Environmental Cosmology: Chiêm tinh như thường lệ (tức: mơ hồ và mâu thuẫn)

Tóm tắt: Environmental Cosmology mong muốn mang lại cho giới học thuật một lý thuyết giải thích vì sao chiêm tinh lại đúng. Nhưng tất cả những gì nó mang lại chỉ là sự suy đoán, sự trút bỏ gánh nặng của việc chứng minhnhững thứ lại chính xác không phải là thứ mà giới học thuật cần đến. Environmental astrology cũng không đáng tin hơn bất cứ thể loại chiêm tinh nào.  

Lời giới thiệu ở bìa sau của sách miêu tả McRitchie là “một nhà văn kỹ thuật đã từng đoạt giải thường, một nhà nghiên cứu về lĩnh vực hiệu suất con người đã dành gần ba mươi năm nghiên cứu chiêm tinh”. Nó hứa hẹn rằng “Quyển sách này sẽ dẫn bạn đến một thứ chiêm tinh mà bạn chưa từng thấy trước đây” và trích dẫn quan điểm của Richard Nolle, rằng đây là “Một tựa sách vỡ lòng cho các nhà phê bình chiêm tinh học cũng như những người ủng hộ chiêm tinh học… nó chứa đựng một số quan điểm liên quan đến chiêm tinh hấp dẫn nhất mà ta có thể tìm thấy ở bất cứ đâu hiện nay.”

Trong suốt thời gian nghiên cứu chiêm tinh, McRitchie đã nhận thấy chiêm tinh có thể thu hút những lời chỉ trích không khoan nhượng như thế nào. “Tôi nhanh chóng nhận ra rằng sự phản bác dành cho chiêm tinh chiếm ưu thế tại tất cả các trường đại học lớn ở Bắc Mỹ” (tr. 11).

Ông cũng nhận thấy rằng, một trong những vấn đề mà giới học thuật đã chỉ ra, chiêm tinh thiếu vắng một lý thuyết để giải thích cho cách hoạt động của mình. Ông đã suy nghĩ về điều này để nhiều năm sau, quyển sách ra đời như một câu trả lời, nhằm “khám phá các nguyên tắc và lý thuyết của chiêm tinh mà không có giả thuyết hay thử nghiệm, và đó là một lời mời tới tất cả những ai trân trọng quyển sách này, cùng tất cả những ai muốn tiến hành nghiên cứu”.

Ở đây, “không có giả thuyết hay thử nghiệm” tức là McRitchie đã sản xuất ra thêm một quyển sách chiêm tinh khác với đầy rẫy những suy đoán hời hợt thông thường và bỏ qua gánh nặng của việc chứng minh. Đó, chính xác là những điều không đáp ứng nhu cầu học thuật cho một lý thuyết. Quả thực, quyển sách không nói lên điều gì về cách chiêm tinh hoạt động, thay vào đó, nó nói những gì mà tác giả xem là “năm nguyên tắc tổ chức” (tr. 38):

“không phải là lý thuyết, cũng không phải là giả thuyết, đây là những miêu tả mang tính tự tìm tòi cung cấp cơ sở cho việc phát triển các khung quy chiếu chiêm tinh trong việc phân loại và tham khảo. Chúng không mang tính đúng hay sai mà là những hệ tiền giả định về các đặc tính cơ bản của tự nhiên. Chúng là điểm khởi đầu cho các lý thuyết chiêm tinh được nói đến sau đây trong quyển sách này” (tr. 39)

Năm nguyên tắc tổ chức của ông có thể được quy giản về thành: mỗi cá nhân đều là trung tâm của môi trường vũ trụ xung quanh họ, môi trường vũ trụ này là tự nhiên, có chu kỳ, với những thiên hướng cụ thể và có sự liên hệ đến những ý nghĩa cụ thể.

Nói cách khác, ý tưởng của ông, tức “những hệ tiền giả định về các đặc tính cơ bản của tự nhiên,” tương đương với nguyên tắc trên sao, dưới vậy, cho phép ông giả định những thứ mà ông tự nhận rằng mình sẽ chứng minh – và điều này, theo cách nói của Betrand Russel, giống như sự an nhàn của việc trộm cắp khi đặt nó cạnh công việc khổ sai. Sau đó, các “lý thuyết” (được đặt trên cơ sở trên sao, dưới vậy) xuất hiện cũng tương tự như công thức “yếu tố X tức là Y”.

Để chuyển nó thành “một lý thuyết về chiêm tinh”, McRitchie (1) tiến hành xác định các khái niệm như “giá trị”, “kĩ năng”, “thôi thúc”, và “phát triển”, (2) tìm kiếm một hệ thống phân loại có con số phù hợp với chiêm tinh học, ví dụ ông phân loại sự thôi thúc theo mười cách tương ứng với mười hành tinh, và (3) cứ thế mà tiếp. Vâng, chúng tôi đã nghe thấy tất cả những điều này từ trước rồi. Nó chỉ làm tăng thêm số lượng của hàng đống ý tưởng chưa được kiểm chứng. Thử kiểm tra bất kỳ quyển sách chiêm tinh nào mà xem.

Chương đầu tiên của McRitchie có tên là “Tư duy phản biện”, bao gồm sự bài bác hướng về các lập luận chống lại chiêm tinh, thường là bằng cách bỏ qua quy tắc đầu tiên của tư duy phản biện (thu thập bằng chứng để ủng hộ hoặc chống lại một quan điểm), và sau đó đưa ra những phát biểu đầy tính mâu thuẫn mà nếu chúng đúng, thì quả thực là phi thường. Dưới đây là một vài ví dụ về những phát biểu sai lệch không thể nào chối cãi:

“Nhờ những nỗ lực của Gauquelin [người mà ông gọi là Michel ở ít nhất hai chỗ] và những người đã thử nghiệm, chứng minh sự liên hệ của các hành tinh, các chiêm tinh gia giờ đây có thể tự tin hơn trong việc tư vấn cho mọi người về các lĩnh vực cụ thể mà họ có thể gặt hái thành công nếu bỏ ra nỗ lực” (tr. 20). Sẽ không phải thế khi những artifacts đã được kiểm soát, xem phần Hiệu ứng xã hội ở đây.

“Có rất ít thử nghiệm ghép bản đồ sao cá nhân với chủ nhân của nó đã được tiến hành” (tr. 28). Nhưng vào năm 2013 đã có gần 70 thử nghiệm được tiến hành.

“Phần lớn các thử nghiệm chiêm tinh, cho đến nay, đều được thực hiện bởi những người không phải là chiêm tinh gia… Họ chỉ tiến hành thử nghiệm dựa trên cung Mặt Trời” (tr. 31). Trên thực tế, khoảng một nửa số thử nghiệm được tiến hành bởi các chiêm tinh gia dùng toàn bộ bản đồ sao.

“Ít có nghiên cứu chiêm tinh nào được thực hiện trên bản đồ sao với giờ sinh chính xác” (tr. 31). Xem mục trước.

“ngày nay khoa học không thực sự thấu hiểu tính cách” (tr. 32) McRitchie dường như không đọc bất kỳ quyển sách tâm lý học nào gần đây.

Sau đó ông liệt kê những cái tên ấn tượng trong khoa học, những cái tên được ông nối vào chiêm tinh bất kể có logic hay không, trong sự quy chiếu đến fractal (bìa sách chính là một hình ảnh của fractal) để minh họa cho trên sao, dưới vậy, ngụ ý rằng biểu tượng đó hàm chứa những chi tiết hệt nhau bất kể ở độ phóng đại nào, trong sự quy chiếu của ông về thuyết hỗn loạn, cũng như trong phát biểu sau:

“cung, nhà, góc hợp, và các hành tinh, đều tương tự với cấu trúc gọi là ‘điểm hấp dẫn’ trong thuyết hỗn loạn… Do sự phụ thuộc nhạy cảm vào các điều kiện ban đầu… một diễn giải cụ thể về bất kỳ thành phần nào trong tập hơn trên đều có khả năng xuất phát từ một nhánh nghĩa rất nhỏ trong một cái cây ngữ nghĩa… Nếu không có sự mơ hồ mỏng mảnh ấy trong ý nghĩa biểu tượng và không có sự kết hợp hỗn loạn của ngôn ngữ chiêm tinh, thì cũng không có khoảng không để thực hiện thứ gọi là ý chí tự do và số phận sẽ là thứ được định trước.” (tr. 53)

Ta hãy lưu ý các vấn đề: (1) McRitchie đang đề cập đến các thuộc tính giả định của chiêm tinh học, không phải các thuộc tính có thể quan sát được, vậy làm thế nào để ông biết được những điều trên? […] (2) Thuyết hỗn loạn mang tính tất định, thế nên McRitchie dường như đang lập luận rằng chiêm tinh cũng mang tính tất định, điều này ngay lập tức mâu thuẫn với đặc tính có khuynh hướng của chiêm tinh và không thuyết phục. Hơn nữa, nếu như chiêm tinh thực sự mang tính hỗn mang, thì việc dự đoán của các chiêm tinh gia đòi hỏi một kiến thức đầy đủ về những điều kiện ban đầu, những thứ mà sự chính xác là bất khả, và vấn đề tự do không còn liên quan gì ở đây nữa.

Nhưng vì sao lại gọi đến sự hỗn loạn khi sự ngẫu nhiên cũng sẽ giải thích cho sự đa dạng của diễn giải? Bất kể điều gì đã xảy ra thì McRitchie cũng đã cho rằng “logic của Ockham đã hoạt động để khiến chiêm tinh, cũng như nhiều mô hình khác về thực tại, đúng đắn ở mức mà chúng có thể đúng đắn” (tr. 35). Có lẽ ông đang nhầm lẫn logic của Ockham với thiên kiến xác nhận hoặc lựa chọn tự nhiên.

Tệ hơn, “tư duy phản biện” của McRitchie khi ông cần nó để tấn công những chỉ trích hướng về chiêm tinh, và “tư duy phản biện” của ông khi ông cần nó để chứng minh những nhận định về chiêm tinh, còn chứa nhiều mâu thuẫn hơn nữa. Ví dụ, ông bỏ qua các bài thử nghiệm ghép bản đồ sao với đối tượng phù hợp bởi vì:

“chiêm tinh chỉ liên quan đến xu hướng, và do đó, không thể dựa vào nó để tạo ra những sự gán phép như thế. Các chiêm tinh gia nên hiểu điều này và không nên đồng ý tham gia vào những bài thử nghiệm như vậy” (tr. 29). (Mặt khác, cũng với lý lẽ đó, có lẽ một chiêm tinh gia không bao giờ nên đọc bản đồ sao vì tiền?)

Song sự bàn luận qua loa của ông đã mâu thuẫn với những phát biểu sau đó, cụ thể là:

“Khu vực nhà chỉ ra tiếng gọi hoặc nghề nghiệp của một cá nhân” (tr. 71)

“Những phát hiện của Gauquelin và những quan sát của riêng tôi cho tôi biết rằng những đoạn chiêm tinh cổ này [trong đó nhà 3/6/9/12 là nhà yếu] hoàn toàn sai” (tr. 74)

Những thôi thúc, cảm xúc và động lực đặc thù có thể được định vị… từ những nét nghĩa phổ quát của một hành tinh đến một cá nhân” (tr. 87)

“sự kiện… được căn chỉnh đúng giờ bởi các chuyển động đang diễn ra của các hành tinh” (tr. 102)

Nếu, như McRitchie nhận định, không thể thực hiện những gán ghép như gán ghép bản đồ sao với chủ nhân của nó, thì cũng không thể đưa ra những phát biểu như bất kỳ phát biểu nào ở trên.

Tóm lại, cuốn sách hứa hẹn “một chiêm tinh mà bạn chưa bao giờ nhìn thấy trước đây” nhưng thực tế lại đem về một chiêm tinh không đáng tin cậy hơn là bao so với bất kỳ chiêm tinh nào khác. Về mặt sản xuất, quyển sách được dàn trang khá ổn với các tiêu đề được trình bày rõ ràng. Có một danh sách tham khảo gồm 51 tựa sách, và một chỉ mục 14 trang mà trong đó những từ khóa gây lúng túng cho chiêm tinh như artifact, Barnum, thiên kiến xác nhận, thiên kiến dự đoán sự kiện theo quá khứ, và phân tích tổng hợp không hề xuất hiện.

Bài viết được dịch từ Environmental Cosmology: Astrology as usual (ie confused and contradictory) với sự đồng ý của tác giả Geoffrey Dean.

Ảnh: The Architectural Review

Write a Comment

Your email address will not be published.