Đặc tính của các hành tinh, như luôn luôn vẫn thế

Do the Physical Planets Hold Clues Into Their Meaning as Astrological Principles? – Ray Grasse

Trong một cuộc trò chuyện năm 1978 với một chuyên gia yoga Ấn/yoga năng lượng và đồng thời cũng là một nhà chiêm tinh học – Shelly Trimmer, tôi đã bị thu hút bởi một nhận xét của ông về ý nghĩa của sao Mộc trong bản đồ sao, và về việc tính chất của nó được phản ánh như thế nào bởi những đặc điểm thiên văn của hành tinh này.

Ông nói, với các chiêm tinh gia, sao Mộc đại diện cho khả năng mở mang về tư duy và quan điểm triết học về kiếp nhân sinh (cũng như đối nghịch với sao Thủy, hành tinh thiên về quá trình xử lý dữ liệu hoặc thông tin, và không can dự đến quan điểm đạo đức hoặc triết học nhiều như sao Mộc). Về mặt biểu tượng thần thoại, đó là lý do tại sao sao Mộc được nhiều nhà thần bí liên hệ đến hình tượng của Moses, bởi ông là người đề ra luật pháp vĩ đại, là trọng tài của đạo đức và các giá trị xã hội.

Nhưng chức năng biểu tượng đó cũng đã được phản ánh trong vai trò của hành tinh này trong hệ mặt trời của chúng ta. Ông giải thích: “Sao Mộc quá đỗi to lớn khi so sánh với các hành tinh khác, khiến nó trở thành hành tinh thiết lập nên mặt phẳng vòng tròn hoàng đạo cho cả hệ mặt trời.” Nói cách khác, trọng lực của nó là quá lớn đến mức tất cả những hành tinh vòng ngoài buộc phải rơi vào quỹ đạo của nó, khiến nó trở thành hành tinh “đặt ra luật lệ” trong thiên văn học, như nó vốn là. Theo lối suy tương tự, ông kết luận, sao Mộc trong chiêm tinh học đặt ra một khung tham chiếu cho những tư tưởng hoặc quan điểm đạo đức của ta trong suốt cuộc đời.

Mãi sau cuộc chuyện trò đó, tôi vẫn suy nghĩ rất nhiều về góc nhìn ấy và tự hỏi nó có thể được áp dụng cho các thiên thể khác trong hệ mặt trời của chúng ta đến mức nào. Điều tôi muốn thực hiện ở đây là mở rộng vấn đề dựa trên những suy nghĩ mà tôi đã đề cập đến lần đầu tiên trong quyển sách của mình The Waking Dream, và chúng ta sẽ bắt đầu với nguồn sáng.

Mặt trời

Đặc tính hiển nhiên nhất của Mặt trời nằm trong một sự thật đơn giản nhưng sâu sắc, nó là thiên thể phát sáng duy nhất trong hệ hành tinh của chúng ta. Trong khi tất cả các hành tinh khác và Mặt trăng tỏa sáng bằng cách phản chiếu lại ánh sáng của nó, Mặt trời là một nguồn sáng tự thân. Hiểu theo nghĩa trừu tượng, nó nói lên rằng Mặt trời trong chiêm tinh học chính là nguồn ý thức, là cái “nền tảng độ không” cơ sở mà mọi thứ khác trong bản đồ sao mới từ đây rút ra ý nghĩa và tầm quan trọng. Mặc dù tất cả các thiên thể khác trong bản đồ sao đều hàm chứa một ý nghĩa riêng nhất định của chúng, nhưng ở một chừng mực nào đó, nó luôn có sự tham chiếu đến Mặt trời. Vì lẽ đó, mọi góc hợp được tạo với Mặt trời đều đặc biệt quan trọng để được xem xét như những đường dẫn (hoặc chỗ tắc nghẽn) cho ánh sáng và cho những biểu hiện cơ bản của cái bản dạng cốt lõi trong một người.

Việc Mặt trời là trung tâm trong hệ hành tinh của chúng ta cũng làm sáng tỏ vai trò của nó trong bảng tương ứng truyền thống được soạn bởi những nhà thần bí qua các thế kỉ, dựa trên cái gọi là “phép tương đồng.” Do đó, dựa theo mối quan hệ của Mặt trời với các thiên thể khác, ta có mối quan hệ giữa vàng và các kim loại, giữa vua chúa và con dân, giữa mật ong với tất cả thực phẩm, giữa trái tim với những cơ quan trong cơ thể, vân vân. Nói cách khác, Mặt trời là hiện thân cho những nguyên tắc của sự hội tụ và cái vượt bậc, và trong một bản đồ sao, nó tượng trưng cho “đại đế”, được bao quanh bởi tất cả những thứ khác trong bản đồ sao mà về cơ bản là có vị thế thấp hơn.

