thật sự xuất phát từ những cuộc đối thoại này. Nó cung cấp vừa đủ bằng chứng để những người hoài nghi không thành kiến chân chính khoảng lặng để suy nghĩ. Và cho những chiêm tinh gia thật sự kiểm nghiệm các bằng chứng, nó ngăn chặn sự lựa chọn xem chiêm tinh như một thứ gì đó vừa với thế giới quan khoa học thông thường. Do đó, nó là cú rẽ tốt đẹp để chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang đối mặt với một bí ẩn không thể dò tìm.
Hai mươi Câu hỏi
Bị bủa vây bởi bí ẩn không thể dò tìm, thật hợp lý để tự hỏi: Thế giới này là gì mà vừa tách biệt, lại vừa không tách biệt với tôi? Có một câu chuyện khác cho thấy làm thế nào – tùy theo những quy luật và hạn chế nhất định – mà một vũ trụ được thiết kế độc nhất thình lình hiện hữu, dựa vào cách chúng ta hành động và phản xạ:
Vào một bữa tiệc tối, một nhóm người đang chơi trò 20 Câu hỏi; mỗi người có một lượt ra khỏi căn phòng, trong khi những người khác thống nhất về một thứ mà người vắng mặt phải xác định bằng cách hỏi 20 câu hỏi hoặc ít hơn. Vào cuối buổi tối, một người theo lượt ra khỏi căn phòng, và những người còn lại có một khoảng thời gian dài bất thường trước khi cho phép anh ta trở vào. Anh ta bắt đầu đặt câu hỏi; các câu trả lời được đưa ra một cách nhanh chóng ban đầu nhưng chậm dần về sau. Sau khi anh ta đoán “câu trả lời”, anh ta được biết một bí mật. Trong khi anh ra khỏi phòng, mọi người còn lại thống nhất rằng sẽ không chọn một vật cụ thể mà thay vào đó, chỉ đơn giản trả lời câu hỏi của anh theo cách mà họ thích – tuy nhiên, phải đảm bảo rằng chúng không mâu thuẫn với các câu trả lời trước đó – và xem chuyện gì sẽ xảy ra. Vậy, không có trước câu trả lời nào mà những câu hỏi của anh ấy đã giúp anh ấy tiến đến gần; thay vào đó, những câu hỏi mà anh ta đặt ra là một phần nội tại của quá trình tạo ra “câu trả lời.”
Người đã xác định thứ đó chưa tồn tại chính là John Wheeler, một nhà vật lý học. Ông ta sau đó đã dùng câu chuyện này để minh hoạt bản chất đánh đố của thực tại lượng tử.⁶⁶ Trong các nghiên cứu ở mức độ này, người quan sát ảnh hưởng đến những gì họ quan sát dường như được chấp nhận rộng rãi. Dĩ nhiên, điều này không chứng minh bất cứ điều gì liên quan đến chiêm tinh học, trong khung tham chiếu của khoa học; tuy nhiên, từ quan điểm của chiêm tinh học, nơi chúng ta đang cố gắng tìm ra các mưu mẹo của sao Thủy, tôi cảm thấy điều này có thể là một hình ảnh giàu tính gợi ý để xem xét.
Tại sao Nghi ngờ?
Chúng ta có thể xem xét hai khả năng đã được đề cập đến trong bài viết này – thế giới quan chiêm tinh và thế giới quan khoa học – để tái hiện lại biểu tượng âm dương quen thuộc. Ví dụ rằng khoa học là trắng, chiêm tinh là đen. Trong khung tham chiếu của khoa học, có một dấu vết bằng chứng cho chiêm tinh – đóng vai trò như một lời nhắc nhở rằng mọi thứ có thể phức tạp hơn vẻ bề ngoài. Trong khung tham chiếu của chiêm tinh, có một dấu vết của sự nghi ngờ – lời nhắc nhở rằng (như Robert Zoller đã nói) “đôi khi điều kì diệu không hiệu quả.”⁶⁷ Tôi tin rằng, đây chính là trạng thái bình thường của sự việc. Nếu được xem xét một cách đúng đắn, yếu tố nghi ngờ hoặc không chắc chắn này giúp chúng ta bám sát thực tế, ngăn không cho chúng ta trở nên giáo điều và tự mãn, và có lẽ quan trọng nhất, nuôi dưỡng trong chúng ta một cảm giác ngạc nhiên rằng món nghề này có thể hoạt động thật hiệu quả. Tôi đoán rằng, hơn bất kì thông tin cụ thể chiêm tinh có thể mang lại, cảm giác kì diệu này có thể là món quà lâu dài nhất mà chiêm tinh dành tặng cho chúng ta và cho những người chúng ta đọc bản đồ sao.
Lời cám ơn đến Wanda Sellar ở Hội Chiêm tinh Luân Đôn vì đã mời tôi phát biểu bài diễn thuyết mà từ đó làm nền tảng cho bài viết này; đến Peter Case, Patrick Curry, Dieter Koch, Frank McGillion và Paul Westran vì những nhận xét tới bản thảo đầu tiên; và đến Nan Geary cùng đội nhóm tại ‘Mountain Astrologer’ đã xuất bản nó.
