Trực giác không thôi thì chưa đủ
25/07/2017
Câu chuyện về Hai vị Tiến sĩ Phần 2: Phỏng vấn Liz Greene bởi Darrelyn Gunzburg
Liz Greene là giáo viên chiêm tinh đầu tiên của Patrick Curry vào giữa thập niên 70. Cả hai người đều có bằng Tiến sĩ từ rất sớm và theo đuổi những con đường khác nhau kể từ khi gặp mặt. Vào năm 2004 họ gặp lại nhau lần nữa và đã có điểm giao nhau lần này, khi cả hai đều cùng giảng dạy bộ môn Tâm lí học tại chương trình Thạc sĩ ở Đại học Bath Spa. Phong cách của hai vị tiến sĩ này trong chiêm tinh khác nhau ra sao, và họ đã đạt được nó như thế nào? Triết lý của họ trong chiêm tinh là gì? Và họ cho rằng chiêm tinh sẽ đi về đâu trong thập kỉ tới?
Chúng tôi đã hoàn thành buổi phỏng vấn này bao gồm phần hai với Liz Greene, một trong những tên tuổi lớn vào thế kỉ 20 cũng như vào thời điểm hiện tại. Những tác phẩm đầu tay của bà, Saturn (1976), Relating (1978) và The Astrology of Fate (1984) gần như đã tự thân định hình chiêm tinh tâm lý học hiện đại và trở thành tác phẩm di sản trọng yếu và đầy ý nghĩa, tiếp tục khám phá các thần thoại và trạng thái tâm lý dưới góc nhìn chiêm tinh học. Tôi phỏng vấn Liz tại nhà chị ở Bath vào 29 tháng 6 năm 2004. Các bạn có thể liên lạc với Liz tại www.astro.com
Liz, khi hồi tưởng lại thì cơ bản điều gì đã khiến chị chọn con đường này vậy?
Tôi thực sự không biết nữa. Chắc chắn sự thúc đẩy không tới từ gia đình tôi, bởi tuy ba mẹ tôi đọc nhiều sách, và nhà tôi có không biết bao nhiêu đầu sách, nhưng họ không liên quan đến lĩnh vực này. Tôi nghĩ một phần vì tôi muốn biết tại sao tôi nhận thức mọi thứ theo cách tôi nhìn nhận. Thư viện của ba mẹ tôi quả thực rất giá trị, bởi từ năm 12 tuổi tôi đã đọc được về Freud rồi. Tôi lôi cuốn The Interpretation of Dreams (Giải mã những Giấc mơ) trên giá sách ra và đọc, và tôi nhớ mình đã nghĩ thế này: “Mình đã đúng! Sau tất cả thì mình không hề điên rồ!”. Tôi là một người có những giấc mơ sống động, và bằng cách nào đó tôi luôn biết những giấc mơ vô cùng quan trọng. Việc khám phá ra khía cạnh vô thức này của con người và việc họ không thể nhận thức được hành vi và động lực của mình thực sự tác động đến nhau là những điều tôi luôn biết nhưng không bao giờ được nghe thấy. Vì thế, phần lớn lý do mang tôi đến con đường này là mong muốn tìm được những cuốn sách chứng thực được những nhận thức vốn không được xác nhận từ nhà trường, thầy cô và môi trường xung quanh. Nó thúc đẩy tôi từ bên trong, buộc tôi phải tìm kiếm sự thấu suốt thông qua những gì người khác viết, và điều này vô hình chung đã mở ra cho tôi một thế giới khác – thế giới tâm lí, thần thoại và những hiện tượng siêu nhiên; đó là những thứ tôi vô cùng thích thú khi còn bé. Tôi không nghĩ là có lúc tôi sẽ ngừng thích chúng, vậy nên đó chính là hướng phát triển rõ ràng nhất của tôi sau này.
Tôi rất may mắn vì ba mẹ tôi sở hữu những cuốn truyện thần thoại và cổ tích, mẹ tôi còn hay đọc cho tôi nghe những ngày tôi còn nhỏ. Dù họ từng phạm phải những sai lầm, nhưng họ đã đem đến cho tôi món quà tuyệt vời này, và tôi luôn biết ơn điều đó. Vì thế, tôi đã luôn có ý thức về “câu chuyện”, tôi từng viết lại những câu chuyện lâu nhất tôi có thể nhớ. Nhưng hơn thế, tôi nghĩ trong đầu tôi luôn chứa những “thứ” mà tôi không thể gọi tên, từ đó đặt ra một câu hỏi buộc tôi phải đi tìm một thứ ngôn ngữ có thể làm rõ và cho phép tôi có thể giao tiếp chúng. Vào năm tôi 11, 12 tuổi, tôi tin rằng con người đã đầu thai hoặc tái sinh. Tôi chắc chắn có những thứ như ma quỷ, sự cộng hưởng hay đại khái thế, tôi luôn cảm thấy cuộc sống ẩn giấu một mặt khác mà con người không để ý tới. Tôi đã vẽ – một cách khác để giải tỏa bản thân mình – và tôi đã tìm ra nhiều điều kì diệu của tự nhiên; đến giờ tôi vẫn vẽ đấy. Các nhà văn hay các tiểu thuyết gia đã và đang làm việc với chất liệu này kể từ khi con người biết viết tiểu thuyết, vì thế đây cũng không hẳn là trường phái tự do mới đâu. Tôi vô cùng thích Shakespear. Tôi yêu các vở kịch, và ở Shakespear luôn đầy ắp những định mệnh và cách con người ta va phải định mệnh của mình. Những bi kịch Hy Lạp cũng lôi cuốn tôi mạnh mẽ. Do đó, những ý tưởng kia đến từ những vùng khác hơn là liên quan đến trường phái tự do mới (New Age). Tôi đã nhận được rất nhiều điều từ văn học và nhạc kịch.
Dưới góc độ tôn giáo, đức tin nào đã nuôi dưỡng và hình thành con người chị?
Tôi không có niềm tin mạnh mẽ vào bất cứ dòng tôn giáo chính thống nào. Ba mẹ tôi đều tin vào Chúa; họ có những khuôn khổ về đạo đức và phẩm hạnh, nhưng không phải là theo chủ nghĩa khuôn khổ cứng rắn, vì thế về khoản này tôi khá được tự do.
Ba tôi là người Anh. Ông sinh ra ở London, ông đặt tên cho tôi theo tên của Nữ hoàng Anh lúc đó, vì những tội lỗi của tôi [cười]. Tôi sinh ra ở Mĩ, và khi chuyển đến Anh, tôi không có hộ chiếu của Anh, nhưng khi tôi làm thủ tục đăng kí, tôi đã được cấp ngay lập tức. Ông bà ngoại tôi là người Áo. Cả ba và mẹ tôi luôn mang theo bên mình những giá trị, hình ảnh, văn hoá ẩm thực và ngôn ngữ từ xuất xứ của họ. Ông bà tôi nói tiếng Đức, nhưng tôi lại có vấn đề với ngôn ngữ này: Tôi cảm thấy nó quá thô kệch. Tuy nhiên, tôi lại sở hữu tình yêu âm nhạc nhờ nó – tôi yêu Wagner và Strauss – do đó, có thể nói tôi lớn lên trong văn hóa châu Âu. Ở nhà ba mẹ tôi, nơi ông bà tôi sống được một thời gian ở đó, một bên tường treo ảnh Nữ hoàng Anh, còn một bên là ảnh của Hoàng đế Franz-Josef, bởi ông bà tôi luôn cảm thấy điều tồi tệ nhất của nước Áo chính là đã từ bỏ Hapsburgs. Vì thế, toàn bộ căn nhà chẳng có sức sống của người Mĩ đâu.
Ba tôi luôn hối hận vì đã rời nước Anh. Ông xuất thân trong một gia đình lớn, và họ rất nghèo. Anh trai ông tham gia vào Thế chiến thứ Nhất và hy sinh. Ba tôi luôn muốn trở thành kiến trúc sư; thực tế ông đã giành được học bổng của đại học London, nhưng ông nội tôi không đồng ý, ông nói cần ba làm việc, và họ đã không cho ba đi. Ba tôi nổi giận, ông xách hành lí lên đi sang một đất nước khác và không gặp lại gia đình nữa. Tình hình sau Chiến tranh khá tệ. Thất nghiệp mọi nơi. Ba tôi càng cảm thấy cay đắng bởi người anh trai ông yêu quý nhất đã ra đi, và tôi nghĩ mọi thứ chỉ đang đầu độc ông. Ông muốn có một cuộc sống mới và ông nghĩ đó là điều không thể ở London bởi gia đình ông đang ở đó. Tôi nghĩ ba tôi cho rằng một cách nào đó, một cuộc sống tuyệt vời hơn đang chờ đợi ông ở nước Mĩ, nhưng thực sự không phải thế. Nhưng vào lúc ấy, ba tôi cưới mẹ tôi, thế nên ông lưu lại nơi đó. Ông gặp mẹ tôi tại Mĩ. Cả hai đều bị cuốn vào vòng xoáy chính trị. Ba mẹ tôi đều là những Đảng viên Dân chủ đầy nhiệt huyết và tôn sùng Franklin D.Roosevelt hết lòng, và tôi nghĩ họ đã gặp nhau tại một sự kiện chính trị nào đó. Nhưng ba tôi không bao giờ bị “Mĩ hóa”. Ông ăn cá trích muối hun khói vào mỗi sáng và uống bia Guinness vào mỗi tối. Ông sống với một nội tâm sâu sắc và không có tài ăn nói, nhưng chúng tôi hiểu nhau. Chúng tôi không gần gũi nhau theo kiểu truyền thống, nhưng chúng tôi thật sự gắn bó với nhau theo cách khác.
Mẹ tôi rất sợ lĩnh vực siêu hình. Bà không bao giờ cấm tôi đọc những cuốn sách nói về nó, nhưng bà là một người rất hướng ngoại, và thế giới nội tâm khiến bà sợ hãi, vậy nên bà không muốn nói về nó. Ba tôi chẳng đề cập gì đến những gì trừu tượng, chỉ rất, rất lâu sau đó, sau khi ba tôi mất, tôi mới biết đây là thứ ông yêu thích trong suốt cuộc đời mình. Do đó, nhiều khả năng là tôi nhận được điều gì đó từ ông bằng sự thẩm thấu, bởi thật sự ông không bao giờ nói về nó. Rào cản không đến từ gia đình tôi, mà đến từ nhà trường. Tôi chỉ có một người em trai, Richard Leigh, một nhà văn cũng nghiên cứu trong lĩnh vực siêu hình. Chúng tôi đều là những Quả trứng chim cu (cuckoo’s eggs), như Bernadette Brady đã gọi. Cả Rich và tôi đều có những khoảng thời gian khó khăn ở trường. Tôi không biết trường học của Mĩ giờ ra sao, vì thế tôi chỉ có thể bình luận về thời đó. Hệ thống quản lí trường học thời đó luôn bị ám ảnh bởi khái niệm “bình thường”, và đó có nghĩa là hướng ngoại: Bạn phải ra ngoài, tham gia vào một đội chơi nào đó để chơi khúc côn cầu và bóng đá. Hai chị em tôi đều có IQ vượt trội. Chúng tôi đều hướng nội và khá kì lạ, bởi tôi thích đọc sách, vẽ tranh hoặc trồng cây thay vì chơi khúc côn cầu (và như thế bị coi là “antisocial”). Chúng tôi được gán cái tên “TMA”, không phải là The Mountain Astrology đâu nhé, mà là “Có quá nhiều năng khiếu” (Too many Aptitudes). Chúng tôi bị coi là nguy hiểm, bởi chúng tôi quá tài năng trong quá nhiều lĩnh vực. Vì thế, có rất nhiều những nỗ lực hòng “chỉnh đốn” chúng tôi, để chúng tôi trở thành những đứa trẻ Mĩ bình thường, vui vẻ. May mắn thay, đó là những ngày trước khi phải sử dụng Ritalin (thuốc kích thích chữa chứng ngủ rũ), nếu không thì tình hình của chúng tôi chắc chắn phải có sự can thiệp của y học. Chúng tôi đủ cứng rắn để nói với các bác sĩ tâm lí trong trường và các nhà tư vấn rằng chúng tôi biết giải tỏa nơi đâu, do đó chúng tôi vẫn ngoan cố là chính mình. Đó là chính là nước Mĩ của McCarthy, nơi chúng tôi lớn lên. Đó là một môi trường không được tốt lắm.
Không hề tốt một chút nào. Liệu chị có nhìn thấy điều gì tích cực từ nó không, ngoài sự cứng rắn và mạnh mẽ để nói không như thế?
Có một điều tôi nghĩ mình có được khi lớn lên tại Mĩ, mà có thể tôi sẽ không nhận được khi tôi lớn lên ở Anh, đó là sự vắng mặt của hệ thống lớp học. Tôi thật sự biết ơn bởi mình không phải chịu đựng về mặt tâm lí sự chuyên quyền và nặng nề của hệ thống cấp bậc trong xã hội nước Anh, bởi tôi từng chứng kiến nó là nỗi khiếp đảm của rất nhiều người. Tất cả những gì xảy ra gần đây chính là hệ thống lớp học đã tự nó thay đổi trật tự, nghĩa là các lớp học cấp cao mới sẽ sử dụng giọng địa phương, còn các lớp học cấp thấp sử dụng tiếng Anh Oxford. Hệ thống cấp bậc đã ăn sâu ở đây. Lớn lên ở nước Mĩ bạn sẽ không trải qua điều đó; bạn lớn lên với niềm tin rằng những gì bạn suy nghĩ về bản thân sẽ là thứ bạn trở thành sau này; và vì thế tôi vô cùng biết ơn điều đó.
Tôi còn được hưởng một nền giáo dục tốt. Tôi bắt đầu với ngành chính là Văn học Anh, nhưng tôi bị bắt buộc, đó là lựa chọn của ba mẹ tôi. Lựa chọn của tôi là vào trường nghệ thuật. Trời cho tôi một khả năng hội họa khá bình thường, nhưng khả năng bình thường đó lại được đánh giá là một tài năng lớn trong thị trấn nhỏ [cười]. Dù sao thì, tôi đã nghĩ mình muốn trở thành một nghệ sĩ, và tôi có thể thiết kế tốt một vài thứ, nhưng tôi không được phép. Đồng thời, tôi giành được học bổng bởi cơ bản tôi đã chọn ngành Văn học Anh là ngành học chính. Một tháng sau tôi không thể chịu nổi nữa, và tôi đã chuyển sang khoa Nghệ thuật Sân khấu với ngành học chính là Dàn dựng phông nền và Thiết kế trang phục, và ngành học phụ là Tâm lí. Đó mới là điều tôi thích! Một thời gian sau, thấy môn Tâm lí ngày càng thú vị, tôi lại chuyển sang đó. Nhưng về cơ bản, tôi vẫn yêu thích mỹ thuật.
Ở một góc độ nào đó, việc ba chị không thể theo đuổi ngành kiến trúc gần như đã tự nó bộc lộ – dù là ý thức hay vô thức – thông qua việc học Dàn dựng cảnh và Thiết kế trang phục của chị.
Ai cũng có một tài năng nào đó. Điều đáng buồn là nhiều người chẳng bao giờ khám phá chúng. Họ không biết phải nhìn nơi đâu, hoặc họ không nhận được sự khuyến khích. Nếu cô có được sự động viên từ ba mẹ, thì sau khi tìm ra tài năng của mình cô sẽ theo đuổi chúng. Có điều tôi nghĩ, tài năng có tính chất di truyền. Tôi nghĩ một khả năng thiết kế, hoặc làm vườn, hoặc nấu ăn, hoặc quan hệ, hoặc hội họa, hoặc âm nhạc có thể được nhìn thấy trong bản đồ sao giống như các dấu hiệu được gia đình truyền lại: Tất cả phụ nữ trong gia đình đều có góc hợp Mặt Trăng-Thiên Vương, hoặc tất cả đàn ông trong gia đình đều có Hải Vương tạo góc 120 với sao Hỏa, hoặc bất cứ thứ gì đại loại thế. Đó là tài năng. Chúng là những dấu hiệu của một năng khiếu hoặc một khả năng mà, nếu được phát triển, sẽ làm nên một điều gì đó.
Chị đã bao giờ nhìn thấy điều đó được phản ánh trong bản đồ sao của ba chị hay của mình không?
Một mặt nào đó thì có. Tôi chắc chắn mình được thừa hưởng khả năng vẽ vời và thiết kế từ ba mình, vì thế tôi không thể nói khả năng đó là “của tôi”. Chúng ta luôn nhận được những thứ đó như là những món quà miễn phí. Nếu bạn biết cách phát triển chúng, nó sẽ rất tuyệt vời. Nếu bạn không thể, dù cho đó là một khả năng bình thường đi chăng nữa, ít nhất bạn cũng có sở thích cho riêng mình. Tôi chắc chắn là việc tôi thích mỹ thuật cũng là do ảnh hưởng từ ba mình.
Tôi nhớ chị từng nói với tôi, nhiều năm trước, rằng chị có bằng tiến sĩ, do đó chị có thể nói vài thứ chị muốn nói mà không cần phải hỏi.
Ồ, lúc đó tôi thật sự rất thích chiêm tinh, và việc học Tiến sĩ là một lựa chọn cẩn thận, được tính toán kỹ và khá giễu cợt: “Tôi chán ghét việc mọi người đối xử với tôi như người mất trí lắm rồi. Nếu tôi có mấy chữ đó trước tên mình [chữ Ph.D], họ sẽ phải nghĩ lại”. Tất nhiên, tôi cần phải kiềm chế bản thân lại và dùng những từ ngữ phù hợp với trường đại học. Sự khác biệt ở hiện tại chính là cô có thể học chương trình Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ tại Bath Spa và học những gì cô thích, và công khai rằng cô thích nó. Nhưng vào những ngày đó, cô không thể làm thế. Do đó, đây là một sự lựa chọn có tính toán.
Ý chị là chị không thích nó?
Tôi từng ghét nó. Tôi muốn học một khóa Tiến sĩ khác bây giờ, và có thể lắm. Tôi muốn làm Tiến sĩ tại Bath Spa, bởi tôi nghĩ sẽ rất thú vị đây. Nhưng việc lấy lại bằng Tiến sĩ cũng không được thoải mái lắm. Chủ đề đó thật sự làm tôi hứng thú. Luận án trước của tôi là về “Rối loạn phân ly, Thôi miên và Những cách chữa bệnh mang màu tôn giáo”, và tôi vẫn vô cùng yêu thích chúng – cái cách con người trải nghiệm các phương pháp chữa lành tuyệt vời từ những chứng bệnh cần được nghiên cứu, và phương pháp chữa bệnh mang đặc tính của một tôn giáo cụ thể, một lời cầu nguyện hoặc một thánh tích nào đó. Tuy nhiên, việc chữa lành kiểu này dường như có mặt ở bất cứ nền tôn giáo nào, vì thế rõ ràng nó không có một cái tên tôn giáo cụ thể. Do đó, sự đột phá ở đây là gì? Đó là thứ tôi cố gắng khám phá trong luận án của mình, nhưng tôi không thể hoàn toàn đi vào địa hạt tưởng tượng được. Tôi buộc phải sử dụng phương pháp lâm sàng khắc nghiệt với nó, và điều này thật sự khó chịu.
Gượm đã, chị làm thế nào để tiến sâu hơn vào chiêm tinh, bởi tôi cho rằng thời gian ấy không có một lớp học hay một giáo trình chính thống nào?
Ồ, ở Anh có một vài khóa học – Khoa Nghiên cứu Chiêm tinh (Faculty of Astrological Studies) đã bắt đầu hình thành và mở lớp từ lúc đó. Ở Mĩ cũng có các chiêm tinh gia giảng dạy, nhưng họ là những cá nhân đơn lẻ; không có một trường chiêm tinh thực nào. Chỉ có những cuốn sách của Dane Rudhyar và Marc Edmund Jones, cũng như các chiêm tinh gia nước Anh như Alan Leo, Charles Carter và Magaret Hone. Có điều nơi cô có thể đi học chiêm tinh giống như các trường dạy vỡ lòng hơn là các trường chiêm tinh ta có hiện nay. Có điều gì đó khá bí mật, nặng tính bè phái và khắt khe, và họ luôn xuất hiện với vẻ ngoài mang tính tôn giáo. Cô phải là thành viên của một tổ chức thần bí, hoặc phải tin vào thuyết thần bí. Hồi đó tôi đang ở Boston, và ai đó đã dẫn tôi đi gặp Isabel Hickey, người đang tổ chức một lớp học nhỏ tại đó. Isabel là một người có lòng tin tuyệt đối vào thuyết Thần bí, bà ấy chìm đắm vào việc giảng dạy môn Thần bí, vì thế phong cách chiêm tinh của bà cũng mang màu sắc này. Bà yêu cầu học sinh của mình phải tin vào những đức tin đó, đây là một trong những lí do tại sao tôi không học ở đó lâu. Chúng tôi không rập mình vào khuôn như vậy, và đến cuối cùng, tôi không hoàn thành được kiến thức chiêm tinh nào từ bà ấy. Thay vào đó, bà ấy làm tôi phẫn nộ đến mức tôi vùng ra và đi mua tất cả những cuốn sách có thể để tự học. Bà ấy là một cú hích rất lớn của tôi. Sự tức giận đôi khi là một cách tốt để tiến lên. Rất nhiều người đã đi qua lớp học của Isabel. Howard Sasportas đã tham gia và Darby Castello cũng vậy. Chúng tôi chưa bao giờ gặp nhau ở đó, bởi chúng tôi học vào những thời điểm khác nhau. Nhưng chúng tôi đều đi qua cánh cổng của Isabel Hickey.
Nhận thức sau này khiến tôi cảm thấy vô cùng biết ơn cái cách mọi thứ diễn ra. Nếu tôi có loại năng lực được tìm thấy ở một guru, tôi đã trở thành một chiêm tinh gia theo thuyết Thần bí và là bản sao của Isabel rồi, và tôi sẽ không bao giờ phát triển được năng lực quan sát và thử nghiệm theo cách mà tôi đã làm. Tôi không còn biết giáo viên nào nữa, vì thế tôi đã tự mình khám phá và cứ như vậy cho đến khi đã quá muộn để tìm một giáo viên. Tôi bắt đầu việc giảng dạy chiêm tinh lúc 19 tuổi. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều đó. Tôi mới chỉ học được một vài năm trước khi lớp chiêm tinh ấy xuất hiện, mà giảng viên lớp học ấy thì biến mất tuốt bên kia chân trời. Bằng cách nào đó họ nghe nói tôi là một chiêm tinh gia, nhưng tôi không nhìn nhận mình là “một chiêm tinh gia” bao giờ. Lúc ấy tôi đang loạng choạng, cố gắng hiểu rõ thứ chiêm tinh mình đang học, và rồi những học trò kia đến, khoảng hơn chục người. Họ nói: “Chúng tôi nghe nói cô là giảng viên. Cô có thể đến và dạy chúng tôi được không?”. Lúc đó, sao Mộc đang đi qua Mặt Trời-Thiên Đỉnh của tôi, và tôi nhớ lúc đó mình đã nghĩ, “Đừng có ngốc. Mày chẳng biết gì đâu”. Tôi còn mang một mâu thuẫn sâu sắc về việc đứng nói trước một nhóm người. Nó luôn khiến tôi tê cứng vì sợ. Nhưng có điều gì đó bên trong bảo rằng, “Cứ yên lặng và làm đi”, vậy nên tôi đã im lặng và làm thế. Tôi nhận ra cũng khá vui, bởi tôi đã khám phá được những gì tôi biết từ những câu hỏi của học trò. Rất nhiều học viên mong chờ cái ngày họ sẵn sàng đọc bản đồ sao hoặc cảm thấy mình có đủ kiến thức để giảng dạy. Thực ra không có ngày nào như thế. Tôi nghĩ chúng ta luôn biết nhiều hơn chúng ta tưởng, và cần có một ai đó đặt câu hỏi, “Điều đó có nghĩa là gì?”. Nó khiến bạn phải đào sâu vào bên trong, và bất chợt nhận ra những thứ bạn từng biết đến nhưng chưa kết hợp chúng bao giờ. Cơ chế của việc dạy học thường được kích hoạt bằng việc một người nghĩ rằng bạn có điều gì đó để dạy cho họ.
Vậy, từ bao giờ chị quyết định rời khỏi nước Mĩ?
Tôi luôn muốn rời khỏi nước Mĩ. Hồi còn bé, tôi đã biết mình muốn đi khỏi đây. Tôi lớn lên trong một gia đình mang phong cách châu Âu, và tôi không hài lòng khi sống trong nền văn hóa của thế giới bên ngoài. Tôi nghĩ mình hợp với châu Âu hơn, nơi những người hướng nội không bị dè bỉu là không ăn nhập với xã hội, và những người trí thức không bị coi là nguy hiểm. Những gì tôi nhớ được chính là nước Mĩ không phải là nơi tôi thuộc về. Điều tôi nhìn thấy ở nước Mĩ trong thời điểm hiện tại chỉ là sự trỗi dậy của những gì tôi gặp phải những năm 50. Joe McCathy lại bao trùm mọi thứ, nhưng với những người thế thân khác. Hệ thống quản lí bây giờ chỉ đơn giản là đi theo vệt cũ mà thôi.
Đôi khi, tôi cảm thấy có hai kiểu nước Mĩ cùng tồn tại. Một là nước Mĩ thuộc Thanh giáo lúc nào cũng phải ẩn nấp chờ đợi cơ hội của mình, và một là nước Mĩ tự do, khoan dung, cởi mở và thông minh đang có xu hướng ngự trị ở những thành phố xô bồ – với một vùng nông thôn rộng lớn ở giữa. Kiểu nước Mĩ thứ hai đã giành được chỗ đứng cho riêng mình vào đầu những năm 60, dưới thời Kennedy. Tôi nghĩ thật đáng tiếc khi Bill Clinton bị quá nhiều gièm pha, bởi ông ta thực sự là một vị Tổng thống tốt. Tôi không quan tâm đến việc ông ta đưa “của quí” của mình vào đâu; chẳng có gì liên quan đến việc ông ta làm tốt công việc của mình như thế nào. Nhưng nước Mĩ được hình thành nên bởi người Thanh giáo, và có điều gì đó trong tâm lí chung khiến họ muốn họ quay lại với những giá trị xưa cũ đó. Ngay cả khi họ đang thất thế, họ vẫn luôn chờ đợi cơ hội của mình, và họ bầu cho Clinton. Bạn luôn luôn phải chiến đấu để giải phóng điều đó.
Chị có thể đưa ra một giải pháp nào không? Về mặt chiêm tinh hay gì đó khác chẳng hạn?
Tôi không biết nữa, ngoại trừ việc loại bỏ George Bush. Nhưng ông ta đã đắc cử. Dĩ nhiên có tranh cãi rằng ông ta không được bầu chọn nhưng khoảng một nửa dân số nước Mĩ đã bầu chọn cho ông ta rồi. Không hẳn ông ta là một kẻ độc tài chuyên làm lơ trước ước nguyện của dân chúng. Người dân bầu cử cho các nhà lãnh đạo của họ. Tất cả mọi người đều cằn nhằn về Tony Blair. Vậy đấy, chúng tôi đã bầu cho ông ta, ôi trời ơi. Một số thì hiểu biết nhiều hơn, nhưng đa phần thì không. Ông ta chiến thắng áp đảo. Tôi chuyển đến Thụy Sĩ ngay trước thềm bầu cử phổ thông, một phần vì tôi biết chuyện gì sắp diễn ra. Ai cũng tin rằng Blair là một đấng Messiah mới, người có thể đi trên mặt nước. Tôi nghĩ, “Cho sao một nửa thời gian Hải Vương đi qua Bảo Bình là ổn ngay”. Blair là một Niềm Hy Vọng Cao Cả – tất cả mọi người đều bị thuyết phục rằng họ sắp sửa có được một xã hội tuyệt vời và công bằng. Ồ, chẳng có cái gì công bằng hơn từ lúc ông ta đắc cử đến bây giờ, thực tế mọi thứ còn tồi tệ hơn. Dù con người có thiện ý thế nào đi nữa, thì một cá nhân đặc biệt hay phi thường cũng có tránh khỏi bị quyền lực làm mờ mắt, mà Tony Blair cũng không phi thường đến nỗi thế.
Tôi chẳng có giải pháp nào cho những vấn đề kiểu này. Có lẽ, các cuộc bầu cử tới của Mĩ và Anh cần phải có thêm một chút tỉnh táo, một chút nhận thức và mỗi cá nhân cần có trách nhiệm, có thế thì những thiệt hại mới được giải quyết. Tôi không biết liệu các ứng cử viên sáng giá có thể giải quyết được các thiệt hại hay không. Không phải thế hệ nào cũng có những nhà lãnh đạo chân chính thực sự. Dù sao thì việc dự đoán bầu cử không phải lĩnh vực chiêm tinh của tôi.
Chị viết cuốn Saturn (Sao Thổ) vào lúc sao Thổ của chị hồi vị phải không?
Không, nó được xuất bản vào lúc sao Thổ của hồi vị, chính xác vào thời điểm ấy luôn, nhưng tôi bắt đầu viết 18 tháng trước đó. Tất cả những gì tôi viết sẽ đáng giá hơn rất nhiều nếu tôi đang phải đấu tranh với nó hoặc không thấu hiểu trọn vẹn về nó. Vì nếu tôi dạy hoặc viết về chủ đề này, tôi buộc phải nghiên cứu và học hỏi, và điều đó giúp tôi thỏa mãn và nhiều động lực hơn là khi tôi viết về những thứ tôi biết rõ. Tôi đã viết Saturn với hy vọng mình sẽ hiểu hành tinh này hơn.
Tôi chưa bao giờ nỗ lực cho những thứ trông-như-là-mục-tiêu, trừ bằng tiến sĩ. Việc viết cuốn Saturn giống như kiểu “Mình nghĩ là mình sẽ thử, nó khá thú vị đây”. Và rồi đó là một cuốn sách. Tôi nghĩ, “Hm, mình làm gì với một cuốn sách? Mình biết rồi, mình sẽ đi vào thư viện, nhìn toàn bộ những cuốn sách chiêm tinh yêu thích và xem ai xuất bản chúng. Có cơ hội là cá nhân hay tổ chức đã xuất bản những cuốn sách chiêm tinh tôi yêu thích sẽ đọc sách của tôi và cảm thấy hứng thú với nó. Và nhà xuất bản là Samuel Weiser Inc., do đó tôi gửi cho họ bản thảo với lá thư hỏi “Các bạn có hứng thú với bản thảo này không?”, tôi giống như Thằng Khờ khởi đầu hành trình Tarot, không hề hay biết mà sẵn sàng tiến đến bờ vực. Sau đó, tôi nghĩ “Mình sẽ làm bìa hộ họ luôn”. Tôi đã vẽ một bức chỉ với cây bút của mình và gửi chúng đi, và lạ chưa kìa, họ đưa chúng lên làm trang bìa đấy! Tôi thực sự rất may mắn khi gặp được Donald và Betty Weiser. Cuốn sách tiếp theo tôi gửi cho họ là cuốn Relating, và kể từ đó Weiser xuất bản hầu hết các tác phẩm của tôi, trừ tuyển tập được xuất bản bởi nhóm nghiên cứu chuyên đề tại CPA [Trung tâm Chiêm tinh Tâm lí] – mặc dù hiện tại, Weiser đã đổi tên thành Red Wheel/Weiser và được điều hành bởi người khác.
Tôi rất hứng thú khi nghe chị nói rằng chị đã làm việc trong ngành âm nhạc cho Shelter Records, tổ chức các tour diễn châu Âu cho Freddie King, một ca sĩ chuyên hát nhạc blue kiêm nghệ sĩ guitar. Có cái gì ăn khớp ở đây không?
Chẳng có cái gì ăn khớp cả! [cười] Vào đầu những năm 70, tôi đang làm việc với tư cách là một chiêm tinh gia chuyên nghiệp và thực hành tâm lí trị liệu. Một trong số các khách hàng chiêm tinh của tôi là Denny Cordell, một nhà sản xuất người Anh, anh ta đã cho ra Procul Harum và Joe Cocker và vừa kết thúc chuyến lưu diễn đầy tai tiếng “Mad Dogs and Englishmen”. Denny đã gặp gỡ một ca sĩ tên là Leon Russell và muốn biết xem họ có khả năng cùng tạo dựng nên một thương hiệu thu âm tại California hay không. Tôi xem bản đồ sao đôi của họ và khuyến khích họ nên làm đi thôi, và sau đó trong một vài năm, tôi không nghe thấy tin tức gì từ họ nữa. Trong suốt thời gian đó, tôi không hài lòng với việc làm một nhà tâm lí trị liệu – tôi còn quá trẻ và luôn cảm thấy mắc kẹt bởi công việc này – và tôi không thể kiếm sống với công việc chiêm tinh gia. Tôi hoàn toàn không phù hợp với kiểu công việc văn phòng chuẩn mực 8 tiếng một ngày, lúc đó tôi thật sự rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nhưng phải có một điều gì đó không giết chết tâm hồn của tôi. Một ngày, tôi bật radio lên và tình cờ nghe được bài “Roll Away the Stone”, đó là bài hit lớn đầu tiên của Leon Russell. Bài hát theo sau những câu hát giáo đầu về Shelter Records và Denny Cordell. Tai tôi vểnh lên, và tôi nghĩ: “Xin chào, họ đã đi và làm được rồi đó, như mình đã gợi ý. Mình sẽ gọi điện cho Denny Cordell và xin một chân làm việc trong đó”. Và đó là những gì tôi đã làm. Nó khởi đầu cho hai năm tuyệt vời gắn bó với rock ‘n’ roll, nhưng đó cũng là thứ tôi cần cho ra khỏi hệ thống của mình. Tôi cho rằng tình yêu sân khấu của tôi giống với thứ đã lôi cuốn tôi vào ngành công nghiệp thu âm. Tại thời điểm đó, đây là một thế giới tuyệt vời – các nghệ sĩ cần phải có tài năng và không được tạo ra bởi một loại máy móc cộng đồng. Tôi đã đọc bản đồ sao cho những nghệ sĩ triển vọng mà Denny có ý định gắn liền họ với thương hiệu của mình. Ngoài ra, tôi còn đọc bản đồ sao cho các nhân viên ở đây mỗi khi họ gặp vấn đề nào đó.
Quả là một người đàn ông sáng suốt!
Ồ, Denny rất tuyệt, một người đàn ông phi thường. Lần đầu tiên tôi đến châu Âu cũng là nhờ anh ấy. Tôi đến London trong một chuyến đi công tác và tôi đã nghĩ, “Mình đã về nhà rồi!”. Sau đó, tôi bắt đầu tìm cách ở đây mãi mãi. Tôi cố gắng thuyết phục Denny mở một văn phòng tại London, nhưng anh ấy chưa có ý định đó, vì thế cuối cùng chỉ mình tôi di cư. Tôi vẫn gặp gỡ Denny, chúng tôi giữ liên lạc trong vài năm nữa, dù không liên tục, cho đến khi anh ấy mất.
Tất cả những sự kiện này – từ việc học thiết kế trang phục và dàn dựng cảnh ở đại học, làm việc ở các rạp hát cổ mùa hè, làm việc với ngành học thuật, làm việc với ngành thu âm – tôi rất vui vì mình đã thử chúng, bởi đó là những trải nghiệm hết sức tuyệt vời cho tôi nhiều bài học đáng quý. Đó là những phạm vi khác nhau trong cuộc sống mà tôi nghĩ chứa đựng nhiều điều phong phú đến kì diệu. Tôi sẽ chẳng bao giờ hối hận khi đi theo con đường vòng vo này mà chẳng có một ý niệm gì về việc mình sẽ đi đâu, ngoại trừ ý nghĩ những điều tiếp theo sẽ thú vị đây. Chủ thể kết nối giữa chúng luôn là tình yêu chiêm tinh của tôi, tuy nhiên ở nó cũng chẳng có bất cứ trật tự hay logic nào.
Và sau đó?
Tôi đọc sách của Jung trong suốt quá trình học tập của mình, mặc dù tôi không thể áp dụng vào công việc tại đại học – ông ấy bị xem là không đủ “khoa học”. Khi tôi chuyển đến Anh, điều đầu tiên tôi làm là huấn luyện tại Trung tâm Tâm lí học Siêu cá nhân [Centre of Transpersonal Psychology] với Ian Gordon Brown và Barbara Somers. Nó rất hay, nhưng đến cuối cùng tôi cảm thấy mình không thấu hiểu được đầy đủ tầm quan trọng của khía cạnh thực hành trong vật lí trị liệu. Cả hai khía cạnh trong phạm vi tâm lí đối với tôi đều mang một nửa sự thật. Tâm lí học Siêu cá nhân và những thứ đồ cũ thời thơ ấu đều là một phần của chúng ta, và tôi đã đánh mất khía cạnh thực hành. Kiến thức đại học của tôi chỉ là những gì tối giản so với khóa huấn luyện tâm lí trị liệu. Vì thế, tôi quyết định tham gia khóa huấn luyện về tâm lí của Jung. Tôi cho rằng điều này sẽ hợp với mình hơn, và tôi sẽ có một nền tảng tốt cho công việc trị liệu tâm lí chuyên sâu sau này. Tôi hoàn thành khóa huấn luyện phân tích vào năm 1983, và sau đó tôi làm một chuyên gia phân tích tâm lý kiêm chiêm tinh gia trong nhiều năm.
Tôi có Chứng chỉ của Khoa Nghiên cứu Chiêm tinh (Faculty of Astrological Studies) trước khi tôi viết cuốn Saturn. Tôi đã viết ngay khi đặt chân đến nước Anh. Tôi hay thu thập những mẩu báo, bởi chúng thật sự có ích. Đồng thời, tôi cố gắng lấp đầy lỗ hổng kiến thức của mình. Tôi phải tân trang và ôn lại rất nhiều trước khi làm bài kiểm tra của khoa.
Các chiêm tinh gia thường rất thiên về trực giác. Họ cảm nhận được các biểu tượng – đó là lí do tại sao họ bắt đầu với chiêm tinh, đó là lí do tại sao họ thích chiêm tinh và đó là lý do tại sao họ thành thạo nó. Nhưng cũng rất dễ để ta tùy tiện với suy nghĩ của mình và đưa ra rất nhiều giả thiết. Chúng ta không đặt ra đủ câu hỏi cho bản thân mình: “Vì sao tôi lại đưa đến kết luận này? Tôi đã dựa trên nền tảng nào?”. Chúng ta biết rất ít về chính môn nghệ thuật này.
Vậy là việc làm các bài kiểm tra thật sự có giá trị, bởi chị nhận ra điều gì mình không biết và chị có thể bổ sung ngay.
Tôi cảm thấy quả là một sai sót khi không bắt bản thân mình phải làm các bài kiểm tra. Ngay cả khi tôi nói tôi ghét làm Tiến sĩ, thì tôi cũng không hối hận vì đã làm điều đó. Nó buộc tôi phải suy nghĩ khác đi so với những lối thông thường và không hề thoải mái, nhưng đó không phải là điều xấu. Đó là lí do tại sao tôi cho rằng khóa học ở Bath Spa vô cùng đáng giá. Các chiêm tinh gia thường rất thiên về trực giác. Họ cảm nhận được các biểu tượng – đó là lí do tại sao họ bắt đầu với chiêm tinh, đó là lí do tại sao họ thích chiêm tinh và đó là lý do tại sao họ thành thạo nó. Nhưng cũng rất dễ để ta tùy tiện với suy nghĩ của mình và đưa ra rất nhiều giả thiết. Chúng ta không đặt ra đủ câu hỏi cho bản thân mình: “Vì sao tôi lại đưa đến kết luận này? Tôi đã dựa trên nền tảng nào?”. Chúng ta biết rất ít về chính môn nghệ thuật này. Rất nhiều chiêm tinh gia cho rằng các bài kiểm tra không thể đánh giá được bạn là một chiêm tinh gia giỏi hay không. Có lẽ là không. Nhưng chúng có thể đánh giá được rằng bạn có biết bản thân mình là một chiêm tinh gia tốt hay không, và chúng kiểm nghiệm được lĩnh vực nào đòi hỏi bạn phải tư duy. Trực giác không thôi thì chưa đủ. Khóa học của Chuyên ngành nghiên cứu Chiêm tinh là một khóa học rất xuất sắc, và tôi nghĩ Chứng chỉ của nó thật sự có giá trị. Nó đáng để ta phải nỗ lực, bởi không còn một lí do nào hơn là nó khiến bạn nhận thức được điều mà bạn không biết. Nó buộc bạn phải suy nghĩ. Và hơn hết, nó buộc bạn phải sắp đặt những gì bạn biết bằng một ngôn ngữ mà người khác có thể hiểu được.
Chiêm tinh học là một ngôn ngữ rất đẹp, nhưng thật dễ dàng để ta lười biếng với nó, cả về mặt tư duy lẫn giao tiếp. Bạn đang ở cùng với một nhóm chiêm tinh gia, và ai đó hỏi, “Bạn khỏe không?”, và ai khác trả lời, “Ồ, sao Thổ của tôi đang trùng tụ Mặt Trăng.” Chúng ta đều nghĩ ta hiểu điều đó nghĩa là gì, nhưng mỗi người đều có một ý niệm khác nhau.
Điều gì hướng chị tới Bath Spa sau khi định cư tại Thụy Sĩ lâu như vậy? Ý tôi là, tôi biết dù sao chị vẫn luôn nghĩ đến việc quay trở lại nước Anh.
Đó là… tôi muốn nói đó là “cơ may”, nhưng cả hai chúng ta đều biết chẳng có gì là cơ may ở đây cả. Nhưng nó trông giống thế. Tôi muốn quay lại Anh, nhưng vấn đề là ở đâu. Tôi sống ở London trong nhiều năm, và rồi tôi chuyển đến một ngôi làng ngoại ô Oxford, đó quả là một sai lầm khủng khiếp – một phần bởi vì ngôi làng đó, nhưng còn bởi vì Oxford là một nơi rất khó khăn. Đó là một thành phố đẹp, nhưng cuộc sống bị phân tách. Ở đó có trường đại học, và rồi đến các xưởng ô tô – và không có gì nằm ở giữa. Họ gọi sự phân tách này là “thị dân và sinh viên đại học” [town and gown]. Tinh thần học thuật tại Oxford rất nông và hẹp. Họ không thể đối mặt với một nhà phân tích tâm lí, không bận tâm đến một chiêm tinh gia, và tôi đã phải chịu đựng sự thô lỗ kinh khủng từ các nhân vật lớn tại Oxford – một sự thô lỗ thật sự bẩn thỉu, khi họ phản ứng với những gì không nằm trong thế giới nhỏ bé của họ. Số còn lại thì như kiểu, “Về nhà thôi, mua vài panh bia và xem East Enders [một chương trình TV nói về cuộc sống hàng ngày của phần lớn tầng lớp vô sản – thường có quan hệ với nhau, các gia đình trong một thành phố hư cấu ở phía Đông London] nào!” Rõ ràng Oxford không phải dành cho tôi. Đúng là tôi đã có một chỗ dừng chân tại London, nhưng tôi không muốn sống ở đó nữa, bởi nó rất ngột ngạt. Tôi cần nhìn ra cửa sổ và chiêm ngưỡng những điều tươi đẹp. Tôi chẳng muốn nhìn ra cửa sổ và thấy bức tường gạch của nhà ai đó. Đến cuối cùng, đó phải là một nơi nào khác ngoài London, một nơi đẹp đẽ nhưng tôi phải bắt được tàu vào London nhanh chóng. Lựa chọn sáng suốt nhất chính là Bath, mọi thứ trở nên hấp dẫn hơn bởi tôi rất thích ngành khảo cổ La Mã cũng như lịch sử của nó. Nếu người La Mã ở đây hẳn phải rất tuyệt. Vì thế, tôi quyết định đến Bath thậm chí trước khi những khóa học ở đây bắt đầu.
Khi tôi chuyển đến đây, Sophia Project đã kín chỗ và bắt đầu hoạt động. Nhưng ban đầu tôi chẳng biết nhiều về nó. Sau đó, Nick [Campion] và Patrick [Currry] hỏi liệu tôi có muốn nhận một lớp không, một kiểu thử nghiệm chẳng hạn. Tôi rất thích cái cấu trúc mà tôi đang theo để làm việc cho Bath Spa. Tôi là một giảng viên bán thời gian, vì thế tôi không cần giải quyết việc hành chính. Tôi không giỏi trong lĩnh vực đó. Tại thời điểm vận hành CPA, Juliet [Sharman-Burke] đã quán xuyến toàn bộ vấn đề hành chính, Chúa phù hộ cho cô ấy – nếu không có cô ấy, CPA sẽ không thể tồn tại nổi. Nhưng tôi cảm thấy rất vui vì mình đã có thể giảng dạy.
Chị cảm thấy mình nhận được điều gì khi ở Bath Spa?
Tôi phải học hỏi những điều mới và buộc não phải vận động. Thay vì kiểu chiêm tinh “mì ăn liền” (“Hôm nay chúng ta sẽ có một buổi chuyên đề về sao Mộc. Sao Mộc trong nhà 1 nghĩa là…”), tôi phải học về những gì Marsilio Ficino nghĩ về sao Mộc và vì sao lại thế, hoặc làm thế nào các chiêm tinh gia Hy Lạp hiểu được sự khác biệt giữa linh hồn và cơ thể, hoặc tại sao Thrasyllus, một chiêm tinh gia La Mã đã biên tập lại các công trình của Plato, biên soạn lại các cuộc đối thoại và sắp xếp chúng lại theo cách ông ta đã làm. Tôi phải khám phá lịch sử những tư tưởng đằng sau thứ chiêm tinh ta đang làm việc cùng bây giờ. Tôi nhận ra chúng thú vị không tưởng. Nó cho tôi một lí do để quay lại làm sinh viên lần nữa. Tôi phải làm rất nhiều việc để chuẩn bị cho những lớp học thế này. Tôi không thể viết dông dài được, bởi các học viên đều sắc sảo và thách thức tôi, vì thế tư duy của tôi buộc phải nâng tầm. Đọc bản đồ sao và giảng dạy chiêm tinh đều cần học hỏi, nhưng theo một cách khác. Khóa học tại Bath Spa lôi cuốn tôi học hỏi những điều mà nếu không bắt buộc, tôi sẽ chẳng bao giờ có thời gian cho chúng. Nó thật sự rất vui. Nó khiến tính cách nghịch ngợm trong tôi được thức giấc. Giờ đây chúng ta đang ở ngay giữa khuôn viên đại học, và nhìn xem chúng ta đang làm gì này! Tôi cảm thấy như một trò đùa vậy, bởi cộng đồng chiêm tinh luôn mang một nỗi bực dọc thường trực về vấn đề học thuật. Hầu hết các chiêm tinh gia đều đang trên đường chạy trốn khỏi học viện. Có những đấng vĩ đại trong các học viện, và chúng ta hoặc phải đề phòng và phủ nhận họ một cách triệt để, hoặc chúng ta phải nài nỉ, “Làm ơn nghiêm túc với tôi một chút đi, tôi thật sự không điên đâu”, và phải chịu rất nhiều cư xử tệ. Đó là một trong những lí do tôi thu nhập các mẩu báo. Nếu một học giả nói rằng, “Toàn là thứ rác rưởi”, thì tôi có thể vặc lại, “Ồ, thật ra thì, nếu tôi muốn xin ý kiến của một cái đầu học giả, thứ có thể giúp tôi tiếp cận số tài liệu này một cách khách quan, thì tôi sẽ nhờ chính mình”. Và giờ đây, nhờ Sophia Project, tất cả chúng tôi đều làm được điều đó. Khóa học đang hàn gắn rất nhiều những cảm xúc tự ti trong giới chiêm tinh.
Khóa học còn huấn luyện chúng tôi cách giao tiếp bằng một thứ ngôn ngữ mà các học giả khác có thể hiểu được. Giới học giả không hẳn chỉ là một khối đá vô tâm. Vẫn có những con người rất thú vị và thông minh muốn hiểu biết nhiều hơn, nhưng chúng ta chẳng thể biểu đạt chiêm tinh bằng một ngôn ngữ rõ ràng nào khác ngoài thứ ngôn ngữ của chính mình, vì thế họ không hiểu ta đang nói gì. Tuy nhiên, nếu những tư tưởng trong thế giới chiêm tinh có thể biểu đạt bằng một ngôn ngữ mà các học giả có thể hiểu được, họ sẽ vô cùng hứng thú. Đó là thất bại của chúng ta chứ không phải họ. Đó là lí do tại sao khóa học Phương pháp luận rất có giá trị tại Bath Spa. Dù cho tất cả mọi người có ghét nó, đứng lên ngồi xuống và thét lên vì nó, thì chúng ta vẫn đang học cách giao tiếp với những người có hệ thống tư duy khác và khám phá cách ta thỏa hiệp với họ. Điều này thật sự có giá trị vô cùng.
Trong cộng đồng chiêm tinh tồn tại một sự phân chia nho nhỏ về các khóa học chiêm tinh ở đại học đúng không?
Đúng thế. Rất nhiều chiêm tinh gia không nhìn thấy được vấn đề và cảm thấy phẫn nộ với tầm quan trọng bất ngờ của công việc học thuật. Họ cho rằng, “Nó không giúp bạn trở thành một chiêm tinh gia giỏi”. Phần nào đó thì nó đúng. “Một chiêm tinh gia giỏi”, dù có nghĩa là gì đi chăng nữa, cũng đòi hỏi rất nhiều kĩ năng, và rất nhiều trong số đó không dạy được ở đại học. Nhưng đôi khi có một sự lười biếng trong cách chúng ta tư duy và trong khả năng biểu đạt về những gì chúng ta biết bằng tiếng Anh thông thường. Chúng ta không biết rõ lịch sử của chiêm tinh học hoặc những triết lí khác góp phần hình thành nên môn học này. Chúng ta không hiểu, dưới góc độ khách quan, một triết lí cụ thế mà bất kì chiêm tinh gia nào tán thành, và chúng ta không biết rõ một lĩnh vực nào gần gũi như nghệ thuật hoặc văn học. Ở phần lớn chiêm tinh gia tồn tại một trào lưu rằng: “Hãy để cho chiêm tinh được thanh khiết, chúng ta không cần phải biết điều gì khác nữa”. Nhưng chúng ta không thể tách chiêm tinh ra khỏi thứ nào cả. Nó là ngôn ngữ của vũ trụ, và do đó liên quan đến toàn vũ trụ. Làm thế nào để bạn dịch ngôn ngữ đó nếu nhận thức của bạn quá hẹp đến nỗi chúng chỉ quẩn quanh trong một cái hộp? Bạn có thể có trực giác hoặc cảm giác về vị trí của một hành tinh, nhưng làm sao bạn diễn đạt cho khách hàng hiểu nếu bạn không thể đặt chúng vào một câu hoàn chỉnh và hợp lí? Tôi thật sự rất thích kiểu huấn luyện tâm trí nghặt nghèo và khắt khe. Tôi nghĩ chúng ta cần nó, với tư cách là một cộng đồng. Chúng ta cần phải làm gì đó để có khả năng quan sát các quá trình tư duy của chính mình – thấu hiểu và hệ thống hóa cách ta đưa đến kết luận đó. Có rất nhiều thứ ta cần phải học, và chúng ta không bao giờ được phép ngừng học hỏi. Nhưng chúng ta cần phải biết học như thế nào nữa. Chúng ta cần sử dụng trí óc theo một cách nhất định để học hỏi. Đó là một quá trình chủ động, không phải bị động, và không đủ số chiêm tinh gia nỗ lực làm việc đó.
Chiêm tinh học là một ngôn ngữ rất đẹp, nhưng thật dễ dàng để ta lười biếng với nó, cả về mặt tư duy lẫn giao tiếp. Bạn đang ở cùng với một nhóm chiêm tinh gia, và ai đó hỏi, “Bạn khỏe không?”, và ai khác trả lời, “Ồ, sao Thổ của tôi đang trùng tụ Mặt Trăng.” Chúng ta đều nghĩ ta hiểu điều đó nghĩa là gì, nhưng mỗi người đều có một ý niệm khác nhau. Các nhà tâm lý cũng lười biếng trong chính ngôn ngữ của mình nữa. Họ mất đi khả năng giao tiếp với một người không có ý niệm gì về thứ ngôn ngữ đó. Đồng thời, tôi không thể chịu nổi sự tàn phá của tiếng Anh. Ngôn ngữ là một thứ rõ ràng, và việc sử dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt là một khả năng hết sức tuyệt vời. Nó giống như bất kì điều gì khác: Bạn càng tôn trọng nó bao nhiêu, bạn càng có thể sáng tạo với nó bấy nhiêu. Khi tôi nhìn vào những lỗi ngữ pháp hoặc chính tả tồi tệ và vốn ngôn ngữ nghèo nàn của các chiêm tinh gia, nó làm tôi thật sự rất buồn. Cứ như thể là ngôn ngữ đang bị thất lạc ở đâu đó vậy. Đúng là truyền thông ngày nay đang khiến ta trở nên trì độn và ít nói, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc chiêm tinh đang trên bờ vực câm lặng. Phạm vi tập trung của chúng ta đang ngày càng thu hẹp lại. Chúng ta thích những âm thanh châm biếm thay vì những buổi thảo luận hoặc tranh biện mở rộng. Chúng ta sẽ đọc một cuốn tiểu thuyết nếu nó có 92 trang, không phải với quyển có 600 trang.
Trừ phi đó là tiểu thuyết của J.K.Rowling.
[gật] Trừ phi là của J.K. Rowling hoặc The Lord of the Rings (Chúa tể của những Chiếc nhẫn) – và thậm chí The Lord of the Rings cũng là thử thách với nhiều người đấy. Nhưng sẽ có bao nhiêu chiêm tinh gia đọc Proust hay Mann? Được thôi, có thể không phải ai cũng thích các tác gia này, nhưng đáng buồn là chúng ta đang bỏ mặt sự giàu có của văn học mà chúng ta có được để tăng cường sự hiểu biết của chúng ta về bản chất con người. Đôi khi tôi có phản hồi từ trang Astrodienst Web, và về mặt chính tả của các phản hồi đó thường xuyên khiến tôi không chịu nổi. Một số chiêm tinh gia còn không đánh vần nổi chữ “sao Mộc” [Jupiter]. Họ thậm chí còn không viết ra những câu hoàn chỉnh. Họ viết những thứ giống như những đoạn tin nhắn thì đúng hơn. Thật sự chúng khiến tôi rất thất vọng. Trình độ viết lách của chúng ta cần phải nâng tầm. Nếu không, chúng ta sẽ không hiểu, hoặc phải giao tiếp đơn phương, sự phong phú trong hệ thống biểu tượng của chúng ta. Bath Spa là một nơi mọi người phải ngồi xuống và viết về chiêm tinh một cách chắt lọc và hợp lí, những câu cú có chấm phẩy đàng hoàng, những chú thích phải đúng, và các nguồn phải được ghi lại theo tuần tự, và những thứ đại loại như ibid và op.cit. Bạn có thể thắc mắc, “Liệu việc một chiêm tinh gia biết đến op.cit. sẽ có lợi gì?” Về mặt chữ nghĩa thì không có lợi gì cả. Có điều, giống như việc học tiếng Latin, nó sẽ giúp cho các cơ trong tai của bạn được hoạt động.
Vậy thì, Liz, chị nhìn nhận như thế nào về chiêm tinh khi được ép vào khuôn khổ huấn luyện học thuật và biểu hiện của nó trong vài thập kỉ tới?
Trong vài năm tới, cách mọi người biểu đạt chiêm tinh sẽ khác đi. Cộng đồng chiêm tinh tại Anh đang được ủng hộ và động viên một cách vô cùng tích cực. Việc nói xấu sau lưng hay những ghen tị trong giới chuyên môn vốn đánh đố các trường học nơi đây – và bất cứ nơi nào khác trên thế giới – đang bắt đầu được gác sang một bên nhằm phục vụ cho những mục tiêu lớn hơn. Chúng ta nhận ra rằng mọi người thật sự là một cộng đồng, việc phát triển sự thấu hiểu và các kỹ năng giao tiếp quan trọng hơn sự đấu đá lặt vặt trong nội bộ. Có điều gì đó đáng lưu ý sắp sửa diễn ra: Chúng tôi đang tạo ra sự thống nhất đồng thời vẫn tôn trọng sự đa dạng. Chỉ một điều đó thôi cũng đáng quý hơn vàng rồi.
Liz, cảm ơn rất nhiều vì đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn. Chúng tôi chúc chị có những ngày thành công và vui vẻ tại Bath Spa, dù chị phát triển nó theo cách nào đi nữa – hoặc ngược lại.
__
Darrelyn Gunzburg là một nhà chiêm tinh tư vấn và đồng hiệu trưởng của Astro Logos, ngôi trường dành riêng cho việc giáo dục và cấp bằng cho những người thực hành chiêm tinh. Tựa sách của bà, Life After Grief: An Astrological Guide to Dealing with Loss (Cuộc sống sau Mất mát: Dùng Chiêm tinh học để Đối diện với Nỗi đau), đã được xuất bản bởi The Wessex Astrologer.
Để biết thêm chi tiết về bằng Thạc sĩ trong Nghiên cứu Thiên văn học và Chiêm tinh học tại Đại học Bath Spa, hãy truy cập www.bathspa.ac.uk/sophia/ hoặc liên hệ với quản lý, Alice Ekrek: a.ekrek@bathspa.ac.uk.
__
Bản dịch của Đoan Trang.
Dịch từ A Tale of Two Doctors Part 2: Interview with Liz Greene by Darrelyn Gunzburg dưới sự cho phép của Darrelyn Gunzburg.
Copyright © by Liz Greene & Darrelyn Gunzburg | Bản dịch © Saturn Cafe
Ảnh: Agatha Gothe-Snape.