Chiêm tinh Cận thị: Lỡ Rừng vì Cây
01/07/2017
AstroMyopia: Missing the Forest for the Tree - Glenn Perry
Khi mạo hiểm dấn thân vào một khu rừng sâu phức tạp, ly kỳ với rất nhiều hiện tượng sinh thái tương hỗ lẫn nhau, tôi phát hiện ra một đồng nghiệp trong giới chiêm tinh đang ôm một loài cây riêng biệt và thét lên trong vui sướng, “Eureka! Tôi tìm thấy rồi! Cái bản chất sau cùng, tối hậu và tinh túy của rừng cây!” Bạn sẽ phải thứ lỗi cho phép ẩn dụ của tôi, bởi nó có tác dụng minh họa cho thứ mà tôi gọi là “Chiêm tinh cận thị” (Astromyopia) hay đúng hơn là Cận thị trong Chiêm tinh – một khiếm khuyết về tầm nhìn mà trong đó, tổng thể phức tạp của bản đồ sao bị sập cong thành một hay nhiều mảnh.
Chiêm tinh cận thị tương đương thứ chiêm tinh chỉ nhìn thấy được những gì gần tầm mắt. Không lý lẽ được cái tổng thể từ cái thành phần, vị chiêm tinh gia đơn giản chỉ dính lấy thành phần đó trong khi tuyên bố nó là, “Yếu tố quan trọng nhất trong bản đồ sao!”. Yếu tố quan-trọng-hơn-hết-thảy này có thể là cặp Long Thủ/Long Vĩ, Chiron, sao Diêm Vương, Trăng đen Lilith, hoặc những đối tượng huyền bí khác mà ý nghĩa của nó được phóng đại một cách quá đà so với tầm vóc của những thứ còn lại trong bản đồ sao.
Một người mắc phải cận thị chiêm tinh có thể nhìn vào bản đồ sao của cựu Tổng thống George Bush và thốt lên, “Nhìn đây! Bush có Long Vĩ ở Nhân Mã. Thảo nào ông ta là một tay hiếu chiến, một kẻ mị dân lợi dụng chủ nghĩa tư bản với tham vọng thống trị toàn thế giới!” Nếu một người chỉ ra rằng Bush cũng có Mặt trời Cự Giải, dưới trướng của Mặt trăng đang trùng sao Mộc Thiên Bình ở nhà 3, hai hành tinh này lại vuông góc Mặt trời của ông đồng thời tạo góc 120 độ với sao Thiên Vương nhà 11, người bạn cận thị của chúng ta sẽ ngây người ra và lầm bầm, “Ờm, phải, cái đó, nữa.” Chết thật. Việc diễn giải cụ thể một cụm hành tinh phức tạp như vậy, thì, căng.
Có một dạng khác của Chiêm tinh cận thị, khiến một người phải luân phiên chú tâm từ phần này đến phần khác trong cùng một nhóm hiện tượng, như những biểu tượng Sabian, các tiểu hành tinh hoặc các sao cố định. Trong trường hợp này, chiêm tinh gia ấy cứ mỗi khoảnh khắc lại tập trung vào một phân mảnh nhỏ mà không cách nào liên kết chúng lại với nhau thành những tầng nghĩa phức tạp hơn. “Ôi Chúa toy! Biểu tượng Sabian cho Mặt trời của Hillary Clinton ở 3 độ Bọ Cạp là: Một bữa cất nhà trong làng nhỏ với sự giúp đỡ của hàng xóm. Điều này chắc hẳn giải nghĩa cho chủ đề trong cuốn sách của bà ấy, cuốn It takes a village (tạm dịch: Điều đó cần đến cả làng)!” Tiếp đến, biểu tượng Sabian của điểm mọc được trích ra, rồi đến Mặt trăng, đến Thiên Đỉnh, và cứ tiếp tục như thế, bạn hiểu sự việc rồi đấy. Mỗi biểu tượng Sabian, mỗi tiểu hành tinh hoặc sao cố định được nói đến như một lời giải trọn vẹn đã được chắt lọc, tách biệt khỏi mọi thành phần khác trong bản đồ sao.
Lối suy nghĩ này khiến chiêm tinh tưởng chừng như dễ dãi. Người thực hành không phải thực sự phác họa ra bản đồ sao bằng cách kết hợp các thành phần để tạo ra một tổng thể phức tạp hơn, bởi các diễn giải đã được chế biến sẵn và dâng đến tận răng. Số lượng tuyệt đối của các biểu tượng Sabian (360), các tiểu hành tinh (6000 và vẫn tiếp tục tăng) và sao cố định (vô số) gần như đảm bảo được rằng, sẽ xuất hiện thứ gì đó mà dựa vào nó thì có thể lí giải được những đặc điểm nổi bật trong cuộc sống của một người. Không may là, cách tiếp cận này cũng đồng thời tầm thường hoá đối tượng nghiên cứu của chúng ta – con người.
Dĩ nhiên, có nhiều chiêm tinh gia đã hành nghề chuyên về những lĩnh vực đặc biệt trong chiêm tinh nhưng đồng thời cũng nhận ra điểm quan trọng mấu chốt của bản đồ sao khi nó vận hành một cách tổng thể. Lynda Hill là một chuyên gia về biểu tượng Sabian, Bernadette Brady với niềm say mê các sao cố định, Grazia Mirti hiểu biết sâu rộng về Trăng đen Lilith, Melanie Reinhardt chú trọng đến Chiron, và Michael Lutin là người lão luyện về Long Thủ/Long Vĩ. Đây đều là các chiêm tinh gia xuất sắc mà ngoài những khía cạnh chuyên môn của mình, họ vẫn nhận ra tầm quan trọng của việc diễn giải bản đồ sao một cách đồng vận. Vấn đề ở đây không phải là những yếu tố đơn lẻ có tầm quan trọng hay không, mà ở chừng mực nào thì việc tập trung vào chúng có thể trở thành sự thay thế ít âu lo cho những sự vụ khó khăn hơn khi phân tích bản đồ sao. Là một xu hướng diễn giải, Cận thị chiêm tinh có thể đơn giản là một cách để chế ngự sự âu lo không thể tránh khỏi khi phân tích tổng thể một bản đồ sao. Hãy đối mặt với điều này. Chiêm tinh rất khó. Nếu bạn không sở hữu khả năng tư duy biểu tượng, trừu tượng và khả năng kết hợp đồng thời một khối lượng lớn dữ liệu để tạo thành những tổng thể mạch lạc và dễ hiểu, bạn nên cân nhắc đến một lĩnh vực ít đòi hỏi đến điều đó hơn.
Trái ngược với cách tiếp cận đồng vận, Chiêm tinh cận thị có tính giản lược hóa. Những tổng thể được giản lược thành từng phần, rồi sau đó được gán cho một tầm quan trọng viễn vông đã cường điệu hóa, như thể chúng là những nhân tố quyết định trong cuộc sống và tính cách của một cá nhân. Tất nhiên, ví dụ điển hình nhất của Chiêm tinh cận thị chính là tử vi cung Mặt trời. Sự phức tạp của một cá nhân bị phá vỡ thành một cung hoàng đạo đơn lẻ. Anh ta/cô ta là một Bạch Dương, hoặc một Kim Ngưu, hoặc một Song Tử. Trên nền tảng này, mọi lời khuyên các kiểu được đưa ra về độ ăn ý trong các mối quan hệ, thiên hướng nghề nghiệp, tính cách, vấn đề sức khỏe,… Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng cung hoàng đạo không phải con người; chúng là những khía cạnh của con người.
Tử vi cung Mặt trời cũng giống như kiểu hành nghề y chỉ tập trung vào tình trạng của duy nhất một cơ quan, ví dụ như gan, như thể các bộ phận khác không liên quan đến sức khỏe của bệnh nhân. Bạn có thể tưởng tượng đến cảnh bạn đến bác sĩ để kiểm tra tổng thể và ông ta chẩn bệnh một cách tỉnh khô, “Xem nào, cậu là một Lá Gan, Gan có khả năng loại bỏ chất thải và tiết mật, đó là lí do tại sao cậu sẽ không bao giờ là một tiêu điểm với người khác giới, nhưng cậu sẽ là một kĩ sư vệ sinh rất cừ đấy.”
Thở dài.
Tôi không có ý định dè bỉu tử vi cung Mặt trời. Nó có vị thế riêng. Vấn đề là tử vi cung Mặt trời đơn thuần là một ví dụ của Chiêm tinh cận thị. Chúng ta cũng có thể nói về cặp Long Thủ-Long Vĩ, Chiron hoặc bất cứ một yếu tố nào mà chiêm tinh gia nhìn vào với góc nhìn phiến diện.
Công bằng mà nói, cận thị trong chiêm tinh có lẽ là điều không thể tránh khỏi trong những giai đoạn đầu khi một người phát triển thành chiêm tinh gia. Trước khi học cách kết hợp từng phần thành những đơn vị ý nghĩa phức tạp hơn, chúng ta thường có khuynh hướng coi những đặc điểm nổi bật trong tính cách của một người là sản phẩm của những yếu tổ đơn lẻ. Tuy nhiên, sự thiển cận trong cách diễn giải này không chỉ giới hạn ở các chiêm tinh gia mới vào nghề. Đối với nhiều người trong chúng ta, vẫn tồn tại lý do đơn giản rằng việc học cách diễn giải bản đồ sao như một tổng thể phức tạp và tương thuộc là một điều vô cùng khó khăn.
Yếu tố quan trọng nhất trong bất kì bản đồ sao nào cũng là mối quan hệ mạnh mẽ giữa các thành phần của nó. Các hành tinh trong cung, nhà và các góc hợp biểu tượng cho vô số động lực, chức năng, khúc mắc và các cơ chế tự vệ cùng kết hợp để tạo ra một phẩm chất nổi bật hơn được gọi là tính cách. Đặc tính này không được gói gọn bởi một thành phần đơn lẻ nào trong bản đồ sao – không phải là điểm mọc, Mặt trời hay Mặt trăng – mà nó nổi trội lên theo cái cách bản đồ sao đó được phân bố, được sống, và được thống nhất một cách trọn vẹn.
Theo tôi, nguyên tắc này được áp dụng cho mọi ý nghĩa có tầm quan trọng thật sự trong bản đồ sao. Không điều gì quan trọng lại được gói gọn chỉ trong một yếu tố đơn lẻ, đúng hơn, nó nổi lên từ sự tương tác của hai hoặc nhiều thành phần trong bản đồ sao. Quá trình tương tác và kết hợp này chính là thứ tạo nên tính riêng biệt của mỗi chúng ta. Nó cũng là thứ khiến việc dự đoán các cá nhân chỉ mang tính tương đối.
Sau ba mươi năm hoạt động trong lĩnh vực này, tôi ngày càng nhận thức được rằng hành vi con người phần lớn là không xác định được – nghĩa là không thể xác định trước bằng các yếu tố bên ngoài (tức các hành tinh). Chính sự tự do chọn lựa của chúng ta và khả năng quy nạp những thành phần ra cách vận hành tổng thể, sau rốt, mới định rõ ta là ai. Tương tự, một chiêm tinh gia có thể kết hợp càng nhiều khía cạnh trong một bản đồ sao thành một câu chuyện mạch lạc và đa tầng bao nhiêu, anh ta càng tiến gần đến việc thấu hiểu bản chất thực sự của người đó bấy nhiêu. Việc đọc một bản đồ sao giống như xếp những miếng ghép lại với nhau trong một bức xếp hình lớn và phức tạp. Chiêm tinh vẫn khó khăn ngay cả khi nó mang tính đùa vui và toàn mãn về mặt mỹ học.
Một cách mà các chiêm tinh gia lạc lối sử dụng để cố gắng chế ngự cảm giác lo lắng về tính phức tạp là tiếp tục thêm thắt nhiều yếu tố đơn lẻ hơn vào bản đồ sao. Điều này giống như xếp thêm những mảnh ghép thừa vào bức xếp hình mà không thực sự gắn chúng lại với nhau. Nếu có điều gì đó về một người mà không thể giải thích được thông qua cách tiếp cận cận thị, thì đơn giản là cứ thêm vào nhiều thứ hơn – nhiều tiểu hành tinh hơn, nhiều sao cố định hơn, nhiều trung điểm hơn, hành tinh ảo, điểm Ả Rập, Nhân Mã, chí điểm, vô tận như thế. Tất nhiên, nếu bạn nạp tất cả mọi thứ, cái sau cùng bạn nhận lại được là một đốm đen của không gì, bởi sẽ chẳng còn chỗ để phân biệt yếu tố này với yếu tố kia, huống chi đến việc tổng hợp chúng.
Cách tiếp cận trực quan (truyền thống), nhưng cũng khá thiển cận, là giản lược bản đồ sao cho càng ít các thành phần càng tốt–bỏ qua các hành tinh vòng ngoài, Chiron, Long Thủ/Long Vĩ, tiểu hành tinh và bất cứ thứ nào làm xáo trộn bản đồ sao–rồi kết nối vài phần còn lại vào với nhau theo những quy tắc cố định có thể loại bỏ mọi mơ hồ khả dĩ. Một lần nữa, lối tiếp cận này đảm bảo rằng bạn không cần phải suy nghĩ quá nhiều cho bản thân; tính đơn giản và chính xác của hình mẫu này sẽ làm điều đó. Tôi gọi cái này là Chiêm tinh theo Chủ nghĩa Về nguồn. Có phải chủ tinh nhà 7 của bạn ở trong nhà 6 không? Đơn giản thôi; bạn sẽ kết hôn với một người hầu. Chủ tinh nhà 7 của bạn là sao Hỏa? Sau khi kết hôn với người hầu đó, anh ta sẽ giết chết bạn. Sao Hỏa ở Song Ngư à? Anh ta sẽ tấn công bạn bằng thuốc độc. Đơn giản. Rõ ràng. Bậy bạ (hẳn thế).
Bất cứ ai xem chiêm tinh đủ lâu sẽ nhận ra rằng kiểu tư duy theo công thức, cứng nhắc này sẽ giản lược bản đồ sao (và chủ thể bản đồ sao) thành một lối biểu hiện đơn nhất, như thể chỉ có duy một cách để diễn giải bản đồ sao. Đây là một ví dụ mà triết gia nổi tiếng Alfred North Whitehead gọi là “sự sai lạc của tính cụ thể bị đặt không đúng chỗ”, nghĩa là việc nhầm lẫn một điều cụ thể (sự kiện) với tính trừu tượng trong ý nghĩa mà nó minh họa. Nói cách khác, một cấu trúc chiêm tinh không hẳn là hệ quả của một quá trình, mà nó đúng hơn là một quá trình biểu hiện ra trong vô số sự kiện khác nhau tùy thuộc vào tổng thể bản đồ sao và, quan trọng hơn, mức độ hợp nhất của bản đồ sao đó.
Sự sai lạc của tính cụ thể đặt không đúng chỗ xảy ra mỗi khi chúng ta kết luận một hệ quả đơn lẻ như là ý nghĩa của một cấu trúc chiêm tinh. Nếu chủ tinh nhà 7 của bạn là sao Hỏa Song Ngư ở nhà 6, bạn có thể cưới một người hầu nóng nảy có thể đầu độc bạn, nhưng đó chỉ là một trong rất nhiều khả năng (may mắn thay!). Diễn viên Denzel Washington có cấu trúc này. Dựa vào tiểu sử của ông, ông kết hôn với một người phụ nữ hơn 30 năm nay, họ có bốn người con, và dĩ nhiên ông ta chưa bị đầu độc. Theo tất cả các báo cáo, bà ấy vẫn là một người bạn đồng hành nhiệt huyết và là nguồn động viên, cảm hứng cho công việc của ông ta–một ý nghĩa khác của sao Hỏa Song Ngư ở nhà 6.
Những quy tắc chính xác để dự đoán những hệ quả cụ thể có thể xoa dịu nỗi lo lắng của bạn với tư cách là các chiêm tinh gia, nhưng chúng không khiến bạn trở thành những chiêm tinh gia giỏi. Việc thu hẹp kinh nghiệm và co cụm các ý nghĩa, vốn là đặc trưng trong phương pháp diễn giải của các chiêm tinh gia cổ đại, có thể được lý giải bởi sự vô tri của họ về chiều kích nội tâm, tâm lý con người. Sự chắc chắn trong dự đoán từng có một vị trí rất cao trong một thế giới hiểm nguy không có nhiều sự chọn lựa.
Tuy nhiên, với chiêm tinh truyền thống, mang tính định hướng sự kiện, việc cừ nhất mà bạn có thể làm được là nói đúng. Để có thể thực sự hữu ích, chúng ta phải có sự khoan dung với mơ hồ và với thứ mà nhà thơ John Keats gọi là “khả năng khước từ”. Đây là khả năng ở trong trạng thái không chắc chắn mà không cảm thấy áp lực thái quá trước việc phải đưa ra một giải pháp lí trí vội vã. Nếu một người có khả năng khước từ, bí ẩn và nghi ngờ sẽ được tôn vinh như những khía cạnh cần thiết cho việc tra cứu. Sẽ có chỗ cho những ý nghĩa trỗi dậy từ sâu xa trong việc tương tác với khách hàng một cách có căn cứ. Thay vì tìm kiếm trong lo lắng một cách diễn giải đặc biệt, cụ thể, chiêm tinh gia nên chấp nhận rằng các nguyên mẫu hành tinh có thể tương tác, kết hợp và thể hiện theo vô vàn cách sáng tạo khác nhau mà vẫn giữ được đúng bản chất cốt lõi của mình. Quan điểm này cho rằng hành vi của con người có thể đoán trước được về khuôn mẫu, nhưng không thể xác định được về cụ thể.
Tất nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta nên bác bỏ những quy tắc diễn giải theo công thức rõ ràng và chính xác. Nó có nghĩa là chúng ta không nên co cụm vùng ý nghĩa mà những quy tắc đó cho phép một cách võ đoán. Ở những mục tiếp theo, chúng ta sẽ thảo luận làm thế nào một sự thấu hiểu rõ ràng cấu trúc ngữ pháp và cú pháp của ngôn ngữ chiêm tinh có thể xoa dịu nỗi lo kèm theo sự thừa nhận tính phức tạp và vô định cố hữu của một bản đồ sao.
Trong khi đó,
Để là tốt nhất,
Hãy buông cây.
Ôm lấy rừng
Trong tất cả điều bí ẩn của nó!
__
Glenn Perry là chiêm tinh gia chuyên nghiệp từ năm 1975 và là nhà tâm thần học đủ tiêu chuẩn hành nghề từ năm 1979. Bổ trợ công việc của ông là bằng Tiến sĩ về nghiên cứu nhận thức và bằng Thạc sĩ về Trị liệu Hôn nhân & Gia đình. Ông là thành viên giữ vai trò quan trọng trong nhiều Hiệp hội Chiêm tinh và Tâm lý. Năm 2012 ông sáng lập Học viên Chiêm tinh-Tâm lý và tiếp tục điều hành Học viện cho đến nay. Hiện tại (2017), ông đã xuất bản được 8 đầu sách về chiêm tinh: An Introduction to AstroPsychology, Mapping the Landscape of the Soul, Stealing Fire from the Gods, From Royalty to Revolution, The Shadow in the Horoscope, Issues & Ethics in the Profession of Astrology, Depth Analysis of the Natal Chart, và From Ancient to Postmodern Astrology.
Bạn đọc có thể tìm hiểu nhiều hơn trên website của ông: aaperry.com
__
Dịch từ AstroMyopia: Missing the Forest for the Tree với sự đồng ý của tác giả.
© Glenn Perry
Ảnh: Chvrches. Ảnh bìa album Every Eye Open.