Tham khảo và Chú thích
49. William Lilly (1675) (bt.). The Astrologer’s Guide, tái bản – Washington: AFA, 1970, tr. 4 (aph. 7).
50. “Ngươi, Chúa của Cyllene [sao Thủy], là ông tổ sáng lập ra môn khoa học tuyệt vời và thần diệu này…” trong Manilius, Astronomica, dịch G. P. Goold, Cambridge, MA: Harvard University Press, 1977/1997, tr. 7 (1 16–37). Đồng thời xem Al-Biruni (435), The Book of Instruction in the Elements of the Art of Astrology, London: Luzac, 1934 (bản sao được tái bản bởi Ascella Publications (không ghi ngày tháng), tr. 254, và những nguồn sau.
51. William Lilly (1647), Christian Astrology, Nottingham, U.K.: Ascella, 1999, tr. 77.
52. Curry, Prophecy and Power, tr. 73.
53. Lilly 1675, The Astrologer’s Guide, tr. 58 (aph. 6).
54. Lilly, Christian Astrology, tr. xv (“To the Student in Astrology”).
55. Từ những chú giải được cung cấp với “bảng tính” được sử dụng bởi các học viên trong khóa học Chiêm tinh học vấn thời của John Frawley. (Để biết thêm chi tiết, xem: www.apprentice.demon.co.uk)
56. Lilly 1675, The Astrologer’s Guide, tr. 58 (aph. 6).
57. Investigation (Tra vấn) and Faith (hoặc Tự tin) là hai trong ‘Năm Phẩm chất’, xem cụ thể tr.154 – IB Horner (tr.), Middle Length Sayings. Oxford: Pāli Text Society, 1957 (M I 479).
58. Karen Armstrong, A History of God, London: Vintage, 1999, tr. 235. Ở đây Armstrong đưa ra những gì mà cô ấy nhận định là sự diễn dịch chính xác hơn về credo ut intelligam (thường là: “Tôi có niềm tin để có thể hiểu”), lưu ý rằng “Trong thời gian [của Anselm], từ credo vẫn chưa có khuynh hướng trí óc như từ ‘niềm tin’ ngày nay mà chỉ ra một thái độ tin tưởng và trung thành.” Tôi tin rằng đây là một sự khác biệt quan trọng cho nghiên cứu hiện tại của chúng ta. .
59. Xem Ertel và Irving, The Tenacious Mars Effect.
60. Peter Roberts và Helen Greengrass, The Astrology of Time Twins, Durham, UK: Pentland Press, 1994.
61. Richard Wiseman và Marilyn Schlitz, “Experimenter Effects and the Remote Detection of Staring,” trong The Journal of Parapsychology, Vol. 61, No. 3 (Sept. 1997). Bài viết có thể được tìm thấy tại: www.hf.caltech.edu/ctt/show212/article2.shtml
62. Maggie Hyde, Jung and Astrology, London: Aquarian Press, 1992, tr. 130–132. Về lý giải của Jung, xem C. G. Jung, Synchronicity: An Acausal Connecting Principle, London: Routledge & Kegan Paul, 1972. Chú ý rằng Jung đã xây dựng một phân tích dữ liệu theo sau đó, tức một lần nữa gợi đến sự đồng lõa vô thức giữa khảo sát và dữ liệu.
63. Marie Louise von Franz, C. G. Jung: His Myth in Our Time, London: Hodder & Stoughton, 1975, tr. 238. Được trích dẫn trong Hyde, Jung and Astrology, tr. 130.
64. C. G. Jung, Synchronicity, tr. 34. Trong C. G. Jung và W. Pauli, The Interpretation of Nature and the Psyche, London: Routledge & Kegan Paul, 1955.
65. Peter Masefield (dịch), The Udāna, Oxford, England: Pāli Text Society, 1994, tr. 128–133 (6.4).
66. John Gribbin, In Search of Schrödinger’s Cat, London: Black Swan, 1991, tr. 209. Với nguồn nguyên bản, xem chương 22 (bởi John Wheeler) trong Some Strangeness in the Proportion, Harry Woolf (bt.), Reading, MA: Addison-Wesley, 1980.
67. Robert Zoller (interviewed by Garry Phillipson), “A Conversation with Robert Zoller,” trong The Mountain Astrologer, Oct./Nov. 2001, tr. 25.
__
Garry Phillipson bắt đầu công việc chiêm tinh của mình từ năm 1976. Tác phẩm của ông, Astrology in the Year Zero, được xuất bản vào năm 2000, là kết quả của quá trình nghiên cứu tính triết lý và những mệnh đề trụ cột trong chiêm tinh học. Những bài viết và diễn thuyết của ông có thể được tìm thấy dưới sự bảo hộ của các Hiệp hội Chiêm tinh dày dạn kinh nghiệm (Astrological Association of Great Britain, Astrological Lodge, Company of Astrologers, Urania Trust, Standing Conference on Organizational Symbolism, The Mountain Astrologer và Ascella.) Hiện tại ông vừa hoàn tất luận án Tiến sĩ về Chiêm tinh và Sự thật tại Đại học Wales Trinity Saint David. Đồng thời ông cũng từng có thời gian dài gắn bó với triết học trong Phật giáo, và gần đây là triết lý Vệ Đà.
Website của Garry là www.astrozero.co.uk, ngoài ra trang www.cosmocritic.com cũng được ông quản lý.
__
Dịch từ Astrology and the Anatomy of Doubt dưới sự cho phép của tác giả.
Copyright © Garry Phillipson. Bản dịch © Saturn Cafe
Ảnh: Daily Generated Art