Là nguồn sáng soi rọi ban ngày, Mặt trời đồng thời nắm giữ một ý nghĩa phổ quát, ngoại hiện không thể chối bỏ. Như tôi đã viết trong The Waking Dream:

“Như khối cầu soi sáng thế giới ban ngày, nguyên mẫu này cai quản thế giới bên ngoài nói chung, và do đó cách thể hiện bản thân trong xã hội nói riêng. Trong đời sống của chúng ta, Mặt trời gắn liền với người cha và những cá nhân chủ chốt khác – những người mà chúng ta có thể gọi là ‘vì sao sáng’ – cùng với tất cả các cơ quan, tổ chức sáng tạo hoặc có tính sân khấu, và những tình huống liên quan đến việc phơi mở bản thân và sự công nhận của người đời.”¹

Nhưng trong khi Mặt trời đại diện cho cái ý thức cốt lõi của những thực thể sống như chúng ta, bản tính rực cháy của nó cũng ẩn chứa những nguy hiểm tiềm tàng. Giống như Mặt trời giữa trưa trên sa mạc, nơi sức nóng tột độ có thể khiến việc phát triển hoặc thậm chí là sinh tồn trở nên bất khả, Mặt trời trong bản đồ sao có thể áp đảo hoặc làm “khô héo” bất cứ thứ gì nó liên quan đến, một trạng thái mà các chiêm tinh gia gọi là combust [thiêu cháy]. Khi Mặt trời được nhấn mạnh quá mức trong một bản đồ sao, tác động của nó có thể khơi dậy một mối bận tâm thái quá đến những sự việc bên ngoài như sự nghiệp hoặc danh tiếng, mà không có những tác động cân bằng của việc chiêm nghiệm hoặc tu dưỡng tâm hồn – những yếu tố được cai quản bởi nguồn sáng tiếp theo, Mặt trăng.

Mặt trăng

Trong khi Mặt trời là nguồn sáng vĩ đại của thế gian, Mặt trăng được xem như là tấm gương to lớn của nguồn sáng chói lòa đó.

“Tỏa sáng với ánh sáng phản chiếu từ Mặt trời, Mặt trăng gắn liền với nguyên tắc của sự phản chiếu và tính nữ trong mọi phương diện. Trong cuộc sống của chúng ta Mặt trăng cai quản nước, gương, phụ nữ, và cảm xúc.”

Trong khi Mặt trời hướng ngoại và đầy động lực trong cách thể hiện mình quả quyết của nó, Mặt trăng mang tính ứng đáp, hướng nội, và là biểu tượng chỉ ra những phản ứng cảm xúc của chúng ta với các tình huống bên ngoài. Tương phản với Mặt trời, Mặt trăng cai quản thế giới ban đêm của cuộc sống, thời gian mà “chúng ta thoát lui khỏi cái hào nhoáng của những chốn lao xao để rút vào thế giới riêng tư của mỗi chúng ta.” Vì lẽ đó nó cũng liên quan đến những giấc mơ, cảm giác, và dòng chảy của trí tưởng tượng.

Điều tiếp theo đây đưa chúng ta đến một khía cạnh đặc biệt quan trọng trong những đặc tính thiên văn của Mặt trăng. Không như Mặt trời – nguồn sáng trung tâm của tất cả những thiên thể khác trong hệ cùng tên, Mặt trăng chỉ là một thiên thể bộ phận, và do đó chỉ mang những ý nghĩa chiêm tinh tương ứng với những sinh vật trên Trái đất như chúng ta. Điều đó cũng tiết lộ một bí mật lớn khác về vai trò của nó trong bản đồ sao. Trong khi Mặt trời nắm giữ những yếu tố khách quan và hiển hiện hơn cho cái nhìn của cả thế giới (như địa vị, những hành vi trực quan, những hoạt động chuyên môn), Mặt trăng can dự đến những khía cạnh “gần gũi hơn” – tức là, thiên về cảm xúc và ít hiển hiện hơn với cái nhìn thiên hạ. Do đó, trái với Mặt trời, những cấu trúc liên quan đến Mặt trăng được trải nghiệm một cách chủ quan và nội tại hơn.

Ta cũng nên đồng thời lưu ý rằng, ánh sáng từ Mặt trời khiến mọi môi trường hoặc vật thể hiện diện rõ nét và dễ thấy, trong khi ánh sáng nhàn nhạt của Mặt trăng khiến đặc điểm nhòe đi và sắc màu im tiếng. Hiểu một cách hình tượng, điều đó cho thấy nhận thức tình cảm của chúng ta có bản chất hòa hợp, hướng về toàn thể, thiên về các mối quan hệ và cảm nhận những kết nối hơn là cảm nhận những tiểu tiết tinh tế và sự xét đoán lí trí.

Và sau nữa là bản tính biến đổi theo thời gian của Mặt trăng, được thấy trong các pha của nó trong suốt chu kì một tháng. Tại một thời điểm, ta có thể ngước nhìn lên và thấy một mảnh trăng vắt trên bầu trời, trong khi hai tuần sau đó nó sẽ xuất hiện như một khối cầu rực rỡ trong đêm. Điều này biểu lộ một hình tượng đẹp đẽ cho tính biến đổi trong bản chất của cảm xúc, cũng như “sự ủ dột” được gắn liền với những ai sinh ra dưới ảnh hưởng của Mặt trăng.

sao Thủy

Đặc điểm rõ ràng nhất của hành tinh này chính là nó gần Mặt trời nhất trong tất cả các hành tinh, quỹ đạo của nó không bao giờ mang nó đi xa trung tâm mặt trời. Do đó, nó tượng trưng cho một khả năng nhận thức vận hành ngay phía ngoài tinh thần – có tên gọi là tâm trí. Trích từ The Waking Dream:

“Sao Thủy, hành tinh kề cận Mặt trời nhất, tượng trưng cho tâm trí, cũng như sứ giả giữa tinh thần và linh hồn, ý thức và và vật chất. Thông qua nguyên tắc của Mercury (trong Hy Lạp là Hermes), chúng ta thấu hiểu được ý nghĩa trong mọi hình thức biểu đạt của nó. Vì lý do này, Mercury/Hermes cai quản tất cả các hệ thống hình tượng. Từ hermeneutics, tức thông diễn học, nghệ thuật của việc đọc giải các hình tượng, được dựa trên sự kết hợp này. Là hành tinh chuyển động nhanh nhất, sao Thủy gợi lên tốc độ và tính biến đổi khi tâm trí vận hành.”

Với sự kề cận của nó tới Mặt trời, sao Thủy về cơ bản là riêng rẽ, theo một cách gợi tôi nhớ đến lời của nhà thơ Paul Valery: “Đôi khi tôi tư duy, và đôi khi tôi tồn tại.” Việc tách biệt với trung tâm của sự tồn tại chính là những gì cho phép tâm trí nhận thức được sự khác biệt, để cân đo và đong đếm các chọn lựa. Như thế, sao Thủy là nguồn gốc của tất cả các món quà mà sự duy lý ban cho, từ triết học và khoa học đến tất cả các hình thức tài năng và sáng tạo. Nhưng cũng với ý nghĩa đó, cảm giác tách biệt khỏi cái đồng nhất đã khởi nguồn cho những khổ đau và sự xa lạ với cái Thánh Linh, thậm chí là với chính bản thân mình. Vì lẽ đó, khoảng không định mệnh giữa Mặt trời với sao Thủy đại diện cho một bước đi thần thoại tiến ra khỏi “Địa đàng”, khi ta đã tiếp cận đến không chỉ những tiềm năng của cái cây biết nhị nguyên ban cho, mà còn với tất cả những vấn đề của nó.

Theo thuật ngữ của yoga Ấn, bước chuyển đó liên quan đến sự suy giảm của năng lượng từ cấp độ ở đầu đến cuống học,  hay còn gọi là luân xa cuống họng – từ đó dẫn đến những gì gọi là ahamkara [ngã thức]: nhận thức về cái độc lập và riêng biệt  của bản thân mình. (Hãy chú ý rằng chúng ta gọi khối nhô ra từ cổ họng là “Quả táo của Adam”!) Từ quan điểm của Mặt trời, chúng ta có được nhận thức về một sự tồn tại đơn thuần, nhưng chưa có được nhận thức về sự khác biệt hoặc sự riêng rẽ; chỉ với sao Thủy, ta mới có thể đạt được món quà – và nỗi bất hạnh – của cái tâm trí biết đối chiếu và, theo đó, của cái ý thức đã biết phân biệt người và ta.

Có một đặc điểm quan trọng khác, liên quan đến sự cận kề của sao Thủy với sức nóng của Mặt trời, khiến nó không thể có được bất kì sự màu mỡ hay sự sống nào trên bề mặt của mình. Về mặt hình tượng, nó khá tương đồng với việc bản thân lý trí thường được xem là có bản tính “khô khan”, chủ yếu thiên về lí lẽ và phân tích thực tế, ít có sự thấu hiểu trực tiếp nào đến cảm xúc, sự đa cảm, hay lòng cảm thông. Trong khi điều đó có thể đặc biệt hữu ích trong những việc liên quan đến khoa học, kinh doanh, hay luật pháp, nó lại không như thế khi nói đến các mối quan hệ hoặc những vấn đề của trái tim.

Bài có thể cùng chủ đề:  Sao Thổ, tinh hoa nở muộn

sao Kim

Hoàn toàn phù hợp khi một trong những ánh sáng đẹp đẽ nhất trên bầu trời đêm được các chiêm tinh gia liên hệ đến các vấn đề về tình yêu và cái đẹp. Cường độ sáng của nó chỉ đứng thứ hai sau Mặt trăng, điều đó nói với chúng ta vài điều quan trọng về sức nặng của nó cũng như cách nó là một bộ phận trong linh hồn con người.

Nhưng hành tinh này cũng có nhiều thứ vô hình hơn mà chúng ta không thể thấy, và theo nghĩa đen thì khá là như vậy. Cho những người còn lạ lẫm, sao Kim xoay quanh trục của nó theo hướng ngược lại với tất cả những hành tinh khác (ngoại trừ sao Thiên Vương), do đó dẫn đến một điều khá ngược ngạo là ngày của nó thì dài hơn năm! Việc này dường như nói lên một điều gì đó khác biệt về sao Kim, có lẽ ngụ ý rằng những xung động lãng mạn hoặc cảm xúc của nó “chảy theo hướng đối nghịch” của cái cuộc sống được thể hiện thông thường.

Điều thậm chí đáng kinh ngạc hơn chính là nhiệt độ bất thường tồn tại ở bề mặt ẩn sau mây của hành tinh này, mà các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân là do sự xuất hiện của hiệu ứng nhà kính. Điều này khiến sao Kim có nhiệt độ trung bình khoảng 864ºF [tương đương 462º C] – nóng hơn cả nhiệt độ bề mặt của sao Thủy, mặc dù sao Thủy ở gần Mặt trời hơn. Điều này có thể là gì? Từ The Waking Dream:

“…cũng như vẻ đẹp của hành tinh này che giấu cảnh địa ngục từ sức nóng dữ dội trên bề mặt của nó, những niềm vui khoái lạc của sao Kim có thể đốt thành tro bụi những kẻ lơ đãng trong cái lò thiêu ngụt lửa của mình – chẳng hạn như, hãy lưu ý sự liên quan của venus [sao Kim] với venereal [bệnh hoa liễu]. Do đó nguyên mẫu này phải được tiếp cận với sự cẩn trọng hơn là sao Hỏa hay sao Thổ – những hành tinh phô bày thẳng thắn sự nguy hiểm của mình cho tất cả mọi người cùng thấy.”

Thú vị thay, trong vũ trụ quan Vệ Đà của Ấn Độ, sao Kim được nhìn nhận bằng một góc nhìn trộn lẫn, với sự liên hệ của hình tượng Shukra – cao nhân/bậc thầy và Asuras – một ác linh bị giam trong một trận chiến vĩnh cửu với Devas thông tuệ hơn.

Một đặc điểm thú vị khác của sao Kim chính là theo thời gian, quỹ đạo của nó vạch ra hình tượng một ngôi sao năm cánh. Nếu bạn có thể nhìn xuống Trái đất từ phía trên của mặt phẳng hệ mặt trời, bạn sẽ thấy Mặt trời đi vòng quanh Trái Đất; từ góc nhìn đó, trong suốt chu kì tám năm, sao Kim sẽ đi vòng quanh Mặt trời mười ba lần, và vẽ ra hình tượng một ngôi sao năm cánh. Trong những hệ văn hóa khác nhau, ngôi sao năm cánh có những ý nghĩa khác nhau. Theo trường phái Pythagoras cổ đại, nó là một hình tượng bí ẩn của sự hoàn hảo; đối với người theo số học huyền bí, nó đại diện cho tỉ lệ vàng; đối với vài nhà huyền học, nó tượng trưng cho nguyên lý vi mô, trong khi những nhà yoga Ấn xem nó là biểu tượng của “cánh cửa” bí nhiệm đi vào trái tim “Con mắt Thứ ba”, hay còn lại là Ajna Chakra. Nhìn chung, dường như mọi thứ đều gợi lên rằng trong hành tinh này, có một thứ gì đó quan trọng được xem như là chìa khóa mở ra những tiềm năng tâm linh của chúng ta, đồng thời nhiệt độ khắc nghiệt dễ gây lầm tưởng của nó cảnh báo chúng ta về những gì có thể xảy ra khi năng lượng sao Kim bị lệch hướng một cách dại dột.

sao Hỏa

Đặc điểm rõ ràng nhất liên quan đến hành tinh này, dĩ nhiên, là màu đỏ của nó, một màu thường được liên hệ đến máu, năng lượng, cơn giận dữ, và lửa. Các nhà khoa học cho chúng ta biết rằng màu đỏ này tồn tại do sự xuất hiện của oxit sắt, và sự han gỉ của nó.  Thú vị là, trong bảng tương ứng truyền thống, sắt là kim loại liên quan nhất đến sao Hỏa, sự tương ứng này đã có từ rất lâu trước khi các nhà khoa học biết được điều gì về thành phần hóa học của Hành tinh Đỏ.

Ngoài màu sắc, các nhà thiên văn học thường nói về bề mặt nhiều vết “sẹo” nặng nề của sao Hỏa, do những yếu tố địa chất và khí quyển khác nhau gây ra. Bên cạnh một loạt các miệng núi lửa, sao Hỏa còn có hẻm núi lớn nhất hệ mặt trời, Valles Marineris, cũng như tàn tích của hai đợt sóng thần lớn đã càn quét bề mặt sao Hỏa trong lịch sử của nó. Cùng với thực tế rằng sao Hỏa là nơi xảy ra cơn bão bụi quy mô khủng khiếp nhất hệ mặt trời, theo lẽ thường tình, ta sẽ tự hỏi rằng những đặc điểm trên có nói lên điều gì về năng lượng hỗn loạn và những vết tím bầm đôi khi được khuấy đảo lên bởi hành tinh này trong bản đồ sao của chúng ta.

sao Mộc

Ở đầu bài viết, chúng ta đã thấy một trong những điều đặc trưng nhất về sao Mộc – cụ thể là, kích cỡ của nó đã thiết lập nên mặt phẳng của vòng hoàng đạo cho cả hệ mặt trời như thế nào, và điều đó tương ứng ra sao với vai trò của nó như một hình tượng “đặt ra luật lệ” trong cuộc sống của chúng ta.

Nhưng nhìn chung, kích thước khổng lồ đó gợi ra đặc tính triển nở của nó trong bất kì khu vực bản đồ sao nào mà nó chạm vào. Trong chiêm tinh học, sao Mộc đã từ lâu được gắn liền với hy vọng, sự lạc quan, và tiếng cười, bất kì nơi nào trong bản đồ sao mà nó trú ngụ đều chỉ ra nơi chúng ta có được tiềm năng dư giả và “những thứ lớn hơn”. Nhưng nếu sao Mộc bị ảnh hưởng, sẽ có những khó khăn cản trở sự dư giả đó bộc lộ – hoặc, ngược lại, đó là nơi chúng ta có xu hướng triển mở quá nhiều và không rèn luyện cho mình một khả năng tiết chế khôn ngoan.

sao Thổ

Từ The Waking Dream:

“Trong tất cả các hành tinh của hệ mặt trời, sao Thổ phô bày một hệ vành đai rõ ràng và hiển hiện nhất. Hiểu một cách hình tượng, điều đó phản ánh mối quan hệ lâu dài của hành tinh này với quy tắc nguyên mẫu của giới hạn, vật chất, cấu trúc và thời gian – trong tất cả những khía cạnh tích cực và tiêu cực của chúng. Không có tác động của chúng, không thứ gì có được cấu trúc hoặc hình dạng, mọi sự phát triển sẽ triển nở mà không có sự kiểm soát; song khi được nhấn mạnh quá mức, cấu trúc trở thành sự co rút và giam hãm, bóp nghẹt cuộc sống và cản trở sự phát triển. Trong cuộc sống của chúng ta, sao Thổ do đó cai quản tất cả sự kiện mang đến giới hạn và cấu trúc, hoặc những thử thách cho chúng ta dưới bất kì hình thức nào, bao gồm những nhân vật chính quyền hoặc người thực thi pháp luật, phụ huynh, sự gián đoạn, hoặc bất kì các hoàn cảnh ngặt nghèo nào.”

Có nhiều hành tinh có hệ vành đai, nhưng không hệ vành đai nào rõ ràng như hệ bao quanh sao Thổ. Là một biểu tượng của sự co cụm, vành đai không tốt cũng không xấu, mà đơn giản là một nguyên tắc của cuộc sống có thể được trải nghiệm theo những cách tích cực hoặc tiêu cực. Tất cả chúng ta đều đã quen thuộc với những ví dụ tiêu cực của sự giới hạn, dĩ nhiên, nhưng có một biểu hiện tích cực chính là cách chúng ta thắt chặt sự hứa hẹn của mình trong mối quan hệ bằng cách đeo một chiếc nhẫn – đặc biệt là trên ngón tay mà các nhà huyền bí liên hệ đến Mặt trời, chủ quản tự nhiên của nhà Năm lãng mạn và vui thú. Nói cách khác, chiếc nhẫn tượng trưng cho việc giờ đây chúng ta đã dằn lại và truyền dẫn những biểu hiện sống thiết yếu của mình tới một cá nhân khác, chứ không phải là phân tán nó theo những cách không hồi kết và vô tổ chức. Đó là một hành động giới hạn, song theo một cách nào đó thì nó lại gắn liền với việc khiến tình yêu sâu sắc hơn.

Điều tiếp theo mang lại cho chúng ta một đặc tính bất ngờ đặc biệt của hành tinh có vành đai này. Dù được biết đến trong chiêm tinh bởi sự “nặng nề”, sao Thổ lại có khối lượng riêng nhỏ đến mức nó có thể nổi trên mặt nước. Liệu có thể nói rằng ở hành tinh này tồn tại một thứ gì đó vi tế và “nhẹ nhàng” hơn những gì chúng ta thường thấy? Hãy nghĩ đến một ví dụ về cái hạnh phúc có được từ việc tiếp nhận thành công bài học của sao Thổ, như người trong ví dụ trước đã thực hiện được cam kết của mình trong hôn nhân; hay một chuyên gia yoga Ấn cảm thấy được giải phóng sau quá trình tự chủ kéo dài của họ. Khi Aristotle nói rằng kỉ luật mang đến tự do, ông có thể đã tiết lộ một sự thật khôn cùng về sao Thổ.

sao Thiên Vương

Mấu chốt để nắm được ý nghĩa của những hành tinh từ sao Thổ trở ra nằm ở chỗ các hành tinh này vẽ một đường biên rộng lớn cho quỹ đạo của mình trong không gian, mở rộng dần dần khỏi trung tâm mặt trời. Hiểu một cách hình tượng, điều này cho thấy các hành tinh này liên quan đến những sự vụ to lớn, mang tính cộng đồng hoặc thậm chí vũ trụ chứ không chỉ là những mối bận tâm cá nhân, lẻ tẻ.

Là hành tinh đầu tiên từ sao Thổ trở ra, Thiên Vương do đó mang một tầm quan trọng đặc biệt, như một “ngưỡng” phân định ranh giới giữa cá nhân và cộng đồng, cục bộ và phổ quát. Khi Thiên Vương được nhấn mạnh trong một bản đồ sao, ranh giới của cá nhân này sẽ đặt chân lên cả hai địa hạt, và nhìn chung sẽ dễ tiếp cận hơn tới năng lượng của hệ tư tưởng thời đại. Nhưng không giống như Hải Vương và Diêm Vương, Thiên Vương thường bộc lộ bản thân nó theo đường tâm trí, như trường hợp của một nhà phát minh (Ben Franklin), một nhà khoa học (Albert Einstein), một nhà tiên phong truyền thông (Walt Disney), hay một nhà hoạt động chính trị (Karl Marx).

Bên cạnh việc Thiên Vương xoay quanh trục của nó theo chiều kim đồng hồ, còn một điều bất thường khác chính là cả trục của nó gần như nghiêng vuông góc với những hành tinh khác. Do đó, nó khá phù hợp khi biểu trưng cho những gì lập dị và “cấp tiến” trong cuộc sống của chúng ta, vị trí của nó trong bản đồ sao chỉ ra nơi chúng ta có xu hướng tiếp cận vấn đề theo hướng độc đáo, sáng tạo hoặc thậm chí là nổi loạn.

sao Hải Vương

Có một cách khác để quan sát những hành tinh nằm ngoài sao Thổ, không đơn giản chỉ dựa vào quỹ đạo rộng lớn chúng vạch ra mà là về độ sâu của chúng. Đối với góc nhìn của người quan sát từ Trái đất, việc chúng miêu tả những điểm xa xôi tăng dần trong không gian ngụ ý rằng chúng biểu trưng cho những tầng ý thức với độ sâu sắc tăng dần của cả thế hệ.

Để so sánh thì, sao Thiên Vương – dưới điều kiện lý tưởng – được nhìn thấy phần nào bởi mắt thường, và do đó đại diện cho ngưỡng cửa giữa ý thứcvô thức. Hãy chú ý rằng biểu tượng của sao Thiên Vương giống với một cây ăng-ten, thứ được thiết kế theo công nghệ để bắt lấy sóng điện từ giữa lằn ranh vật chất và phi vật chất; tức là, dù vi tế, nhưng bản chất những sóng điện này cuối cùng vẫn là vật chất. Điều này khá tương thích với biểu tượng ranh giới được liên hệ với sao Thiên Vương trong chiêm tinh học, thứ tượng trưng cho một khả năng nhận thức cho phép chúng ta nhận ra các năng lượng vi tế trong trường tâm trí của thế hệ.

Bài có thể cùng chủ đề:  Hành tinh lấp lửng

Nhưng Hải Vương là hành tinh đầu tiên hoàn toàn vô hình dưới mắt thường, và do đó đại diện cho một khởi đầu đích thực tới cái thế giới vô hình vượt ra khỏi những cái thấy bề ngoài. Do đó đối với những nhà thần bí, nó là bộ phận tiếp nhận và giao kết với những thực tại tâm linh và siêu nhiên. Không phải ngẫu nhiên mà sự ra đời của thuyết duy linh hiện đại, nơi người ta có thể chuyện trò với linh hồn của những người đã chết thông qua ngoại giới trung gian, được khai sinh chỉ sau hai năm từ lúc phát hiện ra sao Hải Vương, khi ba chị em nhà Fox ở vùng hẻo lánh của New York khai rằng họ có khả năng trò chuyện với cõi bên kia.

Cũng như trong nghệ thuật, cảm giác “vén mạng che của cái vô hình” đã song hành với những bước chuyển quan trọng được xem như là biểu tượng, trong văn chương có thể kể đến những cái tên như Edgar Allen Poe, Herman Melville, và Charles Baudelaire; trong hội họa có sự thành lập của trào lưu Tiền Raphael năm 1848 và những nhân vật sau đó như Odilon Redon, Gustave Moreau, Jean Delville, và Paul Gauquin. Những kỳ tài sáng tạo như những cái tên chủ trương trên tựa như một gợi ý mỹ học ám chỉ xa xôi về những tầng nghĩa vượt xa ngoài cái hiển hiện, thường liên quan đến những bối cảnh siêu nhiên và mạng lưới “tương đồng” ẩn giấu. Dẫu cho từ trước đó đã có những nghệ sĩ và nhà thơ kết hợp những ý tưởng và chủ đề hình tượng trong tác phẩm của mình (William Blake là một ví dụ điển hình), vẫn chính là sự khám phá của hành tinh vô hình đầu tiên này đã mở màn cho một giai đoạn mới chủ chốt của nghệ thuật, hoàn toàn dựa trên những chiều kích vô hình của ý nghĩa.

Nhưng chính xác vì Hải Vương cho ta một cửa sổ để trông sang phía bên kia, nó cũng có thể dễ dàng mở ra cho ta một chiều kích tối tăm hơn của cái thế giới vô hình ấy, và xui khiến ta về một lối thoát thoát khỏi cái hiện tồn. Có thời gian tôi biết một người nghệ sĩ vẽ những bức tranh miêu tả phong cảnh viễn tưởng đẹp tuyệt trần theo phong cách siêu thực, bản đồ sao của ông hiển thị nhiều góc hợp cực kì căng thẳng đến Hải Vương. Trong khi thực hiện nghiên cứu về một vấn đề không liên quan khác, tôi chợt nhận ra ngày sinh ông cũng là ngày sinh của một kẻ giết người hàng loạt khét tiếng, tên này đã dùng những mưu chước để giăng bẫy nạn nhân và đáp ứng những ảo tưởng đen tối của mình (và cuối cùng hắn chết vì ma túy). Mặc dù bản đồ sao của họ là như nhau, tôi có thể thấy rõ rằng họ đã sử dụng nguồn năng lượng vô hình đại diện bởi Hải Vương khác nhau như thế nào.

sao Diêm Vương

Trong khi Hải Vương mở ra cánh cửa dẫn đến vô thức tập thể, thì chính với Diêm Vương chúng ta mới thực sự chìm trong vũng nước sâu của hiện tồn. Các nhà thiên văn đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để nói lên việc hành tinh này cách xa ta như thế nào, như với tốc độ ánh sáng là 186,000 dặm một giây, ta mất tròn tám phút để đi từ Trái Đất đến Mặt trời, trong khi để đi đến Diêm Vương, ta phải mất năm giờ đồng hồ.

Nằm ở điểm xa xôi đó trong vũ trụ, danh tiếng huyền thoại của Diêm Vương như là Chúa Tể của Cõi Âm Ti thật phù hợp. Không ngạc nhiên lắm khi khoảng thời gian phát hiện ra sao Diêm Vương vào năm 1930 cũng là khoảng thời gian được chú ý với những câu chuyện liên quan đến thế giới ngầm của tội phạm, tập trung chủ yếu quanh ông trùm Al Capone của Chicago. Khi được nhấn mạnh trong một bản đồ sao, Diêm Vương chỉ ra khả năng tiếp cận vào địa hạt kín đáo của linh hồn, với tất cả những năng lượng hỗn loạn và cao trào được ẩn chứa. Với những nhà tâm lý học như Sigmund Freud hay Carl Jung, nó là một liên kết vô giá trong việc khám phá ra vô thức của con người; trong khi với Mick Jagger, nó thúc đẩy sự nghiệp ca hát của ông dựa trên những bài hát về đam mê của cuộc sống, cũng như những xung động “u tối” của nó – thậm chí bao gồm cả những bài ca thương cảm cho quỷ dữ.

Bởi cái khoảng thời gian được đo bằng tốc độ ánh sáng, chúng ta cũng biết rằng càng ngắm nhìn vào không gian xa xôi, chúng ta càng đang trông vào quá khứ. Theo nghĩa đen, khi chúng ta nhìn vào Diêm Vương thông qua kính thiên văn, chúng ta đang nhìn vào nó của nhiều tiếng trước. Theo nghĩa hình tượng, điều này cho thấy Diêm Vương liên quan mật thiết đến “quá khứ” trong cuộc sống của chúng ta, dẫn đến khi nó được kích hoạt trong bản đồ sao, những vấn đề hoặc kí ức xưa cũ sẽ nổi lên dưới ánh sáng ban ngày. Và điều này không nhất thiết là xấu. Khi Diêm Vương quá cảnh và tạo góc 120º với sao Kim trong bản đồ sao gốc của một người khách hàng của tôi, một người tình từ nhiều năm trước trở về và hồi sinh lại những đam mê mà cô ấy gần như quên lãng. Tôi không nghe lời phàn nàn nào về Diêm Vương thời gian đó.

Ngoài ra, quỹ đạo của Diêm Vương cực kì bất thường ở chỗ nó không nằm trên cùng một mặt phẳng với những hành tinh khác, mà nghiêng một góc 17º với mặt phẳng này, bên cạnh đó quỹ đạo của nó không phải hình elip mà thiên về hình bầu dục. Kết hợp lại, những điều đó khiến nó thi thoảng di chuyển gần Mặt trời hơn so với các hành tinh khác, và thậm chí giao cắt với quỹ đạo Hải Vương khi có dịp. Có vẻ như điều này là một hình tượng tương thích với sự cực đoan của Diêm Vương, thứ có thể dẫn đến khác biệt lớn trong hành vi: từ sáng đến tối, từ thiêng đến phàm.

Bởi lẽ giữa các chiêm tinh gia, Diêm Vương thường được liên hệ đến tình dục, rắn, và tất cả những thứ thâm hiểm, một số chiêm tinh gia đã khá ngạc nhiên với một sự đồng phương tương tính cụ thể, khi phi thuyền New Horizons của Nasa chụp những bức ảnh đầu tiên của thiên thể xa xôi này, các nhà thiên văn học đã mô tả rằng bề mặt của nó trông hệt như “da rắn”!

Mang Tất cả Trở về Nhà

Nhưng còn về hành tinh trú ngụ của chúng ta, “Mẹ Trái đất”? Chúng ta không thực sự sử dụng nó trong bản đồ sao như những hành tinh khác, đơn giản bởi vì nó chính là trung tâm của bản đồ sao và là mặt đất mà chúng ta đang đứng. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó không có ý nghĩa hay tầm quan trọng của chính mình. Liệu có điều gì mà chúng ta có thể học được về hành tinh này từ việc nghiên cứu đặc điểm địa chất hay quỹ đạo của nó? Tôi xin gợi ý vài điều.

Đối với những người mới bắt đầu, đặc điểm hiển nhiên nhất của hành tinh này khi nhìn từ không gian chính là phần lớn của nó được bao phủ bởi nước. Về mặt hình tượng, điều này có thể cho thấy đây là một hành tinh mà bài học của nó phần lớn có bản chất là cảm xúc. Trong khi các hành tinh và thiên thể khác cũng biểu lộ một mức độ riêng về các trạng thái cảm xúc và kinh nghiệm, Trái đất dường như cho ra một thứ đặc biệt – hiện thân của sự sống trong những hình thức vật chất phức tạp mà nước là thành phần cấu tạo chủ yếu. Nếu có những linh hồn lạc lõng trong vũ trụ, tìm kiếm một hành tinh để chúng có thể tham gia vào một chuỗi đầy đủ các trải nghiệm cảm xúc trong những cách thức đặc biệt sống động, trải dài từ lòng trắc ẩn thiêng liêng đến những hận thù và ghen tuông mãnh liệt, đây dường như chính là nơi thích hợp!

Thêm vào đó là việc Trái đất nằm giữa sao Kim và sao Hỏa, cho thấy Trái đất như một trạm trung gian giữa những năng lượng và bài học của hai hành tinh này. Giống như những trẻ em bị bắt làm tin trong một trận chiến bảo vệ vũ trụ, con người bị giằng xé giữa những xung động bản năng, hiếu chiến của sao Hỏa và những thôi thúc yêu thương của sao Kim, và dường như một trong những thử thách của chúng ta là dò tìm điểm cân bằng giữa hai năng lượng nguyên mẫu đối lập này.

Nhưng có một “thái cực” liên quan đến Trái đất có thể đang nắm giữ một mấu chốt khác soi sáng vị trí của chúng ta trên con đường tiến hóa. Tôi muốn đề cập đến việc Mặt trăng của chúng ta nhìn theo mắt thường sẽ có kích thước gần giống như kích thước của Mặt trời, một đặc điểm khiến nhật thực toàn phần có thể xảy ra. Trong khi chúng ta không lưu tâm lắm về sự tương đồng này, nó lại là một đặc điểm cực kì hiếm có giữa các hành tinh – và không phải lúc nào với chúng ta các hành tinh cũng đều trông bằng nhau. Các nhà khoa học cho chúng ta biết Mặt trăng đã dần dịch chuyển ra xa Trái đất hàng triệu năm ánh sáng, do đó cuối cùng nó sẽ trông nhỏ hơn chúng ta nhìn thấy bây giờ (điều đó dĩ nhiên cũng có nghĩa là trong quá khứ nó đã từng trông to hơn lúc này). Có lẽ điều đó nói với chúng ra một điều quan trọng về thời điểm này trong dòng thời gian vũ trụ, rằng trong đó tồn tại một sự cân bằng nhất định về tính nam và tính nữ cho những ai sống trên Trái đất như chúng ta. Có thể trong lịch sử của Trái đất, kỉ nguyên này đại diện cho một “cửa sổ” mà trong khoảng thời gian đó, những con người cư ngụ trên hành tinh này có thể đạt được những thứ bình thường khó lòng chinh phục, với sự cân bằng thái cực mà các nhà huyền bí đôi khi gọi là “cuộc hôn phối giữa Mặt trăng và Mặt trời”? Đây quả là một lối suy nghĩ khá thú vị.

1. Trừ khi có thêm ghi chú khác, mọi trích dẫn trong bài viết đều trích từ The Waking Dream, Ray Grasse (1996, Quest Books), chương 11.

__

Ray Grasse là nhà văn, nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia và chiêm tinh gia ở Chicago. Ông là biên tập của tờ tạp chí chiêm tinh The Mountain Astrologer  từ năm 1998. Công việc của ông bao gồm việc đứng lớp về nhiều chủ đề khác nhau của chiêm tinh, đồng phương tương tính, thần thoại, ngoài ra ông còn là một chiêm tinh gia chuyên nghiệp với đông đảo khách hàng ở US và ngoài nước. Bên cạnh những quyển sách của mình như The Waking Dream, Signs of the Times,  Under a Sacred Sky, ông còn là tác giả góp mặt trong những tuyển tập như Karma: Rhythmic Return To Equilibrium (Quest Books, 1990), Eastern Systems For Western Astrologers (Weiser, 1997), Greg Taylor’s Darklore tuyển tập, Vols. 7 và 8, The Astrology of Film (iUniverse, 2005), cùng Issues and Ethics (The Academy of Astro-Psychology, 2005).

Website của ông là www.raygrasse.com.

__

Dịch từ bài viết Do the Physical Planets Hold Clues Into Their Meaning as Astrological Principles? [tạm dịch: Liệu tính chất vật lý của các hành tinh có chỉ ra ý nghĩa chiêm tinh của chúng?] với sự đồng ý của tác giả Ray Grasse.

© Ray Grasse

Ảnh: Liliana Porter, Untitled (Circle Mural) I, 1973.

 

Write a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *