trung chuyển

(ảnh: Yayoi Kusama, Sea in the Evening Glow)

Giữa mùa hè nhưng không khí đi vào phổi là của mùa đông. Tháng tư chỉ là sự lặp lại bốn lần của tháng mười hai. Tuổi trưởng thành — của thời thơ ấu. Mọi chuyện tình — một cơn điên loạn.    

Trước đụng chạm không lành, rất nhanh chóng, con cuốn chiếu cuộn tròn thành một khối trên mặt đường để tự vệ. Mình cũng muốn có khả năng đó: cuộn tròn thành một khối để tự vệ. Song mình không phải là một con cuốn chiếu. Có lẽ mình giống với một con khác hơn — một con nào đó mà khi sợ hãi, nó chạy. Nhưng không phải lúc nào nó cũng chạy đi. Lắm khi hoảng loạn hay bất lực, nó chạy lại.

Dưới ánh sáng mặt trời, con cuốn chiếu ánh lên màu của những thứ sẵn sàng dọn ra dĩa, dùng nóng. Đang bò về nhà, nhỉ. Mỗi khoảnh khắc đều là một khoảnh khắc đưa mọi thứ tiến gần hơn đến nơi mà nó thuộc về. Thân nó cứng như một bã kẹo cao su đã cũ. Những cái chân nâu giòn cùng xếp theo một góc chính xác để tạo nên một hình xoắn ốc hoàn hảo. Chỗ của mày phải là—

“Hở?”

“Cô đang làm tôi sợ đó.”

Hơn hai lần chị bảo mình nên viết gì đi. Con người cứ hay dành cho người khác những lời khuyên mà đúng ra họ phải dành cho chính mình.

“Hôm trước em mơ thấy người đó, trong một quán cà phê.”

“Rồi em có gặp được không.”

Chỉ là một giấc mơ.

“Nhưng quán cà phê,” chị tiếp, “với chị, là một trạm trung chuyển. Gặp ở đó, cũng là không bền vững. Người đến người đi. Va chạm một thoáng rồi thôi.”

Cái con mẹ Triệu Ngọc này. Nên viết một cái gì đó đi chứ.

Thế hệ của chị và mình là thế hệ của những sự thật bồng bềnh: Thiên Vương trùng Hải Vương. Những người có Thiên Vương trùng Hải Vương ở nhà 3, họ biết. Cũng như cách những suy nghĩ rất khó phát giác lại đủ tạo nên một giấc mơ, có những thứ tuy nhỏ và nhẹ song đủ khả năng cung cấp cho họ một hình ảnh, một cánh cửa, một cánh cửa dẫn vào một nhà 3 rất khác — Thiên Vương thì luôn khác. Những góc nhìn ở nhà 3 này đáng quý vì chúng là sự thật và đáng ghét vì chúng là sự thật. Nhưng nếu một ngày chị ngồi xuống và viết thật, hẳn mình sẽ lo lắng. Lo rằng chị sẽ viết vào một nơi tối, lạnh, ẩm, như cách mọi con người của bi kịch vẫn hay làm khi họ làm một thứ gọi là viết. Hoặc có thể do mình đau yếu nên nhìn thấy ai cũng là đang đau hoặc yếu.

Một chuỗi từ tượng thanh dần rõ nghĩa. “Có gì đâu.” Dù là một con rết thì cũng không nên ngăn nó bò về nhà.

Write a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *