Khi nào thì chuyện này kết thúc?

When Will This End? – Bill Herbst

[Phần in đậm là những ý người dịch muốn nhấn mạnh.]

Trong 44 năm qua, trở thành một chiêm tinh gia tư vấn cá nhân đã mang lại cho tôi một nguồn thu nhập khiêm tốn. Tôi không hề nghĩ rằng mình sẽ trở thành một chiêm tinh gia, nhưng đó là điều đã xảy ra. Trong bốn thập kỉ rưỡi ấy, tôi đã thực hiện hơn 12,000 ca tư vấn, hầu hết đều là với cá nhân. Trong tất cả những câu hỏi khác nhau mà các khách hàng đặt ra, có những loại câu hỏi nhất định luôn xuất hiện hết lần này đến lần khác.

Câu hỏi mà tôi đề cập trong bài viết này có thể không phải là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất trong công việc chiêm tinh gia của tôi. Tôi không có một danh sách các câu hỏi được hỏi nhiều nhất, nhưng tôi có cảm giác quen thuộc khi các câu hỏi ấy được đặt ra, và đó chính xác là những câu tôi được hỏi rất nhiều lần. Thường thì, tôi có thể nhận ra rằng khách hàng đang có những băn khoăn đó, dù cho họ có mở lời hay không.

Câu hỏi đó chính là: “Khi nào thì chuyện này kết thúc?” Cụm “chuyện này” dùng để ám chỉ các hoàn cảnh hoặc tình huống mà họ đang trải qua. Đúng như ta nghĩ, hoàn cảnh ấy luôn là những hoàn cảnh khó khăn hoặc không dễ chịu gì — hiếm ai lại hỏi rằng khi nào thì thời gian vui vẻ này sẽ kết thúc. Ở đây tôi không có ngụ ý rằng những khách hàng chỉ tìm đến tôi khi họ đang đau khổ hoặc có chuyện không vui. Không phải như thế. Mọi người tìm đến tôi trong cả khoảng thời gian tốt lẫn xấu.

Trong bản nháp đầu tiên của bài viết này, tôi đã soạn hẳn một trang để giải trình rằng tôi chỉ có thể viết về những gì mình đã thực hiện, chứ không thể phỏng chừng cho cả những chiêm tinh gia khác, dù là chiêm tinh Âu hay Ấn, nhưng cuối cùng tôi đã bỏ đi trang ấy. Tôi không muốn bài viết ngắn này trở nên lạc đề, chủ đề chính của nó là bàn luận về hai khó khăn mà tôi, với tư cách là một chiêm tinh gia, gặp phải khi xác định câu hỏi, “Khi nào thì chuyện này kết thúc?”

 

Khó khăn đầu tiên liên quan đến vấn đề ngôn ngữ. Những con người dựa trên bản ngã (tức là tôi và mọi người mà tôi biết) thường nghĩ về cuộc đời và hoàn cảnh của họ bằng một ngôn ngữ cụ thể. Chúng ta biết chúng ta đang trải qua điều gì, và chúng ta sắp xếp suy nghĩ của mình quanh những trải nghiệm đó, đặc biệt là quanh những gì mà chúng ta cảm thấy về nó.

Tuy nhiên, chiêm tinh học lại nói bằng một ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt. Biểu đồ sao tượng trưng cho những mạn đà la, và những hệ chu kỳ khác nhau trong chiêm tinh được kích hoạt theo thời gian (tôi dùng quá cảnh [transit] trong công việc của mình) tượng trưng cho việc những mạn đà la ấy được soi sáng để phơi bày ra những chương khác nhau trong cuộc đời, những chương bao gồm sự đổi thay để phát triển, sự can thiệp của số phận, bắt đầu và kết thúc, vân vân.

Nói trắng ra, bản đồ sao không quan tâm đến những gì mà bản ngã của chúng ta trải nghiệm. Những yếu tố [ví dụ như một hành tinh hay điểm quan trọng trong bản đồ sao]  kích hoạt nên một chu kỳ trong chiêm tinh chỉ can dự rất hời hợt đến những trải nghiệm của con người chúng ta, nó có thể ảnh hưởng đến cảm xúc và tình hình chung, nhưng thường thì bản đồ sao không liên quan tí nào đến những trải nghiệm thực tế của chúng ta. Bản đồ sao bảo, “Đây chính là những gì đang hoạt động trong phần nguyên mẫu cá nhân của bạn, và đây là cách nó liên hệ tới những mục đích và ý nghĩa của bạn.” Sự biểu hiện của nó có thể, và quả thực sẽ, trải dài từ những hình thức mà bản ngã chúng ta ưa thích đến những hình thức mà bản ngã chúng ta ghét bỏ.

Nhưng khoan đã Bill, không phải chiêm tinh không định ra những “hạn tốt” và “hạn xấu” cho các công việc và hoạt động cụ thể hay sao? Well, kiểu thế, nhưng cái biết của số đông lại không như vậy. Việc cho rằng bản đồ sao chỉ ra “tài năng” và “khiếm khuyết” của một người cũng giống như nhận định tốt/xấu trên. Nó khiến mọi thứ trong chiêm tinh bị phân thành hai mặt (và thường là nhiều hơn chỉ hai mặt). Mỗi biểu tượng hoặc sự kết hợp của các biểu tượng có những biểu hiện mà chúng ta có thể sẽ thích và có thể sẽ không.

Ở một mức độ nào đó, chiêm tinh có thể dự đoán xu hướng phát triển của một biểu tượng nhất định, rằng chúng ta có thích nó hay không. Lấy ví dụ, sao Thổ (trong tất cả các biểu hiện của nó, từ bản đồ sao gốc đến các chu kỳ bên ngoài) thường được trải nghiệm như là thử thách, khó khăn, gánh nặng hoặc vấn đề hệ trọng. Và đúng thế, sự kích hoạt của sao Thổ trong bản đồ sao thường kéo theo trì hoãn hoặc tắc nghẽn, dù là ở nội tâm hay bên ngoài cuộc sống. Ngược lại, sao Mộc thường liên quan đến một sự sôi nổi trong tâm, một cảm giác đầy hứa hẹn, lạc quan và dễ dàng. Do đó, ta có sao Mộc được liên hệ đến “vận tốt” hoặc những chu kỳ “may mắn.” (Giá như mà mọi thứ đơn giản như vậy…)

Bài có thể cùng chủ đề:  Có phải Chiêm tinh là Chuyện Bịa?

Tuy nhiên, khi những thử thách của sao Thổ được giải quyết bằng sự kiên nhẫn, ngoan cường, hoặc với nỗ lực bền bỉ, kết quả ta thu được có thể để lại những tác động lâu dài và tốt đẹp lên cuộc sống của chúng ta, tạo thành một nền tảng xây dựng vững chắc. Ngược lại, sự lạc quan và những “cảm giác tốt đẹp” của sao Mộc rất dễ dàng bị lãng phí. Cảm giác bằng lòng phấn khởi này có thể xói mòn thành những đặc ân và quyền hạn mà ta nghiễm nhiên nhận cho mình. Bề nổi của sao Mộc chính là cơ hội được nắm bắt; mặt trái của nó chính là cơ hội bị lãng phí hoặc bỏ qua.

Ta cũng có thể nói về sao Hỏa và sao Kim một cách tương tự — sao Hỏa thường khơi ra những xung đột, khích động, hoặc những gì ác liệt, trong khi sao Kim khuyến khích sự hài hòa, nhàn nhã, hoặc những thú vui êm dịu. Dĩ nhiên những điều này cũng không phải là tuyệt đối. Một người cảm thấy dễ chịu và một người đang trong cơn phấn khích không phải là tất cả những gì đang diễn ra. Bất kỳ người nào cũng có thể là một chiến binh tốt hay tồi, là một người bạn đáng yêu hay một kẻ lăng nhăng vô liêm sỉ. Bản thân bản đồ sao có thể chỉ ra một xu hướng, nhưng nó không đảm bảo điều gì cả. Sao Thủy vuông Hải Vương trong bản đồ sao gốc có thể tương ứng với một tâm trí mơ hồ hoặc một kẻ nói dối không chớp mắt (như ta có thể thấy trong bản đồ sao của Donald Trump), nhưng cũng chính vị trí đó, nó có thể là một trực giác siêu phàm hoặc một cảm quan đầy thi vị. Tính cách rất phức tạp. Những tiềm năng trong một bản đồ sao luôn bị thấm nhuần và thay đổi bởi những yếu tố nằm ngoài bản đồ sao.

Thiên Vương, Hải Vương và Diêm Vương đại diện cho những cảnh huống khác nhau. Chúng, biểu trưng cho số phận. Các hành tinh vòng ngoài đem những yếu tố bất thình lình từ phần tiền thức hoặc siêu thức vào cuộc sống của chúng ta, buộc ta phải thay đổi theo những hướng mà ta không nghĩ là mình sẽ chọn. Theo nghĩa đó, chúng là một phần của cái hiện thực lớn hơn cái mà bản ngã chúng ta có xu hướng ôm lấy. Dù chúng ta có cảm thấy hài lòng, hay bị sốc và nhụt chí, với những thay đổi khi tấm thảm dưới chân bị giật ra, thì việc ấy cũng không nằm trong vùng kiểm soát hay chọn lựa đơn giản của cái tôi. Chúng ta cứ thế nhận những gì mình phải nhận từ các gã thích đùa này, và đối mặt với một chuỗi gian nan.

Thêm vào đó chính là sự thật rằng những biểu tượng chiêm tinh không vận hành một cách riêng rẽ, mà cùng vận hành như một bộ phận trong cái mạn đà la tổng thể của bản tính người; trong đó, những biểu tượng vừa vận hành vừa tương tác với nhau, những tình tiết ta thu được dày đặc lên đáng kể. Và nói một cách buông xuôi, từ tổng thể bản đồ sao, xác định cái tình hình chung mà bản ngã đang trải nghiệm không phải là một việc dễ dàng.

Vậy nên đúng là như thế, ở một chừng mực hạn chế, chiêm tinh cho phép ta dự đoán cách phản ứng của bản thân với những trải nghiệm sống luôn biến ảo. Nhưng nó không trọn vẹn như kỳ vọng của một số người, và thậm chí, nó có thể thiên về miêu tả quá trình hơn là kết quả.

 

Khó khăn thứ hai liên quan đến vấn đề thời gian. Nếu tôi đang thực hiện buổi tư vấn với một khách hàng đang miêu tả một tình huống khó khăn, thử thách hoặc đau khổ của họ, có thể tôi sẽ xác định được một chu kỳ hoặc một tổ hợp các chu kỳ cụ thể đang diễn ra, có liên quan đến những trải nghiệm đó của họ. Đôi khi tôi có thể đưa ra một khung thời gian cho thời điểm bắt đầu của những hình mẫu ấy. Rất đỗi thường xuyên, khách hàng của tôi thốt lên rằng, “Ôi Chúa ơi, đúng là nó bắt đầu chính xác vào thời điểm ấy!” Điều này không phải lúc nào cũng xảy ra, nhưng nó xảy ra đủ thường xuyên để trở thành một điều có chút ma quái.

Chẳng phải nếu như tôi đã có thể xác định được điểm bắt đầu của một trải nghiệm bằng cách liên kết nó với một chu kỳ hoặc một tổ hợp các chu kỳ cụ thể trong bản đồ sao của khách hàng, thì tôi cũng có thể xác định được điểm kết thúc của nó sao? Vâng, nghe khá là hợp lý đấy, nhưng tiếc thay đó thường không phải là sự thật.

Vấn đề ở đây chính là, trải nghiệm đời sống của chúng ta thường có những kết quả vượt ra ngoài chu kỳ tác động của các hành tinh. Quá cảnh đến rồi đi, phát sinh rồi lặn mất, nhưng trải nghiệm của chúng ta lại thường rất dai dẳng, đôi khi kéo dài đến và ảnh hưởng vào tương lai. Chẳng hạn như, mang thai là một trải nghiệm mất khoảng một năm đổ lại, từ lúc thụ thai đến khi đứa bé sinh ra, nhưng ảnh hưởng của việc mang thai và nuôi dạy một đứa trẻ (hoặc ngược lại, ảnh hưởng của việc không mang thai…) tiếp diễn trong hàng chục năm, và thường thay đổi đời sống của chúng ta mãi mãi. Bất cứ điều gì xảy ra — dù là ta gây ra hay chúng đột nhiên xảy đến — có thể và đôi khi sẽ kéo dài hơn cái giai đoạn khởi sinh ban đầu của chúng. Việc chiêm tinh không thể lúc nào cũng bao hàm được những biến số này không phải là một thiếu sót của nó, mà đơn giản chỉ là một phần trong Cái phức tạp của Cuộc đời.

Bài có thể cùng chủ đề:  Chiêm tinh học và Tâm lý trị liệu (1/2)

Dành trọn thời gian của tuổi trưởng thành để nghiên cứu và thực hành chiêm tinh, tôi đã kinh qua nhiều giới hạn của hệ thống này, cũng như những sai lầm trong việc sử dụng nó. Trong quá trình đó, tôi nghĩ mình đã trải qua tất cả các sai lầm mà một người có thể có trong việc sử dụng chiêm tinh học, và tôi mong rằng mình đã học hỏi được từ chúng. Tuy nhiên, mỗi hệ thống của con người, từ  hệ thống lý thuyết vật lý đến hệ thống ống nước, đều chứa đựng những sự kì quái. Với bất cứ hệ thống nào dùng để thấu hiểu thực tế, nếu ta nghiên cứu chúng đủ lâu, chúng ta sẽ phát hiện ra những sự kì quái đó. Hiển nhiên chiêm tinh học cũng không phải là ngoại lệ.

Tuy nhiên, những khó khăn mà ta gặp phải trong chiêm tinh thường được gây ra bởi sự sai sót của chúng ta hơn là sai sót của chính hệ thống chiêm tinh học. Niềm tin của chúng ta về bản chất của chiêm tinh nên có khả năng nói cho ta biết những điều không thực, những điều dựa trên tư duy huyền học, hơn là một sự hiểu biết kĩ càng về môn học này và những hạn chế tự nhiên của nó.

Cũng như mọi người, sống trong một nền văn hóa cho rằng chiêm tinh học và hệ thống của nó là vô nghĩa và rẻ tiền, tôi đã phải thừa nhận cái tính khí đầy mâu thuẫn của bản thân. Tôi không thể đổ lỗi cho nền văn hóa này vì những lựa chọn của mình được. Nhà kinh tế học người Anh E.F. Schumacher, người đã xuất bản một tuyển tập các bài tiểu luận về kinh tế của ông ấy trong quyển Small is Beautiful năm 1973 (quyển này hợp với thời nay hơn cả cái thời mà nó sinh ra), đã nói trong phỏng vấn rằng ông là một người đầy mâu thuẫn. Schumacher nói, nếu như xã hội chấp nhận nền kinh tế được tổ chức với mức thang nhân sinh, thay vì với những doanh nghiệp phi cá nhân khổng lồ, ông ta đã có thể viết một quyển sách có tựa là Large is Beautiful. Đó chính là những mâu thuẫn bất thường và hiển nhiên của bản tính người.

Kết luận: Vậy chiêm tinh có thể cho biết một cách chính xác và đáng tin khi nào thì một nỗi đau cụ thể của chúng ta kết thúc không? Tôi xin trả lời rằng: Có lúc có, có lúc không.

Tuy nhiên, thường thì câu trả lời của vấn đề này phức tạp hơn rất nhiều so với điều chúng ta mong muốn. Cả câu hỏi và câu trả lời đều chạm vào nhiều tầng khác nhau trong cuộc sống của chúng ta — hiện thực và ảo tưởng, thấu hiểu và nhầm lẫn, vô hình và hữu hình, vật chất và tâm linh — để cho ra một câu trả lời đơn giản và thẳng thắn trong trường hợp này thường khá khó khăn, không xác tín, và dễ gây tranh luận. Những trải nghiệm kết thúc theo hàng triệu cách khác nhau bởi hàng ngàn lý do khác nhau.

Song, câu hỏi này luôn thúc đẩy tôi kiên trì trở lại tìm hiểu toàn bộ sự tiến thoái lưỡng nan mà con người chịu đựng. Tôi không nói rằng mình đã giải quyết được bài toán đó, nhưng tôi đã tìm thấy một vài mảnh ghép thú vị trên con đường của mình, và toàn thể bức tranh dần trở nên rõ ràng hơn. Thú thực rằng, kinh nghiệm lâu năm của tôi đối với chiêm tinh đã khiến tôi tìm kiếm câu trả lời ở một nơi khác, nhưng tôi vẫn đánh giá cao những góc nhìn mà chiêm tinh mang lại cho tôi và người khác. Nếu xem xét mọi thứ, thì với tư cách là một lớp trong quá trình bóc tách cái bí ẩn, chiêm tinh đã làm mọi việc khá tốt.

__

Bill Herbst là một chiêm tinh gia chuyên nghiệp đã dành hơn 40 năm cho bộ môn này. Công việc chiêm tinh toàn thời gian của ông bao gồm cả tư vấn cá nhân, dạy học và viết sách. Các bài viết của ông bao quát từ chiêm tinh căn bản đến chiêm tinh vĩ mô, từ lý thuyết ứng dụng đến những chia sẻ giãi bày. Không trừu tượng siêu hình mà thẳng thắn câu văn, những bài viết của ông cũng hứa hẹn phát lộ ra những suy tưởng mới cho người vừa bước vào hoặc gắn bó đã lâu trên con đường chiêm tinh đôi khi mòn mỏi này.

__

Dịch từ When Will This End? với sự đồng ý của tác giả.

Copyright © Bill Herbst | Bản dịch © Saturn Cafe

Ảnh: Kazuna Taguchi.

 

Write a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *