Vì sao chiêm tinh hiệu quả
29/07/2017
Vì sao chiêm tinh hiệu quả | Why Astrology Works - Brad Kochunas
Gần đây tôi mới đọc được hai bài viết xuất sắc đến ngạc nhiên của giáo sư Ivan Kelly, người hiện đang giảng dạy tại Khoa Tâm lý học Giáo dục, trường Đại học Saskatchewan, được đăng trên Psychological Reports (Bản tin Tâm lý học) – một tạp chí có tiếng trong lĩnh vực tâm lý học chuyên nghiệp.¹ Trong đó, Kelly đã bóc tách chiêm tinh học hiện đại bằng sự tự tin của một học giả dày dặn kinh nghiệm, tôi cho rằng ông đã làm điều ấy khá khôn khéo. Ông đã dẫn ra hàng loạt câu nói của các chiêm tinh gia và, theo tôi, chắc chắn tạo nên những cuộc tranh luận khó có thể phản biện được bởi những người thực hành và tin vào chiêm tinh như một môn học thật sự có thể miêu tả và dự đoán chính xác tính cách con người. Tôi phải thừa nhận rằng cố gắng phản bác lại từng luận điểm một của ông ấy là một điều ngu ngốc. Ông ấy đã nắm thóp được chúng ta; trò chơi đến đây là kết thúc với một chiêm tinh học được nhìn nhận dưới hình thức môn học thực nghiệm. Tôi tha thiết đề nghị tất cả những người học chiêm tinh và tin tưởng vào chiêm tinh, hãy đọc và suy ngẫm những gì Kelly nhận xét về môn học cổ xưa này. Tiếp theo đây là một hồi đáp hoa mỹ trước quan điểm của Kelly.
Trong nhiều năm trở lại đây, tôi đã truyền bá quan điểm rằng chiêm tinh có quan hệ mật thiết với truyền thuyết và tôn giáo hơn là phương pháp khoa học, gần gũi với kịch và thơ hơn các tiên đề và định lý, đồng thời giàu tính sáng tạo hơn các bằng chứng thực nghiệm.² Kelly đặt tên cho bài viết năm 1998 của mình là “Lý do chiêm tinh học không hiệu quả”, trong đó, ông nói rằng chiêm tinh không cung cấp “thông tin mới và xác đáng về con người, những thông tin không thể gặt hái được thông các học thuyết cạnh tranh với nó” (tr.528). Thêm vào đó, ông nhận xét rằng các tuyên bố của chiêm tinh học chưa được kiểm nghiệm một cách bài bản, lớp lang. Tôi biết đủ về nghiên cứu để nói rằng mình không hề có kinh nghiệm gì trên lĩnh vực này, nên tôi không thể hoàn toàn đồng ý hay phản đối ý kiến của Kelly, dù tôi ngờ rằng ông ấy đúng. Ý thức được rằng “hiệu quả” là một từ mang nghĩa rộng, ông ấy viết rằng chiêm tinh học đúng vì “sự hài lòng của những người tìm đến buổi tư vấn chiêm tinh cũng giống như sự hài lòng của những người tìm đến nhà ngoại cảm, đọc chỉ tay hoặc xem nhân tướng” (tr.528). Tôi xin được thêm, nó cũng giống như sự hài lòng của người tìm đến nhà trị liệu, chuyên gia tâm lý và người tạo kiểu tóc. Kelly thừa nhận ngay từ đầu bài viết rằng các luận điểm của ông không ảnh hưởng lắm đến sự quan tâm về chiêm tinh của những người khác. Ông tin rằng các chiêm tinh gia không có khả năng, không sẵn lòng, và hiếm có thể tư duy phản biện về môn học mà họ đã đầu tư quá nhiều thời gian và công sức vào.
Giá trị của Thần thoại
Chiêm tinh hiệu quả, không phải bởi giá trị thực tế (cái đúng đắn hiểu theo nghĩa đen) mà nhờ giá trị hữu hiệu của nó (tính hữu dụng của nó trong việc mang lại một khái niệm mỹ học toàn mãn). Câu hỏi then chốt là: nó có đúng với trải nghiệm của người đặt câu hỏi không? Nó có thể giúp cuộc sống của chúng ta trở nên giá trị, sâu sắc, phong phú và/hoặc ý nghĩa hơn không? Chiêm tinh học vận hành theo cùng một lối với các vở kịch, lời ca, câu chuyện hoặc các trải nghiệm thiêng liêng. Ai trong chúng ta chưa từng bị lay động trái tim bởi màn diễn trên sân, được nuôi dưỡng bởi thơ ca, mê muội bởi tuyệt phẩm âm nhạc, choáng ngợp trước nghệ thuật, hay mê hoặc bởi nghi thức tôn giáo? Nói những chiêm nghiệm này không có giá trị vì chúng không tuân theo những kiểm tra thực nghiệm hoặc vì chúng không chứng minh được một sự thực bình phàm nào đó chỉ là luận điệu sai lầm. Nhà tâm lý học Rollo May khi viết về thất bại của khoa học trong việc ý thức rằng chiêm tinh học có nền tảng khác với nó, đã chỉ ra chiêm tinh học “là thần thoại và cần đến ngôn ngữ thần thoại. Nó chứa đựng cả hạn chế và tác dụng tích cực của các câu chuyện thần thoại.” Từ “thần thoại” được dùng ở đây không phải để ám chỉ sự bịa đặt (chắc hẳn là cách hiểu phổ biến) mà nhắc tới một khía cạnh của trải nghiệm con người, trong đó, giá trị, vai trò và ý nghĩa cùng tồn tại. Ông còn viết thêm rằng thần thoại “đóng vai trò quan trọng trong quá trình nuôi sống tâm hồn chúng ta, đem tới cho chúng ta những ý nghĩa mới lạ trong một thế giới khắc nghiệt và đa phần là vô nghĩa này.”³
Robert Carroll, giáo sư triết học, đồng thời là một nhà phê bình chiêm tinh học đã nhận xét về quan điểm của tôi trong quyển sách trực tuyến The Skeptic’s Dictionary (Từ điển của kẻ Bảo thủ), rằng thông điệp tôi truyền tải “có vẻ rất đơn giản và trực tiếp: Nếu bạn tìm được khách hàng hài lòng, bạn đã có được một câu chuyện thần thoại có căn cứ.”4 Tôi tin rằng điều này đúng, bởi nếu một người nói về chiêm tinh học, quan niệm Dân chủ, tư tưởng của Thiên Chúa giáo hay các thuyết đi vào bản chất con người, vũ trụ hoặc tiến hóa, nếu có cá nhân hay tổ chức nào bị thuyết phục bởi tính đúng đắn của quan điểm đó, thì dù thông qua nghiên cứu, hoa ngôn hay trải nghiệm, đều có thể kết luận phương pháp mà họ sử dụng là hiệu quả.
Ở kỉ nguyên của sự chuyên môn hoá trong các lĩnh vực và thứ bậc của các chuyên gia, mọi người khó mà trân trọng quan điểm chủ quan của họ trước cơn bão lệnh khách quan đến từ ngành khoa học của văn minh. Chúng ta thường tìm đến chuyên gia để xin giải pháp và được dạy làm quen với việc nghi ngờ trải nghiệm của chính mình. Tôi ngờ rằng một trong các dấu ấn cho thấy chúng ta đang tiến vào kì hoạt động của Kỷ-Bảo-Bình chính là sự phân bổ đang gia tăng của sức mạnh và quyền lực, đến mức quần chúng trở thành chuyên gia của chính họ. Chúng ta đã bắt được bóng dáng điều này trong xu hướng ngày càng phổ biến của bệnh nhân thông thái, tự chăm sóc bản thân và toàn bộ các ngành y dược khác. Đây là bước ngoặt hướng tới sự tuyệt đối hóa quyền điều khiển với chính cuộc đời mình. Thường thì các chuyên gia sẽ nhăn mày trước quan điểm này, nhưng sức mạnh nằm trong tính chủ quan của chúng ta có thể trở thành một thứ đáng gờm. Ivan Kelly trích lời nhà chiêm tinh học Maritha Pottenger (trong Kelly, 1998, tr.543):
“Để thay đổi quan điểm của tôi [về chiêm tinh học] cần tới bằng chứng đanh thép, không thể chối cãi chứng minh rằng chủ nghĩa duy vật mô tả chính xác về hiện thực, theo sau là bằng chứng cho thấy khoa học vật lý đã miêu tả đầy đủ tất cả lực và tương tác có thể trong thực tại vật chất, và không một lực nào trong số các lực đã nêu, cho phép chuyển động của các hành tinh ảnh hưởng đến con người trên Trái Đất.”
Câu nói này, như Kelly đã nhận xét, đưa ra luận điểm không thể xác nhận cũng như không thể gạt bỏ; tuy nhiên, tôi nghĩ rằng trọng tâm câu nói của Pottenger nằm ở việc bà ấy đang chỉ ra rằng tất cả trải nghiệm chủ quan mà bản thân bà có về tính hữu hiệu của chiêm tinh học không thể bị vô hiệu hóa, như việc người đọc không thể bị thuyết phục rằng ngay bây giờ đây, họ đang không đọc bài viết này. Đây là tiếng nói của niềm tin, không hướng tới giá trị thực nghiệm. Tương tự như việc mỗi ngày tôi đều trải qua khoảnh khắc mặt trời mọc và lặn, dù khoa học bảo tôi rằng điều đó không thực sự xảy ra. Cảm nhận của tôi về 60 độ Fahrenheit ngoài trời vào tháng một và tháng bảy hoàn toàn khác nhau, dù các nhà khoa học bảo tôi rằng nhiệt độ ngoài trời vẫn chỉ là 60 độ. Mặc dù tôi có thể chấp nhận trải nghiệm của mình là ảo giác, vì tôi đã được dạy phải tin vào bằng chứng thực nghiệm, nhưng không ai lại đi thuyết phục tôi rằng tôi đã không trải qua những gì mình đã trải qua.
Có phải chúng ta đang lừa phỉnh chính mình bằng cách suy xét mỹ học này với chiêm tinh và hoàng hôn không? Qua góc nhìn thực nghiệm thì, đúng thế, nhưng về mặt khoái cảm nghệ thuật thì, không hề. Chúng ta không tin nhà ảo thuật “thực sự” cưa người phụ nữ làm đôi hay khiến con voi biến mất nhưng chúng ta “giả sử” với bản thân rằng những gì đang xảy ra là thật. Chúng ta tìm thấy sự thoải mái trong dáng vẻ thanh nhã của những điều bí ẩn. Có lẽ đó là phận sự của chúng ta trong việc khai thác cái mà nhà thơ John Keats gọi là “Khả năng Khước từ”, khả năng thiên phú về việc “đương đầu thoải mái với những điều không chắc chắn, hoài nghi và bí ẩn mà không điên cuồng đuổi theo dữ kiện hay lý lẽ.”5
Bí ẩn, Ma thuật và Sự thật
Chiêm tinh là một dạng tưởng tượng, là các bài thơ thoát tục và tốt hơn nên được nhìn nhận bằng nhân văn chứ không phải khoa học. Chúng ta không tranh luận xem nghệ thuật và văn học đúng hay sai, chúng ta coi đó là phương tiện để truyền tải, khơi gợi hay hé mở sự thực, chiêm tinh học cũng tương tự như vậy. Nó hoạt động theo cùng kiểu với nghệ thuật vẽ chân dung – hé lộ, kêu gọi hay cung cấp cho ta một góc nhìn cụ thể với đối tượng hướng tới, và tương tự, lập một bản đồ sao cho phép các nhà chiêm tinh học phác họa sơ bộ về một con người, rồi dần dần xác định cụ thể thông qua cuộc đối thoại với họ.
Quả quyết của Kelly cho rằng chiêm tinh không thể cung cấp thông tin mới và xác đáng về con người, những thông tin không thể gặt hái được thông các học thuyết cạnh tranh với nó, dường như không đủ thuyết phục. Kelly có lẽ đang ám chỉ rằng các mẫu hình và phương pháp tâm lý đa dạng, trình bày chính xác hơn về tính cách con người. Nếu đúng vậy thật thì chắc hẳn ông ấy cũng sẽ không bao giờ công kích nghệ thuật vẽ chân dung và thay thế nó bằng nhiếp ảnh vì nhiếp ảnh phản ánh sự thực vật lý chính xác hơn. Chẳng còn chuyện gì nực cười hơn. Không, dù sau hàng thập kỉ chịu sự hạ bệ của khoa học chăng nữa, dường như chúng ta vẫn cần chiêm tinh, thần thoại và phép màu. Có những góc khuất ẩn trong tâm hồn chúng ta khát vọng những câu chuyện bí ẩn, khát vọng cuộc sống với những “úm ba la xì bùa”.
Đầu tiên, chiêm tinh gợi lên cho chúng ta sự tưởng tượng6 tuyệt vời khi có nơi chốn thuộc về và cảm giác trong vòng kết nối. Nó cho chúng ta một khung sườn để tưởng tượng về mối liên hệ mật thiết giữa bản thân và thế giới theo cách mà tâm lý học chính thống không định danh. Chiêm tinh hoạt động ở chiều kích truyện lồng truyện, trong đó, mỗi cá nhân là một phần của thể sống vũ trụ. Quan điểm sinh học này cho phép thể sống toàn diện và các bộ phận của nó giao tiếp với nhau theo cách vũ trụ tuyến tính vô tri không thể. Thứ hai, khách hàng tìm đến chiêm tinh thường được hình dung là dễ chữa trị hơn so với cách nhìn của các phương pháp lâm sàng truyền thống khác. Hệ thống biểu tượng chiêm tinh cho chúng ta ghé mắt vào thế giới phức tạp của tính cách con người và coi nhiều biểu hiện của con người là điều chấp nhận được. Tâm thần học chỉ là một nhãn mác, không hơn gì định nghĩa về một khía cạnh quá khích hay trúc trắc trong hoạt động tự nhiên. Thứ ba, vì con người được hợp thành từ một lượng hữu hạn các nguyên tố được sắp đặt theo cách có một không hai trong bản đồ sao, mỗi người đều có thể lưu giữ những tính cách đặc trưng của mình mà không cảm thấy bị tách biệt so với cộng đồng lớn hơn. Thứ tư, chiêm tinh đưa ra giả thuyết rằng tình huống của khách hàng không đơn thuần là kết quả của những quá trình ngẫu nhiên và hỗn loạn. Toàn bộ quan điểm chiêm tinh đều phản chiếu một thế giới trật tự và có khả năng được thấu hiểu. Điều này khiến khách hàng lấy lại được cảm giác kiểm soát cuộc sống, rằng quá trình phát triển của họ bao gồm những chao đảo không thể né tránh này như là một phần tạo nên cuộc sống. Vì, đôi khi cuộc sống trượt ngoài tầm kiểm soát của bạn không đồng nghĩa với việc bạn không thể kiểm soát được nó. Các yếu tố định hướng quyền năng hơn thỉnh thoảng trút sự tàn phá lên những kế hoạch của cái tôi, đề ra những thử thách đòi hỏi chúng ta phải duy trì sự mềm mỏng và linh hoạt của mình trước dòng đời vạn biến. Khả năng linh hoạt này là điều tất yếu cho sự sinh tồn của kẻ tương thích nhất, bởi vậy, những sinh vật biến đổi thông minh nhất để tương thích với môi trường không ngừng thay đổi xung quanh thường phát triển đầy sinh lực.
Vậy thì chúng ta bị rời bỏ ở đâu? Có lẽ khoa học đã phát triển vượt qua định nghĩa của nó như một hệ phương pháp và trở thành một hệ tư tưởng lớn mạnh, mê muội chúng ta chấp nhận rằng, bất kỳ niềm tin, sự việc, sự vật hay phương pháp nào, nếu như không đạt tiêu chuẩn sự thật của khoa học, thì tất cả những gì bất thường dưới con mắt kiểm nghiệm đó, đều ít có hoặc không có giá trị thực tế hay đóng góp cho sự sống. Tại sao mọi chuyện lại đến nước mà các vị quán quân lý trí cảm thấy cần thiết phải tấn công chiêm tinh? Theo ý kiến của tôi, ở khía cạnh nào đó, họ cũng cảm thấy bị đe dọa bởi điều mà họ xem là cuộc chuyển mình hướng tới sự mất trí của nền văn minh. Dường như nhiều nhà khoa học đang vô cùng lo ngại rằng có khả năng bản thân khoa học đang phải đối mặt với hồi cáo chung trong tương lai gần.7 Dễ dàng hiểu rằng, vì sự lo sợ này, những kẻ mộ điệu tư tưởng khoa học sẽ kí kết, họp bàn, lên đường và sẵn sàng nhắm bắn bất kì thứ gì không phù hợp với lãnh địa của họ. Khoa học đang chịu đựng một dạng ám ảnh bài ngoại, bác bỏ mọi thứ không sống trong quyền hành của nó.
Chiêm tinh học dưới tư cách là một Bộ môn Sáng tạo
Không nghi ngờ gì, các chiêm tinh gia đã tham gia vào cuộc tấn công chĩa mũi dùi vào họ bằng cách phục sức cho chiêm tinh như một môn khoa học, họ thường đưa ra tuyên bố thách thức mà nhìn qua thì có thể thực chứng bằng công thức nghiên cứu tiêu chuẩn, nhưng trên thực tế lại không qua được giai đoạn kiểm nghiệm. Chiêm tinh phải ngừng gò bó mình vào khuôn khổ quy luật thực nghiệm. Tôi khuyến khích các nhà chiêm tinh từ bỏ hi vọng về thực nghiệm và đưa quy luật của họ về nơi nó thuộc về, địa phận của tinh thần và sáng tạo. Chúng ta không đánh giá thi ca bằng tiêu chuẩn viết hợp đồng, cũng không miêu tả bản sonata của Beethoven dưới góc độ nhiễu âm trong môi trường khí. Đấy là những phương pháp sai để phân tích vấn đề. Chừng nào chiêm tinh học còn xếp mình vào hàng khoa học thì nó sẽ còn bị đánh giá một cách khoa học. Một nhánh kiến thức không nhất thiết phải mang tính khoa học để mang lại giá trị. Với nhiều nhà chiêm tinh, dường như chính vẻ đẹp thẩm mỹ của việc thực hành đã cuốn họ vào quy luật này. Kelly (1998) đã chỉ ra, “Qua môn chiêm tinh: Bài giảng, hội nghị và toàn bộ cuốn sách không được đánh giá bởi chứng cứ đã được kiểm nghiệm mà bởi vẻ đẹp và nội tại sâu sắc của biểu tượng” (tr.532). Tôi nghĩ rằng ông ấy đưa nó ra như một mặt hạn chế chứ không phải là một lời tán dương, nhưng đây lại là tuyên ngôn tuyệt vời công nhận giá trị nghệ thuật của chiêm tinh. Trong nền văn hóa này, chúng ta đã đánh mất rung cảm trước sức mạnh chữa trị vô cùng của cái đẹp và có thiên hướng ca ngợi sức mạnh của thuốc men. Chiêm tinh đơn giản là một cách tưởng tượng thế giới khác đi, một mô hình nhìn nhận khác của thực tế loài người. Được thực hành bằng trí tưởng tượng, chủ thể nó hướng tới là xây-dựng-tâm-hồn. Thế nên, nó có thể song hành cùng ngành tâm lý học nguyên mẫu mà không chút ngượng ngùng trong việc phủ nhận các phương pháp tiếp cận khoa học, thực nghiệm và ưa-nghiên-cứu đối với đối tượng nghiên cứu của nó.8
Với tư cách một nền văn hóa, chúng ta đã bị buộc phải chấp nhận góc nhìn về khoa học như phương pháp tối hậu, quyền năng tối thượng, phán quyết tối cao với trải nghiệm của con người, vậy nên việc đứng riêng rẽ với nó, và hoạt động bên lề của nó bị xem là ngu ngốc. Khi muốn loại bỏ hay hạ thấp một lĩnh vực trải nghiệm nào đó của con người, chúng ta gọi nó là thứ không khoa học hoặc chỉ là một môn đóng giả khoa học, chắc chắn rằng sau đó sẽ không ai nhìn nhận chủ đề ấy một cách nghiêm túc nữa. Chúng ta phải ngây thơ như thế nào để chấp nhận điều này vậy? Tôi coi mâu thuẫn là một trong các nguyên mẫu nền tảng. Thực nghiệm có thể thuộc góc nhìn của sao Thổ, trung thành với kỉ luật một cách cao độ, bố cục theo lề lối, kiểm soát chặt chẽ và luôn thực tế trong cách tiếp cận thế giới. Chiêm tinh học, bộ môn của tâm tưởng, dùng ngôn ngữ của sao Hải Vương, bằng những gợi ý, thầm thì, với ý nghĩa tinh tế, ám chỉ xa xôi, ẩn dụ giàu chất thơ, tất cả đều thể hiện một cách nhìn lãng mạn về thế giới. Có một nơi dành cho cả hai bên, và trên thực tế, dành cho nhiều hơn nữa; tất cả nguyên mẫu của các vị thần đều có chỗ đứng trong trải nghiệm của con người.
Sự tồn tại của chúng ta chứa đựng những bí ẩn sâu xa mà khoa học dường như không thể lý giải hợp lý, và nó cũng không cần làm vậy. Đó không phải là yêu cầu tất cả hay sau cùng của nhân loại. Cuối cùng, chúng ta không thấy bản thân mình nhiều lắm trong truyền thống tiếp nối của Kepler, Newton và Galileo, điều đã dẫn bước chân kẻ diễu hành vào con đường đến chủ nghĩa duy lý, thực nghiệm hay thực chứng, mà chúng ta nhìn thấy mình nhảy giữa bản hòa ca của nào Ficino, nào Paracelsus, nào Goethe, Blake và Emerson, và sát cánh cùng Keats, tuyên bố, “Tôi không chắc chắn về điều gì hơn niềm xúc động thiêng liêng trào dâng trong Trái Tim và sự chân thực của Trí Tưởng Tượng – Trí Tưởng Tượng hiểu thấu điều gì là Cái Đẹp thì đó chính là sự thật – dù nó có tồn tại trước đó hay không – vì suy nghĩ của tôi về Đam Mê của con người, cũng giống như suy nghĩ về Tình Yêu, chúng đều mang vẻ đẹp vượt ngưỡng, chứa đựng tinh thần sáng tạo trong Cái Đẹp ban sơ.”9 Còn nhiệm vụ nào hợp lý và cao quý hơn cho các chiêm tinh gia ngoài việc xoay trả cái đẹp về với thế giới!
Tôi tin rằng chúng ta đến với các chiêm tinh gia, không phải để tìm kiếm thông tin về sự tồn tại của bản thân mà vì chân lý của sự tồn tại đó. Như những người thu thập vỏ sò đi dọc bờ biển buổi sớm vào lúc thủy triều rút, chúng ta kiếm tìm một gợi ý từ chốn u minh mà từ đó chúng ta đã tới đây, khao khát đem đến trước mặt sự sống một manh mối về trật tự vĩ đại hơn để neo giữ bản thân lại nơi trần thế này, dù chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Quan điểm của tôi trong bài viết này là chuỗi lời tuyên bố của niềm tin, không tuân theo góc nhìn thực nghiệm. Con người thường nghĩ rằng họ biết tại sao họ tin vào những gì họ tin, nhưng tôi không nghĩ như vậy. Họ có thể đưa ra các lý do như, “nghiên cứu chỉ ra bản chất của vấn đề” hay “khoa học đã chứng minh thế này.” Tôi không biết tại sao mình tin vào những thứ mình đang tin, vì nó đến từ trái tim chứ không phải khối óc. Sau 25 năm thực hành chiêm tinh, niềm tin tôi đặt vào nó đọ sức với niềm tin của các học giả tán thành chủ nghĩa thực nghiệm đặt vào lý trí. Tôi có thể đưa ra những từ như thanh nhã, đẹp đẽ, bí ẩn, nhưng, để kết thúc, tôi chỉ có thể mượn lời Martin Luther, “Tôi đứng đây, không thể làm khác hơn được.”
Tài liệu trích dẫn và Ghi chú
1. I. W. Kelly, “Modern Astrology: A Critique,” Psychological Reports, 81, 1997, tr. 1035-1066; Kelly, “Why Astrology Doesn’t Work,” Psychological Reports, 82, 1998, tr. 527-546.
2. B. W. Kochunas, Cosmic Symbolism in the Era of Modernity, luận văn thạc sĩ chưa công bố, Miami University, Oxford, OH, 1985; Kochunas, “Reimagining Astrology,” The Astrotherapy Newsletter, Vol. 2, No. 2, tháng Tư 1989, (có thể tìm thấy tại Association for Astrological Psychology, 360 Quietwood Dr., San Raphael, CA 94903); Kochunas, “Returning Soul to Astrology,” The Mountain Astrologer, Aug./Sept. 1996, tr. 18, 20-22; J. R. Lewis, “Kochunas, Bradley Wayne,” The Astrology Encyclopedia, Detroit, MI: Visible Ink Press, 1994, tr. 319.
3. Rollo May, The Cry for Myth, New York, NY: Bantam Doubleday Dell Publishing Group, Inc., 1991, tr. 22, 20.
4. R. T. Carroll, “Astrotherapy”, The Skeptic’s Dictionary, 1994-1999 [Online].
Có thể truy cập tại: http://www.skepdic.com/astrotherapy.html
5. J. Keats, Selected letters of John Keats (R. Pack, ed.), New York, NY: New American Library, 1974, tr. 55.
6. Từ “tưởng tượng” được sử dụng để biểu thị những khối kiến thức đồ sộ chúng dùng để thấu hiểu thế giới. Những “dữ kiện thực tế” của một hoàn cảnh đơn giản chỉ là sự tưởng tượng được chúng ta chia sẻ với nhau và thoả thuận rằng đó là sự thật.
7. T. Schick, Jr., “The End of Science?” The Skeptical Inquirer, 1997/199. Có thể tìm thấy trên mạng.
8. C. Boer and P.Kugler, “Archetypal Psychology Is Mythical Realism” Spring, 1977, tr. 142.
9. Keats, Selected letters, tr. 52.
__
Brad Kochunas là một cố vấn lâm sàng đã được cấp phép hoạt động, ông dùng đến chiêm tinh trong công việc của mình với khách hàng đã hơn 15 năm. Ông cũng là trợ giảng tại khoa Tôn giáo và Triết học trường Wilmington. Nhiều bài viết của ông đã xuất hiện trên The Mountain Astrologer, Kosmos, The Astrological Journal, The International Astrologer, Counseling and Values, The Astrotherapy Newsletter, và The Counseling Connection. Mọi phản hồi của bạn đều được ông chào đón qua địa chỉ SoulPsych@aol.com.
__
Bản dịch của Phạm Bảo Ngọc.
Dịch từ “Why Astrology Works”, trong The Astrological Imagination: Where Psyche and Cosmos Meet, (iUniverse, 2008), dưới sự cho phép của tác giả.
Copyright © by Brad Kochunas | Bản dịch © Saturn Cafe
Ảnh: Malmö Konsthall. Bìa quyển Ögon-Blickar / New Media 1, Malmö Konsthall, 1975.